VỤ ÁN KÉO DÀI DO CHỜ KẾT QUẢ GIÁM ĐỊNH
Tại buổi tọa đàm "Tình hình triển khai thi hành luật Giám định tư pháp" do Bộ Tư pháp tổ chức cuối năm 2022, lãnh đạo TAND TP.HCM cho biết từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 9.2022, TAND hai cấp TP.HCM thụ lý hơn 50.600 vụ việc, đã giải quyết hơn 30.500 vụ việc. Số vụ việc tòa đã giải quyết có trưng cầu, yêu cầu giám định là gần 200 vụ việc, chiếm tỷ lệ hơn 0,3%.
Theo TAND TP.HCM, kết quả giám định là chứng cứ quan trọng, góp phần tích cực trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Vì vậy, việc xác định giá trị thiệt hại, hậu quả vụ án có ý nghĩa quan trọng và mang tính bắt buộc để xác định hành vi vi phạm có phải là tội phạm hay không. Đây cũng là căn cứ để xác định khung hình phạt, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội khi lượng hình; mức bồi thường cho người bị thiệt hại. Do đó, kết luận giám định sai có thể dẫn đến oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm.
Tuy nhiên, TAND TP.HCM cho rằng giám định tư pháp về tài chính, kế toán, xây dựng… vẫn còn một số khó khăn, bất cập. Trong thực tiễn, nhiều yêu cầu giám định, định giá mới rất đa dạng, phức tạp, liên quan nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều đối tượng. Nhiều tài sản định giá chưa đầy đủ thông tin về tình trạng pháp lý hoặc không có thông tin giao dịch phù hợp trên thị trường để đối chiếu làm căn cứ định giá.
Cạnh đó, định giá thiệt hại một số loại tài sản chưa có quy định cụ thể như tài sản có giá trị nghệ thuật, tài sản nằm ngoài danh mục hàng hóa nhà nước quy định, hàng hóa có xuất xứ nước ngoài, hàng cấm nhập khẩu…
Theo TAND TP.HCM, đối với các vụ án nghiêm trọng, phức tạp mất nhiều thời gian thường là ở công tác giám định tư pháp. Việc này dẫn đến một số vụ án phải kéo dài thời gian giải quyết, phải tách thành nhiều giai đoạn, do phải chờ kết quả giám định. Cạnh đó, còn có cơ quan, cá nhân được trưng cầu giám định với nhiều lý do khác nhau đã từ chối hoặc kéo dài thời gian giám định.
"Luật chưa quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của cơ quan tổ chức giám định, giám định viên cũng như chế tài khi chậm trễ giám định, để vụ án phải kéo dài, gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng", TAND TP.HCM nêu.
CÒN TÂM LÝ E NGẠI KHÔNG MUỐN LÀM GIÁM ĐỊNH
Cũng tại tọa đàm, Sở Tư pháp TP.HCM cho biết TP.HCM có 3 tổ chức giám định tư pháp, gồm Trung tâm pháp y (thuộc Sở Y tế), Phòng Kỹ thuật hình sự (thuộc Công an TP.HCM) và Văn phòng giám định tư pháp Sài Gòn (hoạt động trong lĩnh vực tài chính). Có 7 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, gồm: 2 đơn vị chuyên môn lĩnh vực xây dựng, 1 đơn vị giám định xe cơ giới, 1 đơn vị giám định lĩnh vực văn hóa và 3 đơn vị chuyên môn trong khoa học, công nghệ.
Hiện có 304 người làm công tác giám định tư pháp. Các giám định viên còn kiêm nhiệm, không đủ thời gian và điều kiện tập trung vào giám định.
Việc giám định viên còn có tâm lý e ngại, không muốn làm giám định vì trách nhiệm pháp lý rất cao, trong khi các điều kiện để thực hiện giám định chưa bảo đảm và chưa có cơ chế bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng cho giám định viên. Tiền bồi dưỡng giám định viên trong một số lĩnh vực không được chi trả kịp thời, chế độ bồi dưỡng còn thấp.
Ngoài ra, theo Sở Tư pháp, cơ quan trưng cầu giám định không cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu, thông tin cần thiết cho việc thực hiện giám định nên phải bổ sung hồ sơ, dẫn đến kéo dài thời hạn giám định.
MÁY MÓC PHỤC VỤ GIÁM ĐỊNH CÒN HẠN CHẾ
Theo Sở Tư pháp TP.HCM, có khó khăn vướng mắc trong một số lĩnh vực như giám định pháp y, các quy định pháp luật chưa đầy đủ, gây khó khăn cho công tác giám định. Trong giám định thương tích, nhiều thương tích không có tỷ lệ; các chất ma túy hiện ngày càng nhiều và đa dạng, gây khó khăn việc nhập các chất chuẩn gây nghiện phục vụ cho giám định độc chất.
Mặt khác, luật chưa có cơ chế đặc thù trong việc mua sắm trang thiết bị, chẳng hạn như hóa chất chuẩn phục vụ việc giám định độc chất của Trung tâm pháp y. Trước đây, để phục vụ giám định, Trung tâm pháp y đã mua và nhập về VN, nhưng do có thành phần chất cấm heroin nên không được phép thông quan và phải tiêu hủy.
"Cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động của các tổ chức giám định nhìn chung thiếu và yếu, ảnh hưởng đến việc trưng cầu giám định của cơ quan tố tụng", TAND TP.HCM nhấn mạnh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều lĩnh vực chuyên ngành ở địa phương không giám định được (xây dựng, sở hữu trí tuệ, tài chính, văn hóa, ma túy tổng hợp, vật liệu nổ…).
CẦN PHÂN CẤP CÁC CƠ QUAN GIÁM ĐỊNH
Từ những khó khăn, bất cập trên, Sở Tư pháp kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành quản lý lĩnh vực giám định nghiên cứu, tham mưu bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến thành lập văn phòng giám định tư pháp, nâng cao trách nhiệm của cơ quan giám định, giám định viên đối với kết luận giám định.
"Cần bổ sung quy định về cơ chế phối hợp giám định của các cơ quan chuyên môn đối với các lĩnh vực như thuế, tài chính, xây dựng. Cạnh đó, cần quy định thêm tính phân cấp trong tiếp nhận trưng cầu và thực hiện giám định ở cấp T.Ư và cấp tỉnh để khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trong tiếp nhận và thực hiện giám định ở nhiều địa phương và bộ, ngành chủ quản…", Sở Tư pháp kiến nghị.
Xã hội hóa giám định tư pháp
Sở Tư pháp TP.HCM kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, kiến nghị Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ xem xét việc mở rộng phạm vi xã hội hóa giám định tư pháp theo hướng cho phép thành lập văn phòng giám định tư pháp ở lĩnh vực có nhu cầu lớn như: giám định dấu vết tài liệu, chữ ký, chữ viết, môi trường...