Theo tuyên bố hôm nay (23/3), HĐQT Toshiba cho biết đã duyệt đề nghị trên của một nhóm doanh nghiệp do Japan Industrial Partners (JIP) đứng đầu. Toshiba cho biết 17 công ty Nhật và 6 tổ chức tài chính trong nước sẽ tham gia vào thương vụ này.
Đề nghị 2.000 tỷ yen (15,3 tỷ USD) tương ứng với 4.620 yen mỗi cổ phiếu của tượng đài công nghệ Nhật Bản. Con số này cũng cao hơn 9,7% so với mức giá chốt phiên cổ phiếu Toshiba hôm 23/3.
Động thái này có thể chấm dứt nhiều năm hỗn loạn tại Toshiba với loạt bê bối khiến công ty gặp khó khăn dẫn đến quyết định phải bán mình. Ban lãnh đạo Toshiba, chính phủ Nhật và các cổ đông lớn nước ngoài bất đồng về tương lai doanh nghiệp này. Các nhà đầu tư muốn tối ưu hoá lợi nhuận, còn chính phủ Nhật lại ưu tiên giữ các mảng kinh doanh và công nghệ nhạy cảm khỏi tay nước ngoài.
Theo Toshiba, trước khi nhu cầu về chip nhớ và ổ cứng đi xuống, nhóm doanh nghiệp trên đã đề nghị mua với giá 5.500 yen mỗi cổ phiếu. Tuy nhiên, JIP đã hạ giá mua nhiều lần do thị trường xấu đi, triển vọng doanh thu của Toshiba đi xuống. Họ cũng phải đối mặt với khó khăn trong việc thu xếp nguồn lực tài chính khi các nhà băng thận trọng hơn trong việc cấp vốn cho giao dịch lớn trong lúc kinh tế không thuận lợi.
Bloomberg nhận định nếu thương vụ thành công, đây sẽ là một trong những giao dịch lớn nhất châu Á năm nay trong bối cảnh thị trường M&A sụt giảm. Nó cũng sẽ là một trong những thương mại mua cổ phần doanh nghiệp tư nhân lớn nhất từ trước tới nay tại Nhật Bản.
Nhà phân tích Mio Kato tại LightStream Research đánh giá đây sẽ là một điều tích cực vì một trong những vấn đề với Toshiba là thiếu một chiến lược nhất quán. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng vẫn còn một số việc phải làm trong việc thiết lập các động lực tăng trưởng và tối đa hoá tiềm năng một số mảng kinh doanh mới nổi của Toshiba.
Toshiba liên tiếp gặp nhiều khủng hoảng trong 8 năm qua, khởi đầu từ vụ bê bối kế toán năm 2015. Điều này khiến lợi nhuận bị thâm hụt và công ty phải tái cơ cấu toàn diện. Theo kết luận của một ủy ban điều tra độc lập khi đó, Toshiba đã phóng đại lợi nhuận lên thêm 151,8 tỷ yen (1,2 tỷ USD) trong 5 năm. Con số này gấp 3 lần dự tính ban đầu của hãng. Toshiba lỗ chủ yếu ở các mảng cốt lõi tại Trung Quốc, Hàn Quốc và phải chuyển sang tập trung vào cơ sở hạ tầng, điện hạt nhân. Sau khi điều chỉnh lại, Toshiba báo lỗ 37,8 tỷ yen năm 2014.
Đến đầu năm 2017, Toshiba liên tục trễ hạn công bố báo cáo tài chính do những rắc rối tại mảng điện hạt nhân ở Mỹ. Lãnh đạo hãng này cũng không nghiên cứu cẩn thận việc mua lại CB&I Stone & Webster – thương vụ được coi là giải pháp để chi nhánh Westinghouse (chi nhánh của Toshiba tại Mỹ) hoàn thành các dự án lò phản ứng bị trì hoãn tại Georgia và Nam Carolina khi đó. Các dự án này của họ sau đó đều bị vượt dự toán và chậm tiến độ.
Việc đầu tư vào mảng năng lượng hạt nhân tại Mỹ khiến Toshiba lỗ 6,3 tỷ USD và mấp mé bờ vực bị huỷ niêm yết. Công ty buộc phải bán viên ngọc quý - đơn vị kinh doanh chip nhớ cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Đầu năm ngoái, các cổ đông đã không chấp nhận đề xuất chia tách Toshiba của ban lãnh đạo hãng. Đây như biện pháp thay thế cho việc bán tập đoàn cho quỹ đầu tư tư nhân - phương án mà nhà đầu tư mong muốn. Thất bại của kế hoạch này đã thúc đẩy ban lãnh đạo tìm kiếm các lựa chọn chiến lược cho tương lai Toshiba, trong đó có việc bán mình. JIP được chọn là người mua ưu tiên vào tháng 10/2022.
Tú Anh (theo Bloomberg)
Từ ngày 22/2, eBox tổ chức chương trình chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành. Bạn có thể tìm hiểu thêm tại đây.Là nền tảng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trên nhiều lĩnh vực, eBox nhằm giúp các độc giả phát triển bản thân, nâng cao giá trị cuộc sống.