Sáng 19-3, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cùng đoàn công tác có buổi làm việc với quận 1 về vấn đề chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn quận.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên làm việc với quận 1 về vấn đề chỉnh trang đô thị. Ảnh: T.T |
Không có quỹ đất để xây nhà vệ sinh công cộng
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh cho biết toàn quận có 18 khu vệ sinh công cộng đang hoạt động tại 13 địa điểm như chợ, công viên, trạm xe buýt và khu dân cư.
Ngay từ năm 2017, quận đã chỉ đạo 10 phường vận động các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tạo điều kiện cho người dân và khách du lịch sử dụng miễn phí. Dù vậy, có tình trạng một số cửa hàng, quán ăn bình dân không được đảm bảo, còn người dân có tâm lý ngần ngại khi sử dụng tại khách sạn, nhà hàng cao cấp.
Việc đầu tư xã hội hóa của một số nhà đầu tư cũng chưa đảm bảo sự hài hòa giữa vị trí nhà đầu tư mong muốn và vị trí cần lắp đặt để phục vụ người dân. Qua ghi nhận các nhà vệ sinh công cộng thì ý thức người sử dụng dịch vụ chưa cao, tận dụng làm nơi tắm giặt, lấy cắp vật dụng nhà vệ sinh.
Bí thư quận 1 Tô Thị Bích Châu nói thêm, khu vực quận 1 có nhiều cơ sở kinh doanh, cửa hàng tiện lợi, quán ăn, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, trung tâm thương mại được trang bị nhà vệ sinh hiện đại có thể vận động hỗ trợ phục vụ miễn phí cho người dân và du khách.
Thời điểm trước dịch COVID- 19, quận 1 vẫn là địa phương có nhiều nhà vệ sinh công cộng có chất lượng, nhằm phục vụ cho ngành du lịch của địa bàn. Song, từ khi dịch xảy ra, các cơ sở lưu trú, kinh doanh bị ảnh hưởng phải đóng cửa hoặc thay đổi chủ nên nhà vệ sinh công cộng chưa được đầu tư đúng mức.
Bà Châu cho hay, khó khăn của quận là không có quỹ đất để bố trí nhà vệ sinh công cộng. Do đó, trong thời gian vừa qua chỉ tồn tại các nhà vệ sinh công cộng tại các chợ, công viên, bến xe buýt.
Phó Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Vũ Quang Vinh nói thêm, trong 18 khu vệ sinh công cộng chỉ có 5 nhà vệ sinh thu phí. Khó khăn lớn nhất của nhà đầu tư khi xây dựng nhà vệ sinh là địa điểm xây dựng; kinh phí đầu tư ban đầu; chi phí vận hành.
Giải pháp trước mắt, quận 1 cho biết đã vận động các hộ kinh doanh hỗ trợ, lắp bảng để thông tin để khi người dân có nhu cầu sẽ tìm đến. Đã có 100 đơn vị cùng tham gia vào việc này.
Bí thư quận 1 đồng thời đề xuất nhà nước có chủ trương đầu tư hoặc cho cơ chế để tư nhân đầu tư.
Quận 1 cũng muốn xây nhà vệ sinh công cộng ở năm vị trí, kiến nghị TP có chỉ đạo để sớm triển khai.
Năm vị trí cụ thể là: Thương xá Tax (135 Nguyễn Huệ), khu mở rộng khách sạn Majestic ở số 2-4-6 Nguyễn Huệ, số 8-12 Lê Duẩn, số 8 Nguyễn Trung Trực, số 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Quận 1 cũng phấn đấu hoàn thành đầu tư, xây dựng mới từ 3-5 nhà vệ sinh công cộng trước ngày 30-4, chi phí đầu tư khoảng 2,5 tỉ đồng đối với 5 nhà vệ sinh; chi phí vận hành khoảng 2 tỉ đồng/năm.
Không được xấu hơn
Kết luận cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên hoan nghênh khi quận 1 đã có nhiều sáng kiến vận động các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tạo điều kiện cho người dân và khách du lịch sử dụng miễn phí nhà vệ sinh.
Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu quận 1 tiếp tục thực hiện kế hoạch chỉnh trang đô thị. Trong đó, phải coi việc đầu tư, xây dựng nhà vệ sinh là nhu cầu thiết yếu, có sự quan tâm, quản lý phù hợp.
Ông yêu cầu quận có sự kiểm tra, rà soát có tính đồng bộ, khoa học, thực tiễn trên địa bàn và cần chia ra từng giai đoạn để có chỉ tiêu phấn đấu hoàn thành.
Từ nay đến 30-4, quận cần tập trung vận động các chủ cơ sở kinh doanh, trụ sở cơ quan hành chính cho khách vãng lai sử dụng.
“Đây là vấn đề trước mắt nhưng phải bền vững. Trước mắt là vận động nhưng sau đó thành nền nếp. Chúng ta kiểm tra thực hiện cuộc vận động này cho có giá trị. Rà soát, kiểm tra lại toàn bộ hệ thống nhà vệ sinh công cộng để tu sửa, đưa vào hoạt động những nơi đã có rồi nhưng hiện không còn hoạt động” – Bí thư Nên nói.
Cũng theo ông, quận 1 cần nhanh chóng lắp đặt nhà vệ sinh công cộng lưu động với nhiều hình thức đầu tư đa đạng; chú ý đến đối tượng phục vụ, nhất là du khách, người lao động, đặc biệt là người tàn tật.
Cùng đó, cần rà soát kiểm tra lại trường học, bệnh viện, công sở, khu phố, công viên, cũng là phục vụ người dân. Đây cũng là trách nhiệm của các cơ quan đóng trên địa bàn quận.
Cuối cùng, Bí thư Nên chia sẻ, TP.HCM có hơn 10 triệu dân, chính quyền phải có trách nhiệm với ngôi nhà chung này.
"TP.HCM phải xem việc này quan trọng, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và du khách. TP.HCM không làm nhà vệ sinh công cộng với mục đích để lấy thành tích, xếp thứ hạng. Tinh thần là mỗi ngày một tốt hơn, tuyệt đối không được xấu hơn". Bí thư Nguyễn Văn Nên