Ngày 17-3, phiên tòa xét xử "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt 430 tỉ đồng của ba ngân hàng và nhiều cá nhân tiếp tục phần tranh tụng.
Trong phiên tòa hôm nay, các bị cáo cùng luật sư bào chữa thực hiện quyền đối đáp với quan điểm luận tội của viện kiểm sát.
'Siêu lừa' nhận tội, xin giảm nhẹ hình phạt
Tự bào chữa tại tòa, "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành nhận tội và xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Thành nói trong thời gian bị tạm giam đã nhận thức sai phạm của mình. Bị cáo cũng trình bày có con gái mắc bệnh hiểm nghèo, mong được sớm trở về chăm sóc.
Bào chữa cho Thành, luật sư cho rằng thiệt hại của vụ án là do nhóm cán bộ các ngân hàng đã thiếu trách nhiệm, không thẩm tra hồ sơ mà vẫn ký duyệt các khoản vay cho Thành.
Trong khi đó, một số luật sư bào chữa cho nhóm bị cáo là cựu nhân viên ngân hàng cho rằng Thành là chủ mưu, trực tiếp chiếm đoạt tiền của các ngân hàng và nhiều cá nhân.
Trong số 26 bị cáo, Nguyễn Thị Hà Thành bị cáo buộc có vai trò chủ mưu, cầm đầu. Bị cáo bị viện kiểm sát đề nghị mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cựu cán bộ ngân hàng kêu oan
Tự bào chữa, bị cáo Đặng Thị Quỳnh Hương (cựu trưởng phòng khách hàng cá nhân Phòng giao dịch Đông Đô, VietABank) bật khóc nức nở, kêu oan.
Nữ bị cáo cho rằng điều quan trọng nhất của đồng phạm là phải biết, bàn bạc về hành vi phạm tội.
"Nhưng từ đầu đến cuối, bị cáo không biết sự bàn bạc giữa Nguyễn Thị Thu Hương (cựu trưởng bộ phận quan hệ khách hàng doanh nghiệp, phòng giao dịch Đông Đô -VietABank) và Hà Thành. Ngay tại tòa, Thành cũng khai không bàn bạc gì với bị cáo", bị cáo nói.
Quỳnh Hương khẳng định không biết về các hành vi lừa đảo của Hà Thành. Bị cáo có góp hai tỉ đồng liên quan đến số tiền 25 tỉ đồng, "chẳng lẽ bị cáo lại lừa đảo chính bản thân mình".
Bào chữa cho bị cáo Quỳnh Hương, luật sư cho rằng nữ bị cáo không có bất cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn nào trong toàn bộ quy trình cho vay cầm cố số dư tiền gửi, không có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn trong việc quản lý các nhân viên quầy giao dịch.
Bị cáo không thể chịu trách nhiệm cho những sai phạm của các nhân viên quầy giao dịch khi họ trực tiếp tham gia vào quá trình thẩm định hồ sơ, gặp gỡ làm việc trực tiếp với khách hàng và giải ngân khoản vay.
17 cán bộ ngân hàng tiếp tay 'siêu lừa' chiếm đoạt 430 tỉ như nào?
Vụ ‘siêu lừa’ 430 tỉ đồng: Người gửi tiền ngân hàng không liên quan hành vi lừa đảo
Luật sư cũng nêu quan điểm Quỳnh Hương không có dấu hiệu của tội lừa đảo. Cơ quan điều tra và viện kiểm sát chưa làm rõ được mâu thuẫn vì sao Quỳnh Hương thực hiện hành vi lừa đảo mà lại tự mình tham gia vào chính giao dịch đó.
"Phải chăng Quỳnh Hương đang tự lừa đảo chính mình và có vai trò là cả bị cáo lẫn bị hại trong vụ việc này", luật sư nêu quan điểm.
Cuối phần bào chữa, luật sư đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung, trong đó tiến hành đối chất để tìm ra sự thật khách quan của vụ án, làm rõ hành vi của Quỳnh Hương có giúp sức để tạo điều kiện cho "siêu lừa" Hà Thành lừa đảo chiếm đoạt tài sản của VietABank hay không?
Trước đó, bị cáo Quỳnh Hương bị đề nghị 16 - 18 năm tù về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Viện kiểm sát cáo buộc bị cáo Quỳnh Hương và Nguyễn Thị Thu Hương (cựu trưởng bộ phận khách hàng Phòng giao dịch Đông Đô, VietABank) cùng "siêu lừa" Hà Thành thực hiện hành vi chiếm đoạt 25 tỉ đồng của ngân hàng VietABank.
Bị cáo Quỳnh Hương còn ký tờ trình thẩm định đề xuất cấp tín dụng đối với tám khoản vay khi không thực hiện đúng quy trình thẩm định, kiểm soát, dẫn tới VietABank bị thiệt hại 141 tỉ đồng.
Cáo trạng xác định, Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm cấu kết với nhiều cán bộ ngân hàng giả mạo chữ ký hồ sơ của người gửi tiền để thực hiện 26 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 430 tỉ đồng của Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VAB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng VN (PVcomBank).
Bằng các thủ đoạn gian dối, bà Thành chiếm đoạt hơn 49 tỉ đồng của PVcomBank.
Tại Ngân hàng NCB, Thành chiếm đoạt 47,5 tỉ đồng.
Trong vụ án này, số vụ lừa đảo nhiều nhất với số tiền lớn nhất xảy ra tại Ngân hàng VAB với 21 vụ. Thành tiếp tục sử dụng thủ đoạn trên và một số thủ đoạn khác để chiếm đoạt số tiền lên đến 273,9 tỉ đồng.
Tại tòa, ông Đặng Nghĩa Toàn - người có số tiền gửi tại ba ngân hàng - khẳng định rằng "không bị Hà Thành lừa", bởi theo ông, tiền trong sổ rất khó mất, khâu kiểm soát của ngân hàng rất chặt chẽ.
Xem thêm: mth.9651426171303202-nao-uek-on-cun-cohk-gnah-nagn-ob-nac-uuc-gnod-it-034-aul-ueis-uv/nv.ertiout