Theo luật sư, với hành vi bật đèn pha ô tô, chạy ngược chiều trên cao tốc, 2 tài xế cần phải bị tước bằng vĩnh viễn bởi đây là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, rát đáng lên án.
Trao đổi với PV VietNamNet về vụ việc, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng VPLS Trung Hòa – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: "Hành vi hai chiếc xe ô tô chạy ngược chiều và bật đèn pha trên cao tốc Hà Nội – Lào Cai vào khoảng 3h sáng là hành vi vi phạm pháp luật, vô cùng nguy hiểm, có thể để lại những hậu quả, thiệt hại lớn cho chính xe vi phạm và các phương tiện khác khi tham gia giao thông".
Hành vi hai xe đi ngược chiều như trên có bị xử phạt nặng hơn trường hợp xe đi riêng lẻ hay không? Luật sư Hoàng Tùng phân tích: Khoản 8 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, quy định trường hợp điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc bị phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe. Ngoài ra, tại điểm đ Khoản 11 Điều 5 Nghị định này cũng quy định hành vi vi phạm này không chỉ bị phạt tiền mà còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 05 tháng đến 07 tháng.
Theo luật sư, pháp luật không quy định cụ thể mức xử phạt đối với từng trường hợp vi phạm có tổ chức hay đi riêng lẻ, tuy nhiên để đưa ra được mức xử lý thích đáng, chính xác, mang tính răn đe thì cũng sẽ căn cứ vào mức độ, tính chất vi phạm, nguy hiểm, có sự tổ chức hay không,…
Về mức xử phạt hành vi này là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 05 tháng đến 07 tháng, luật sư Hoàng Tùng đánh giá: "Mức xử phạt còn quá nhẹ. Chế tài chưa đủ mạnh, chưa mang tính răn đe cao khiến cho các hành vi vi phạm đi ngược chiều, bật đèn trên đường cao tốc vẫn thường xuyên xảy ra. Điều này đòi hỏi pháp luật phải có những thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế, giải quyết được những vấn đề còn tồn tại".
Với quan điểm nên tước bằng vĩnh viễn của người vi phạm trong trường hợp này, luật sư Hoàng Tùng chia sẻ: "Có thể nói, việc tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe vĩnh viễn đối với hành vi vi phạm có mức độ và tính chất đặc biệt nguy hiểm như trong trường hợp trên là cần thiết, đảm bảo hiệu lực của các quy định pháp luật trên thực tế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, giấy phép lái xe trong một số trường hợp cũng được coi như giấy phép hành nghề nên chỉ thực hiện tước vĩnh viễn khi luật quy định. Để có thể tăng mức xử phạt tước bằng vĩnh viễn trong trường hợp này thì phải căn cứ việc có phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành hay không, ảnh hưởng như thế nào đến đời sống của người lao động, dư luận xã hội, tính khả thi của quy định trên thực tế và các khía cạnh khác. Vì vậy, dù việc tước bằng vĩnh viễn trong trường hợp này là cần thiết và mang tính răn đe cao nhưng tính khả thi trên thực tế còn nhiều khó khăn.
Cơ quan công an cần có các biện pháp xử lý nghiêm khắc, mang tính răn đe cao, nâng cao hơn nữa việc kiểm tra, giám sát các phương tiện khi tham gia giao thông, đặc biệt là đường cao tốc vào thời gian ban đêm, để có thể nhanh chóng, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để những hành vi ngang nhiên, bất chấp cả tính mạng của mình và của người khác, coi thường pháp luật như trên".