Theo các chuyên gia, việc dự án sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) bị chậm tiến độ không chỉ khiến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) càng thêm quá tải do số lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không ngày càng tăng, mà chi phí cơ hội cho tăng trưởng kinh tế bị bỏ qua vô cùng lớn, cũng như nguồn lực của nền kinh tế bị ảnh hưởng.
Đến 2026 mới xong nhà ga hành khách
Những ngày này, trên đại công trường sân bay Long Thành hàng ngàn công nhân, máy móc, thiết bị san ủi, làm nền cho sân bay. Nhiều vị trí trong sân bay đã được san ủi, làm móng cọc nhà ga. Thế nhưng, đến nay, hạng mục quan trọng nhất của sân bay là nhà ga hành khách vẫn chưa có nhà thầu để thi công.
Trong lúc tìm nhà thầu đủ năng lực, chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa xin Chính phủ cho phép xây dựng gói thầu nhà ga hành khách từ 33 tháng lên 39 tháng, kéo dài đến năm 2026 để có thời gian xây dựng và chạy thử nhà ga hành khách.
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về lý do dự án chậm tiến độ, ACV cho biết đã phê duyệt tổng mức đầu tư dự án (dự án thành phần 3 gồm rà phá bom mìn, xây rào, san nền, móng cọc...) trên 98.500 tỉ đồng, trong đó công trình nhà ga hành khách có giá trị gần 35.000 tỉ đồng phải hủy thầu vì nhà thầu không đáp ứng được các tiêu chuẩn đặt ra.
Cũng theo ACV, gói thầu làm nhà ga sử dụng nguồn vốn trong nước là chưa có tiền lệ. Việc đấu thầu quốc tế theo các quy định sử dụng nguồn vốn trong nước cũng gặp những hạn chế do vướng mắc giữa quy định trong nước cùng các thông lệ quốc tế.
Cụ thể, quy định mẫu hợp đồng các gói thầu sử dụng vốn trong nước có điều khoản "giá trị quyết toán là giá trị sau khi được Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ thực hiện kiểm toán, thanh tra".
Trong khi đó, với các nhà thầu quốc tế, giá quyết toán gói thầu dựa trên quá trình thương thảo hợp đồng...
Mặt khác, theo ACV, do thời gian thực hiện gói thầu 33 tháng cũng là một thách thức rất lớn cho các nhà thầu quốc tế và trong nước bởi các dự án nhà ga có cùng quy mô trên thế giới có thời gian thi công từ 45 tháng đến 60 tháng.
"Do chủ quan, do tiến độ gấp nên ACV cũng chưa dự báo hết tình hình thị trường", đơn vị này thừa nhận.
Các gói thầu tái định cư cũng ì ạch
Không chỉ nhà ga hành khách, việc thi công các công trình hạ tầng xã hội ở khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn vẫn còn nhiều hạng mục dang dở.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, dự án hạ tầng xã hội ở khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn cho người dân nhường đất làm sân bay có 11 gói thầu là các công trình trường học, trụ sở UBND xã, trung tâm văn hóa.
Tuy nhiên, nhà thầu thi công ở 6 gói thầu (5 trường học và 1 trung tâm văn hóa) đang thi công dang dở, chậm tiến độ. Sau khi được nhắc nhở nhưng vẫn không thi công, nhà thầu này đã bị chấm dứt hợp đồng, ban quản lý dự án cũng đã làm việc với ngân hàng bảo lãnh cho nhà thầu để thu hồi tiền tạm ứng hợp đồng các gói thầu nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền.
Thông tin về phương án "khởi động" lại 6 gói thầu trên, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đang thực hiện các thủ tục thông báo chấm dứt, thanh lý hợp đồng với nhà thầu thi công để lựa chọn lại nhà thầu, đảm bảm hoàn thành các công trình dang dở trong tháng 8-2023.
Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định cho người dân nhường đất xây sân bay cũng đang tắc.
