vĐồng tin tức tài chính 365

Những cổ phiếu 'độc lạ' trên sàn chứng khoán

2023-03-24 08:46

Chia cổ tức khủng

Cổ phiếu PTG của Công ty xuất nhập khẩu May Phan Thiết được đánh giá vừa lạ vừa đầy sức hút với giới đầu tư. Lạ vì tổng khổi lượng đặt mua lên đến hàng chục triệu nhưng không ai bán, và hấp dẫn với mức trả cổ tức rất cao.

Với lĩnh vực chuyên về may xuất khẩu, May Phan Thiết cũng không phải là một công ty lớn nếu xét về doanh thu. Trong suốt 5 năm gần dây, doanh thu cao nhất của công ty này đạt 500 tỉ đồng vào năm 2022, và lãi ròng của năm này là 49,3 tỉ đồng.

Nếu so với May Thành Công thì các con số này của May Phan Thiết khá nhỏ bé. Mỗi năm May Thành Công tạo ra doanh thu gần 4.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 300 tỉ đồng.

Dù tỉ lệ lãi và doanh thu không cao so với các công ty trong ngành, nhưng May Phan Thiết khá rộng rãi với cổ đông thông qua việc chi trả cổ tức. Trong 5 năm trở lại đây, May Phan Thiết luôn trả mức cổ tức là 12.000 đồng cho một cổ phiếu. Thậm chí May Phan Thiết chi trả cổ tức cao hơn cả lợi nhuận. Chẳng hạn, năm 2022, tổng số tiền chi trả cổ tức công ty này đạt 60 tỉ trên mức lãi 49,3 tỉ.

Trong khi đó, lãi ròng của May Thành Công gấp 6 lần May Phan Thiết, nhưng cổ đông của May Thành Công nhận cổ tức bằng thưởng cổ phiếu trong năm 2022. Còn những năm trước đó, cổ đông May Thành Công chỉ nhận được cổ tức 500 đồng/cổ phiếu.

Một điều kỳ lạ khác, dù hiệu quả kinh doanh và chi trả cổ tức tốt, nhưng giá cổ phiếu May Phan Thiết chỉ là 300 đồng/cổ phiếu. Điều này thu hút giới đầu tư. Tính từ đầu năm 2023 đến nay đã có hơn 42 triệu khối lượng đặt mua nhưng không ai bán, hay nói cách khác, cổ phiếu May Phan Thiết không có thanh khoản.

Tương tự, Công ty phục vụ mai táng Hải Phòng (CPH) có mức chi trả cổ tức đáng mơ ước và rất đều đặn cho cổ đông. Năm nào cổ đông cũng được nhận số tiền cổ tức là 1.640 đồng/cổ phiếu. CPH cũng có hiệu suất kinh doanh tốt với mức lãi bình quân mỗi năm gần 10 tỉ đồng.

Và cổ phiếu CPH cũng chỉ có mức giá 300 đồng và luôn hút hàng chục triệu khối lượng đặt mua, nhưng cũng không có thanh khoản.

Rất khó định giá chính xác

Theo giới chuyên gia, chính việc cơ cấu cổ đông khá cô đặc đã dẫn đến việc cổ phiếu hai công ty này ở mức giá trà đá nhưng cổ đông luôn nhận được cổ tức khủng.

Như theo báo cáo năm 2021, May Phan Thiết có tỉ lệ sở hữu của các cổ đông nội bộ và người thân chiếm tới 64,93%. Còn CPH đang được UBND Thành phố Hải Phòng nắm giữ tỉ lệ sở hữu gần 65%.

Trong thời gian qua, cổ phiếu của Vinagame cũng tạo sóng trên thị trường chứng khoán. Chỉ trong vòng 13 ngày, cổ phiếu này đã chạm mốc 1 triệu đồng/cổ phiếu.

Chưa dừng tại đây, cổ phiếu này thiết lập kỷ lục với mức giá là 1.358.700 đồng vào ngày 15-2. Đây là mức tăng cao nhất và đáng mơ ước của mọi cổ phiếu hiện nay, cũng như đã đẩy giá trị vốn hoá công ty này lên gần 2 tỉ USD.

Theo chuyên gia tài chính Trần Đình Phương, khối lượng thanh khoản bằng 0 và chỉ có bên mua, không bên bán trong giai đoạn đầu nên đã đẩy giá cổ phiếu Vinagame lên từng ngày.

