Ngày 22-3, tại Hà Nội, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương phối hợp Văn phòng Bộ Y tế, Tổ chức PATH tổ chức Hội nghị đánh giá công tác phòng chống sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng năm 2022; triển khai kế hoạch năm 2023 và thúc đẩy loại trừ sốt rét tại Việt Nam.
Thêm 6 tỉnh loại trừ bệnh sốt rét
Theo báo cáo của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương, năm 2022 có 6 tỉnh: Bắc Kạn, Hòa Bình, Huế, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau đạt tiêu chí loại trừ sốt rét, nâng tổng số địa phương loại trừ sốt rét lên 42 tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên hiện bệnh sốt rét vẫn còn diễn biến phức tạp, với gần 7 triệu người sống trong vùng sốt rét lưu hành, tập trung chủ yếu ở tỉnh Lai Châu, Bình Phước và một số tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên.
Theo ông Hoàng Đình Cảnh - viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương, nguy cơ dịch sốt rét quay trở lại là rất lớn nếu không có những biện pháp phòng chống hiệu quả, kịp thời.
"Sốt rét chủ yếu tại vùng người dân, đồng bào dân tộc ít người, lao động thời vụ tại các nương rẫy, còn có thói quen "đi rừng, ngủ rẫy", người dân chưa có ý thức phòng, chống bệnh. Trong năm 2022 đã có 455 bệnh nhân sốt rét, trong đó có một trường hợp tử vong.
Trong khi đó, tình trạng sốt rét kháng thuốc, sốt rét biên giới, di biến động dân, muỗi kháng hóa chất, nguồn kinh phí đầu tư cho phòng chống và loại trừ sốt rét còn hạn hẹp, gây khó khăn trong phòng chống sốt rét.
Để đạt được mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét năm 2030, chúng ta cần thực hiện các giải pháp đồng bộ như: giám sát vùng sốt rét có nguy cơ, phát hiện sớm, điều trị sớm cho người bệnh; giám sát véc tơ truyền bệnh và phòng muỗi đốt.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực y tế, đẩy mạnh công tác truyền thông và giám sát các vùng sốt rét lưu hành", ông Cảnh nhấn mạnh.
Muỗi truyền bệnh kháng thuốc
Theo số liệu của Bộ Y tế năm 2022, toàn quốc có trên 360.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết và hơn 100 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương đã thực hiện giám sát muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại 12 tỉnh. Kết quả giám sát cho thấy muỗi truyền bệnh sốt rét và sốt xuất huyết có hiện tượng kháng với hóa chất diệt côn trùng.
Theo một chuyên gia Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương, thời gian tới dịch sốt xuất huyết có thể gia tăng, diễn biến phức tạp.
"Hiện nay, chưa có đầy đủ dữ liệu về việc biến đổi khí hậu khiến dịch sốt xuất huyết gia tăng. Tuy nhiên, việc thay đổi thời tiết với nền nhiệt thấp, mưa rải rác chính là nguy cơ dẫn đến sốt xuất huyết gia tăng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đang cảnh báo về dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát trở lại.
Bên cạnh đó số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng còn do muỗi kháng thuốc, thiếu nhân lực y tế dự phòng cơ sở. Để phòng chống sốt xuất huyết cũng giống như phòng dịch COVID-19, y tế dự phòng phải "gõ cửa từng nhà" để phun khử khuẩn.
Vì vậy, với nhân lực y tế và nguồn kinh phí phòng dịch sốt xuất huyết hạn hẹp như hiện nay thì rất khó để triển khai", chuyên gia này nhận định.
TTO - Trong nỗ lực lâu dài nhằm xóa bỏ bệnh sốt rét, các nhà khoa học châu Phi mới đây đã nghiên cứu thành công loại kháng thể với chỉ liều duy nhất có thể giúp người trưởng thành đề kháng với sốt rét trong 6 tháng.
Xem thêm: mth.51623113122303202-ter-tos-cam-oc-yugn-iov-neid-iod-iougn-ueirt-7-nag/nv.ertiout