Sau nhiều năm chịu ảnh hưởng của đại dịch, Trung Quốc đã lại “trỗi dậy”, nhưng hàng triệu người tiêu dùng của họ thì sao?
Dân số Trung Quốc đang chi tiêu trở lại sau thời gian đại dịch kéo dài. Người dân nước này đang lên kế hoạch cho các chuyến đi, ăn tối và quay lại với các trung tâm mua sắm. Tuy nhiên, người dân ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn chưa chi tiêu mạnh như trước đây, trong bối cảnh những bất ổn kinh tế vẫn đang phủ bóng.
Trung Quốc đã “mở cửa” ở mức độ như thế nào?
1. Hoạt động ăn uống và giải trí
Người tiêu dùng Trung Quốc đang ra ngoài sau 3 năm đại dịch. Điều này được thể hiện phần nào trong việc hoạt động ăn uống đang tăng lên. Chi tiêu cho đồ ăn và thức uống tại các nhà hàng đang quay trở lại mức trước đại dịch, nhưng vẫn chưa phải mức cao nhất.
Haidilao, một trong những chuỗi nhà hàng lẩu lớn nhất Trung Quốc, ước tính ghi nhận doanh số bán hàng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cao hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, doanh số của các nhà hàng phục vụ lẩu nhìn chung vẫn thấp hơn so với năm 2021.
Catherine Lim - nhà phân tích cấp cao về người tiêu dùng và công nghệ của Bloomberg Intelligence, cho biết nỗi lo về Covid-19 của người tiêu dùng Trung Quốc đang “tan biến”. Những lo ngại về triển vọng kinh tế lại đang khiến họ thận trọng hơn trong việc chi tiêu cho hoạt động không thiết yếu.
Kỳ nghỉ Tết đã thúc đẩy sự bùng nổ của chi tiêu trong nhiều lĩnh vực tiêu dùng, song nay đã dần hạ nhiệt do nhiều người lo ngại về Covid-19, dịch cúm và triển vọng nền kinh tế sẽ ra sao sau thời kỳ phong toả.
Điều này được thể hiện rõ ở hoạt động xem phim. Người Trung Quốc đã đổ xô đi xem phim trong 7 ngày nghỉ lễ, đưa doanh thu bán vé đạt 6,8 tỷ NDT (990 triệu USD), tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, khi theo dõi trong thời gian dài hơn, doanh số bán vé trong 10 tuần đầu của năm 2023 tăng gần 13% so với năm ngoái, lên hơn 14 tỷ NDT nhưng thấp hơn 12% so với năm 2019.
2. Mua sắm
Trong thời kỳ đại dịch, người dân Trung Quốc sử dụng điện thoại để mua mọi thứ, từ thực phẩm đến quần áo. Giờ đây, họ lại “đổ” ra đường, nhưng một số thói quan chi tiêu đã thay đổi có thể sẽ là mãi mãi.
Dù đó là “dư âm” của đại dịch hay phản ánh xu hướng lâu dài hơn, người tiêu dùng Trung Quốc đang chi tiêu nhiều hơn cho hoạt động di chuyển và mua sắm trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ. Họ ưa chuộng từ thiết bị thể dục đến thẻ phòng tập thể thao hay các hoạt động như thiền định.
Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến các lĩnh vực như thời trang và túi xa xỉ. Trung Quốc vốn là quốc gia chi tiêu mạnh tay nhất đối với hàng xa xỉ trước đại dịch. Do đó, xu hướng hiện tại sẽ được theo dõi chặt chẽ bởi các hãng thời trang như LVMH hay Cartier.
Ngoài ra, tâm lý mua sắm cũng có sự khác biệt giữa các thế hệ.
Theo dữ liệu do công ty tư vấn quốc tế Oliver Wyman thu thập, thời kỳ hậu Covid, thế hệ Y đang lên kế hoạch chi tiêu nhiều nhất cho lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ và thể thao. Trong khi đó, thế hệ baby boomer lại ít lên kế hoạch chi tiêu hơn, do đó mức độ tiêu tiền của họ đối với lĩnh vực thời trang xa xỉ sẽ giảm nhiều nhất trong năm nay.