Nhưng vì bên mua chỉ có khối lượng 100 cổ phiếu cho mỗi phiên giao dịch nên cũng không mang tính đại diện nhiều cho giá trị công ty. Giới đầu tư có nhiều công cụ định giá khác nhau để xác định chính xác giá trị lẫn thị giá cổ phiếu công ty. Giá trị thật của một công ty chỉ khi cổ phiếu công ty đó được giao dịch khối lượng thanh khoản đủ lớn.

Mặt khác, Vinagame được xem là một công ty công nghệ với nhiều các ứng dụng như Zalo, Zalopay, VNGcloud, trò chơi trực tuyến mà nhiều mảng vẫn đang kinh doanh thua lỗ thì rất khó định giá chính xác. Do đó, lướt sóng cổ phiếu Vinagame trong giai đoạn này, nhà đầu tư cũng rất khó mua được, thậm chí nếu mua được cũng rơi vào tình trạng rủi ro thua lỗ rất lớn.

Những cổ phiếu 'độc lạ' trên sàn chứng khoán ảnh 1

Nếu biết chọn lọc cổ phiếu, các nhà đầu tư vẫn có thể kiếm được tiền trên sàn chứng khoán. Trong ảnh: Lễ đánh cồng chiêng khai trương giao dịch chứng khoán 2023. Ảnh: Phương Minh

Chọn lọc cổ phiếu

Dù thị trường vẫn chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc do chịu tác động từ các bất ổn kinh tế toàn cầu nhưng nếu biết chọn lọc cổ phiếu, các nhà đầu tư vẫn có thể kiếm được tiền trên sàn chứng khoán.

Theo ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, nhà đầu tư có thể xem xét các cổ phiếu trong lĩnh vực tiêu dùng, hàng không và đầu tư công.

Cụ thể, về tiêu dùng trong nước, sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu Việt Nam đang thúc đẩy sự tăng trưởng chắc chắn về nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ mà nhóm người tiêu dùng này mong muốn, sẽ mang lại lợi ích cho các công ty hàng tiêu dùng không thiết yếu.

Điều này cũng mang lại lợi ích cho các công ty dịch vụ tài chính vì nhu cầu về khoản vay thế chấp, thẻ tín dụng và các sản phẩm tài chính tiêu dùng, tín dụng tiêu dùng khác tăng lên, cũng như mong muốn về gửi tiết kiệm và sản phẩm đầu tư.

Các công ty hàng không tại Việt Nam cũng được hưởng lợi từ sự tăng trưởng liên tục của tầng lớp trung lưu mới nổi trong nước vì nhu cầu du lịch trong và ngoài nước của phân khúc khách hàng này và việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ hàng không.

“Cơ sở hạ tầng đã là một chủ đề đầu tư nhất quán của Việt Nam trong nhiều năm. Sự tập trung của Chính phủ trong đầu tư công trong năm nay làm chúng tôi đặc biệt lạc quan về triển vọng của các công ty được hưởng lợi từ việc tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm các công ty vật liệu xây dựng và các công ty hàng không được hưởng lợi từ việc xây dựng các sân bay mới”, ông Michael Kokalari đánh giá.

Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán SHS cho biết, dù lãi suất huy động cao và tăng trưởng tín dụng còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn được dự báo tăng trưởng tốt trong năm nay. Nhóm ngành dầu khí vẫn có kết quả kinh doanh hiệu quả do giá dầu vẫn được dự báo tăng cao.

Các cổ phiếu có dòng tiền tốt và hoạt động kinh doanh ổn định, vay nợ dài hạn thấp và sở hữu lượng tiền mặt lớn chủ yếu tập trung các ngành như: thực phẩm, bán lẻ, công nghệ thông tin, thiết bị và dịch vụ dầu khí hoặc ngành bảo hiểm cũng là cơ hội đầu tư. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ là lợi thế cho các doanh nghiệp ngành thuỷ sản gia tăng xuất khẩu.

Theo giới phân tích, dòng vốn FDI là một trong những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong những năm gần đây và dòng vốn FDI đã tăng 14% trong năm 2022 và có khả năng tăng trưởng với mức độ tương tự trong năm 2023, khi ngày càng có nhiều nhà máy chuyển từ Trung Quốc hoặc thành lập tại Việt Nam thay vì ở Trung Quốc. Những dòng vốn này cũng mang lại lợi ích trực tiếp cho các nhà phát triển khu công nghiệp, cảng biển và nhà phát triển bất động sản với dự án gần các nhà máy có nguồn vốn từ FDI.

PHƯƠNG MINH

Xem thêm: lmth.142527tsop-naohk-gnuhc-nas-nert-al-cod-ueihp-oc-gnuhn/nv.olp

“Những cổ phiếu 'độc lạ' trên sàn chứng khoán”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools