Lượng khách sạn 0 sao giảm mạnh ở TP Hồ Chí Minh.
Khách lưu trú tăng, khách sạn có sao sụt giảm
Tính tới cuối năm 2022, TP Hồ Chí Mnh có 3.227 cơ sở lưu trú du lịch các loại, tương ứng với hơn 65 nghìn phòng đủ điều kiện kinh doanh. Trong đó, 325 khách sạn được xếp hạng từ 1-5 sao. Tuy nhiên, so với cuối năm 2019, tổng số cơ sở lưu trú hạng từ 1-5 sao, giảm từ 1.342 cơ sở còn 325 cơ sở, tương ứng giảm 312% so với cùng kỳ năm 2019.
Nguyên nhân chính do Luật du lịch 2017 có hiệu lực, một số lượng lớn các khách sạn không có nhu cầu xếp hạng sao, do đó số lượng khách sạn từ 1-2 sao giảm mạnh.
Tuy nhiên, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó GĐ Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh nhận định, hiện nay lượng khách lưu trú trong nước và quốc tế đang tăng trở lại song hệ thống khách sạn tập trung ở đối tượng từ 0-3 sao trên địa bàn Thành phố đang đối mặt với nhiều thách thức như: cơ sở vật chất xuống cấp, nhân sự chuyển ngành nhiều và chưa được nâng cao chuyên môn, trong khi đó, cạnh tranh khốc liệt với các nền tảng đặt phòng online do chưa thể chuyển đổi về công nghệ, dịch vụ.
Đối với hệ thống khách sạn từ 4-5 sao trên địa bàn Thành phố, trong năm 2022, công suất bán buồng/phòng bình quân đạt từ 75% trở lên, ổn định về tình hình kinh doanh và doanh thu của cả năm 2022. Sở dĩ nhóm này có nguồn book ổn định là nguồn khách chuyên gia, khách MICE đến TP trong năm 2022 ổn định.
Mong muốn trỗi dậy nhờ chuyển đổi số
Khách sạn vừa và nhỏ tại TP Hồ Chí Minh mong muốn phục hồi nhanh trong thời gian tới.
Mặc dù lượng khách quốc tế đang tăng nhưng nhóm khách sạn vừa và nhỏ hiện tại vẫn chưa lấy lại được đà hồi phục như thời điểm 2019. Đến thời điểm cuối năm 2022, số lượng khách sạn từ 1-5 sao giảm hơn 10% so với năm 2021, tập trung ở đối tượng khách sạn từ 1-3 sao.
Bà Nguyễn Thị Thúy Loan, đại diện Khách A25 cho biết doanh nghiệp đã phải đóng cửa ít nhất 2 năm do đại dịch, trong quá trình phục hồi "chúng tôi được hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn, hướng dẫn các yêu cầu về đảm bảo điều kiện kinh doanh, cách thức chuyển đổi số, cách thức quảng bá và thu hút khách lưu trú... Đây là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp tưởng chừng đã bỏ cuộc còn duy trì được…
Trao đổi với Sở Du lịch, doanh nghiệp này mong muốn nhận được sự hỗ trợ trong đào tạo nhân sự, giảm chi phí, tiếp cận vốn vay và tiếp cận chuyển đổi số nhanh hơn để thu hút được nhiều khách hàng.
Bà Nguyễn Huỳnh Như Thảo, Quản lý truyền thông chuỗi Wink Hotel cho biết, doanh thu của các khách sạn trên địa bàn TP quý 1/2023 tăng 55% so với năm 2022, tuy chưa bằng thời điểm 2019 nhưng cho thấy sự phục hồi dần. Nắm bắt được sự dịch chuyển này, doanh nghiệp tập trung vào các giải pháp phục hồi trong đó dựa vào thế mạnh khách sạn công nghệ để triển khai các giải pháp như marketing trên nền tảng số, đẩy mạnh B2B, làm mới sản phẩm bằng công nghệ mới như check in bằng khuôn mặt để tăng trải nghiệm cho khách hàng.
Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh lắng nghe, trao đổi các khó khăn trong hoạt động của các khách sạn vừa và nhỏ. Ảnh Đ.H
Chuyển đổi số nhanh và hiệu quả cũng là một trong số những nội dung ngành du lịch thành phố tập trung hỗ trợ nhóm khách sạn vừa và nhỏ "trỗi dậy" trong thời gian tới.
Theo đánh giá của Savills Việt Nam, hoạt động kinh doanh phòng tại những thành phố lớn ghi nhận sự cải thiện tốt hơn. Công suất phòng của các khách sạn tại TP.HCM đang dần khôi phục về mức trước đại dịch, tuy nhiên giá phòng bình quân tại các thành phố lớn vẫn thấp hơn từ 15% đến 20% so với năm 2019.
Theo các chuyên gia, sự phục hồi của nhóm khách sạn vừa và nhỏ tại thị trường TP Hồ Chí Minh đang là yêu cầu cấp bách, điều này sẽ giúp làm đa dạng các sản phẩm lưu trú, cân bằng giá, góp phần gia tăng trải nghiệm lưu trú khi lượng khách quốc tế được dự báo sẽ đến nhiều hơn trong nửa cuối năm 2023.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!