Jason Yu, giám đốc điều hành của Kantar Worldpanel Greater China, theo dõi hành vi chi tiêu của 40.000 hộ gia đình Trung Quốc, cho biết: “Giá cả hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) vẫn chưa tăng, cho thấy người tiêu dùng vẫn thận trọng. Đà hồi phục là điều rõ ràng nhưng quy mô vẫn chưa đạt mức tối đa.”
Trong khi đó, hoạt động tiêu dùng của Trung Quốc đang hồi phục chậm hơn so với những nơi khác sau khi mở cửa. Ví dụ, Anh đã dỡ bỏ gần như hoàn toàn các biện pháp kiểm soát vào tháng 7/2021. Vào tuần kết thúc vào ngày 25/9, tổng doanh số bán lẻ tăng 85% so với cùng kỳ năm 2019, theo số liệu từ văn phòng thống kê của Anh.
Theo Larry Hu, trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Group, trở lại lớn nhất với đà hồi phục của Trung Quốc là niềm tin của người tiêu dùng vẫn chưa quay trở lại.
Trung Quốc chần chừ trong việc hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng để thúc đẩy sự phục hồi như các nơi khác trên thế giới. Do đó, đà tăng trưởng bền vững về tâm lý và chi tiêu sẽ phụ thuộc vào việc tạo ra nhiều việc làm hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này tăng 5,6% trong tháng 2, trong khi ở giới trẻ đạt mức cao nhất trong 6 tháng là 18,1%.
3. Các loại hàng hoá có giá trị lớn
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại đang thúc đẩy người dân tìm đến lĩnh vực bất động sản. Doanh số bán căn hộ đã tăng 3,5% trong tháng 1-2 năm nay, sau khi giảm 22% trong 2 tháng đầu năm ngoái.
Đóng vai trò là động lực chính của nền kinh tế Trung Quốc trong hơn 1 thập kỷ, lĩnh vực này đã gặp nhiều khó khăn trong năm vừa qua. Cuộc khủng hoảng một phần là do ảnh hưởng của dịch bệnh. Doanh số bán nhà tại nước này giảm 27% vào tháng 12/2022 so với năm trước và chính phủ đã phải hỗ trợ vào đầu năm.
Trong khi đó, doanh số bán ô tô giảm 9,4% trong 2 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Khi một thị trường quá đông đúc - chỉ riêng Trung Quốc đã có hơn 200 nhà sản xuất ô tô điện, họ đã cân nhắc lại về nhu cầu, các đại lý phải hạ giá sản phẩm và chạy chương trình ưu đãi để thu hút người mua. Doanh số bán ô tô đã giảm mạnh nhất trong 2 tháng đầu năm trong toàn bộ danh mục bán lẻ được Cục Thống kê Trung Quốc theo dõi.
4. Du lịch quốc tế
Trung Quốc có số lượng khách du lịch tăng nhanh nhất thế giới trước đại dịch, khiến các điểm nghỉ dưỡng từ Thái Lan đến Ý đã vắng khách trong 3 năm qua.
Các sân bay của nước này đang đông đúc trở lại. Tuy nhiên, dù số chuyến bay quốc tế cao hơn trong thời kỳ đại dịch, nhưng vẫn chỉ bằng 22% so với mức trước đại dịch tính đến ngày 16/3, theo công cụ theo dõi dữ liệu không lưu VariFlight.
Hiện tại, nhiều chuyến bay nước ngoài vẫn chưa được nối lại dù các biện pháp hạn chế đã bị gỡ bỏ. Các chuyến bay giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn bị giới hạn chỉ 12 chuyến mỗi tuần. Trong khi đó, một số quốc gia vẫn yêu cầu khách du lịch Trung Quốc phải có kết quả âm tính với Covid-19.
Tham khảo Bloomberg