Ngày 21-3, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã chủ trì Hội thảo trao đổi về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về các vấn đề liên quan đến hoàn thiện hệ thống pháp luật trong quản lý các tổ chức tín dụng.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ảnh: Phạm Thắng
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết trong quá trình thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng… Luật các tổ chức tín dụng tiếp tục bộc lộ một số hạn chế, cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của tổ chức tín dụng và thực tiễn quản lý của cơ quan nhà nước.
Tham gia phát biểu tại hội thảo, bà Katia D’Hulster, Điều phối viên trưởng Khu vực tài chính Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương thuộc WB chia sẻ về những tiêu chuẩn quốc tế quan trọng trong giám sát, quản lý ngân hàng.
Ông Geof Mortlock, Chuyên gia giám sát cao cấp WB, cảnh báo căng thẳng hệ thống tài chính có thể lan rộng nhanh chóng, những khó khăn của một ngân hàng sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng khác. Căng thẳng ngân hàng sẽ nhanh chóng dẫn đến phá sản ngân hàng, việc rút tiền gửi diễn ra rất nhanh chóng, có thể gây ra sự phá sản của một hay nhiều ngân hàng.
Do đó, ông Geof Mortlock khuyến nghị các ngân hàng trong tình trạng căng thẳng tài chính cần có những kế hoạch kỹ lưỡng để khôi phục trạng thái ổn định tài chính; các cơ quan giám sát cần có sự can thiệp sớm một cách hiệu quả để hỗ trợ các ngân hàng trong tình trạng căng thẳng tài chính.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đồng tình cho rằng một khung đối phó hiệu quả với căng thẳng hay phá sản ngân hàng đòi hỏi các yếu tố: can thiệp sớm; các kế hoạch hồi phục ngân hàng; các chính sách, quyền hạn và kế hoạch giải quyết ngân hàng; nguồn hỗ trợ giải quyết; hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng có khả năng thanh toán.
Trong đó, việc giải quyết các ngân hàng đòi hỏi cần lập kế hoạch kỹ lưỡng, cơ quan giải quyết cần chuẩn bị các kế hoạch giải quyết toàn diện cho tất cả các ngân hàng lớn, mục đích là giảm thiểu tác động đến ổn định tài chính, giảm chi phí cho Chính phủ, tránh gây bất ổn cho người gửi tiền và những người cho vay khác. Cùng với đó, các kế hoạch giải quyết phải được kiểm tra thường xuyên.
Nhiều ý kiến nhận xét hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu phục hồi và giải quyết ngân hàng một cách hiệu quả. Luật Các tổ chức tín dụng còn thiếu hệ thống các mục tiêu rõ ràng về giải quyết ngân hàng, không định rõ thẩm quyền pháp lý đầy đủ trong vấn đề này. Bên cạnh đó, Luật Ngân hàng Nhà nước còn chưa đầy đủ, thiếu các quy định về thẩm quyền cần thiết và các biện pháp bảo vệ trong hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp hoặc trong việc chỉ định Ngân hàng Nhà nước là cơ quan giải quyết.
Theo các chuyên gia, việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng là cần thiết để Việt Nam đối phó hiệu quả với tình trạng căng thẳng và phá sản ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường chính sách và quy trình đối với việc can thiệp sớm, phục hồi và giải quyết ngân hàng, đồng thời cần củng cố chính sách, quy trình hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp. Những yếu tố chính để các ngân hàng trung ương thực hiện hiệu quả quyền hạn của mình là sự độc lập về hoạt động, trách nhiệm giải trình, nguồn lực và sự bảo vệ về mặt pháp lý đối với bộ phận giám sát. Ngân hàng Nhà nước cần tận dụng tốt sự độc lập về hoạt động trong thực thi các thẩm quyền giải quyết.
Giáo sư Andrew Godwin, Cố vấn WB cho rằng mục tiêu của việc sửa đổi luật là nhằm định rõ quyền hạn để tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trách nhiệm giải trình và tính minh bạch của các cơ quan quản lý, bao gồm cả ngân hàng trung ương, duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính, bảo vệ người gửi tiền trong phạm vi cơ chế bảo hiểm tiền gửi và ưu tiên người gửi tiền, giảm thiểu các rủi ro tài chính công.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết các ý kiến đồng thuận việc cần thiết phải sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng
Kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết các ý kiến trong hội thảo đều đồng thuận việc cần thiết phải sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng để đảm bảo thi trường an toàn, lành mạnh, ổn định, công khai, minh bạch, hoàn thiện các quy định của hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tránh những lỗ hổng pháp lý.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi luật cần đặt trong tổng thể pháp luật Việt Nam, cần rà soát mở rộng các luật có liên quan như Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Ngân hàng Nhà nước; cần quan tâm đến việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, chú trọng các ưu tiên trong áp dụng pháp luật, thiết kế các hệ thống, cơ chế cảnh báo, xử lý sớm các biến động thị trường.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ các ý kiến tại hội thảo sẽ được tổng hợp, chắt lọc và tiếp thu để đảm bảo dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đạt chất lượng cao.