Ông Võ Tấn Đức, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 của dự án có đưa vào kinh phí đào tạo, chuyển đổi nghề cho người dân. Đồng Nai cũng tổ chức phát phiếu điều tra nhu cầu đào tạo, học nghề của người dân nhưng rất ít người có nhu cầu học nghề.
"Đồng Nai cũng tính toán các phương án để chuyển đổi nghề phù hợp với nhu cầu của người dân. Sau khi Kiểm toán Nhà nước cho rằng đề án có sự trùng lắp với phần đền bù, hỗ trợ cho người dân mất đất và yêu cầu trả lại 302 tỉ đồng, Đồng Nai dự kiến dùng ngân sách địa phương để đào tạo, chuyển đổi nghề phù hợp cho người dân ở vùng dự án sân bay", ông Đức cho biết.
Chờ bàn giao mặt bằng 2 tuyến đường kết nối
UBND huyện Long Thành cho hay riêng phần đất làm sân bay giai đoạn 1 (1.810ha) đã bàn giao cho ACV hơn 98% diện tích và phần diện tích 722ha (nơi tập kết đất dôi dư) còn trên 53ha chưa bàn giao.
Ở phần đất giai đoạn 2, huyện đang tổ chức thu hồi đất gần 1.945ha và đã bàn giao cho ACV hơn 102ha.
UBND huyện Long Thành cũng đã phê duyệt tái định cư cho 3.929 hộ, đồng thời hỗ trợ tiền thuê nhà cho 1.952 hộ dân đã di dời ra khỏi dự án sân bay chờ ổn định chỗ ở.
Riêng 2 tuyến giao thông kết nối vào sân bay (tuyến số 1 dài 4,28km, kết nối với quốc lộ 51 và tuyến số 2 dài 3,5km, kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây), UBND huyện Long Thành cho biết phải giải phóng mặt bằng khoảng 126ha, ảnh hưởng đến phần đất của 766 hộ dân.
Địa phương này đang kiểm đếm, xác nhận nguồn gốc đất để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 456 hộ dân.
Trong khi đó, ACV cho hay đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật hệ thống giao thông ở 2 tuyến kết nối trên. Đây là 2 tuyến đường công vụ chính phục vụ chuyên chở vật tư, vật liệu và các thiết bị thi công chính cho công trường thi công sân bay.
Tuy nhiên, việc thi công 2 tuyến giao thông này có thể chậm vì vướng mặt bằng làm ảnh hưởng đến công tác thi công các hạng mục chính như nhà ga hành khách và khu bay...
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (ĐH Fulbright Việt Nam):
Dự án tỉ đô, chậm một giờ cũng gây lãng phí
Dự án 4,7 tỉ USD ở sân bay lớn nhất nước Long Thành có nguy cơ chậm trễ ít nhất một năm là tin không vui.
Đặc biệt, trong bối cảnh các ngành kinh tế đều hết sức khó khăn, bị ảnh hưởng từ sự suy giảm của kinh tế thế giới, các căng thẳng địa chính trị, nền kinh tế trong nước chủ yếu dựa vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn.
Khu vực Đông Nam Bộ đang là đầu kéo kinh tế của cả nước nên những dự án như sân bay Long Thành sẽ có tác động lan tỏa tiềm năng cực kỳ lớn nếu thực hiện đúng tiến độ kế hoạch.
Sự chậm trễ của dự án sân bay Long Thành ảnh hưởng nghiêm trọng lên nhiều mặt như tiềm năng cải thiện năng lực của nền kinh tế, niềm tin của người dân, cộng đồng, sự năng động cũng như cam kết của Chính phủ, chính quyền địa phương trong đồng hành với các nhà đầu tư...
Dự án chậm trễ cũng đồng nghĩa giải ngân đầu tư công ở đây sẽ tắc, có tiền nhưng vẫn chưa thể tiêu.
Dự án sân bay Long Thành không chỉ phục vụ riêng cho một địa phương Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu hay TP.HCM, mà toàn vùng trọng điểm kinh tế phía Nam đều được hưởng lợi, dự án còn mở ra cơ hội kéo dài cho các tỉnh thuộc ĐBSCL hay các tỉnh Tây Nguyên.
Do đó, việc chậm một ngày hay một giờ ở sân bay Long Thành cũng có nghĩa chi phí cơ hội cho tăng trưởng kinh tế bị bỏ qua vô cùng lớn, kể cả chi phí hàng hóa qua đường hàng không, ảnh hưởng nguồn lực của nền kinh tế.
Chính phủ cần phải nhanh chóng có phương án xử lý đồng bộ các trục trặc, từ dự án di dời tái định cư đến gói thầu xây dựng nhà ga hành khách tổng vốn đầu tư 35.000 tỉ đồng bị hủy...
N.BÌNH ghi
Đua giành vị thế trung tâm hàng không ở châu Á
Dự án mở rộng nhà ga T5 tại sân bay Changi đang được Singapore triển khai cho thấy quyết tâm của quốc đảo sư tử trong việc trở thành trung tâm hàng không tại châu Á.
Tuy nhiên, tờ South China Morning Post dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng nhiều khả năng Hong Kong (Trung Quốc) sẽ vượt lên trước trong cuộc đua này. Bởi lẽ dự án mở rộng sân bay của đặc khu hành chính dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2024, trong khi dự án mở rộng, nâng cấp nhà ga T5 của sân bay Changi sẽ về đích muộn hơn khi dự kiến tới giữa những năm 2030 mới hoàn thành.
Tháng 7-2022, sân bay quốc tế Hong Kong đưa vào hoạt động đường băng thứ ba, vốn là một phần trong dự án mở rộng sân bay thêm 650ha với tổng vốn đầu tư 141,5 tỉ HKD (18,2 tỉ USD) khởi động từ năm 2016.
Sau khi đưa đường băng thứ ba vào khai thác, Hong Kong cũng đóng lại một trong hai sân bay hiện có để nâng cấp song song với dự án mở rộng nhà ga T2. Các dự án này đều dự kiến hoàn thành năm 2024, nâng năng lực xử lý của sân bay này lên khoảng 120 triệu lượt khách mỗi năm.
Trong khi đó, sau khi đưa vào khai thác nhà ga T5, sân bay Changi có thể phục vụ thêm 50 triệu lượt khách/năm. Nếu dự án mở rộng, nâng cấp sân bay hoàn thành vào giữa những năm 2030, Changi cũng sẽ đạt năng lực phục vụ tương đương với sân bay quốc tế Hong Kong.
Ông Herman Tse, chuyên gia phân tích hàng không cao cấp tại Công ty tư vấn Ascend by Cirium, cho rằng vì có sự kết nối mạnh với khu vực Vịnh lớn (Greater Bay Area) gồm Quảng Đông - Hong Kong - Macao nên sân bay quốc tế Hong Kong ở vị trí có lợi thế hơn bao giờ hết để trở thành một trung tâm hàng không trong khu vực.
Tuy nhiên, bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Công ty Natixis, thuộc một tập đoàn tài chính của Pháp, cho rằng Singapore có thể vẫn sẽ là trung tâm (hàng không) cho một số nước Đông Nam Á chứ không phải Hong Kong, do số sân bay quốc tế của Trung Quốc đã tăng lên nhiều nên sẽ giảm nhu cầu phải trung chuyển.
Nhu cầu đi lại đường hàng không sẽ ngày càng tăng, theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), dự tính tới năm 2035 sẽ có hơn 7 tỉ hành khách đi lại bằng máy bay trên toàn cầu.
Còn theo ước tính đưa ra vào đầu tháng 3-2023, IATA nhận định tổng số khách đi lại đường hàng không sẽ đạt 4 tỉ trong năm 2024, riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, lượng khách đi lại sẽ phục hồi bằng mức của năm 2019 (trước dịch COVID-19) vào năm 2025.
D.KIM THOA
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định sân bay Long Thành là công trình thế kỷ, phải chọn được những nhà thầu làm công trình có tiếng thế giới vào làm.
Xem thêm: mth.17484938042303202-neh-iol-ial-hnaht-gnol-yab-nas-na-ud/nv.ertiout