vĐồng tin tức tài chính 365

Vì sao hành tỏi Việt "thua" ngay trên sân nhà?

2023-03-26 09:12

Nguồn cung lúc thừa lúc thiếu, giá cả lên xuống thất thường

Thông tin với báo Người Lao Động, ông Tô Văn Huấn, chuyên viên Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho hay ở Việt Nam đã hình thành một số vùng chuyên canh trồng hành lấy củ (hành khô). Trong đó, tỉnh Hải Dương có nguồn cung lớn nhất với 110.000 tấn/năm, tỉnh Sóc Trăng đạt sản lượng 90.000 tấn/năm, tỉnh Quảng Ngãi 9.500 tấn/năm, tỉnh Ninh Thuận 6.300 tấn/năm...

Tuy có sản lượng cao nhưng sản xuất hành hiện nay vẫn manh mún, khó truy xuất nguồn gốc, thiếu tính liên kết; giá bán biến động, diện tích sản xuất có chứng nhận hạn chế, khó kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm; thiếu quy trình bảo quản, dẫn đến một số thời điểm thu hoạch rộ, bán hàng tươi số lượng lớn, dẫn đến giá xuống thấp; thiếu kênh liên kết tiêu thụ, và vấn đề sâu bệnh.

Thực tế ghi nhận ở nước ta, vụ thu hoạch cao điểm đều vào tháng 2 và 3 hằng năm nên áp lực tiêu thụ rất lớn. Đa phần nông hộ đưa sản phẩm ra tiêu thụ ngay sau khi thu hoạch khiến tình trạng rớt giá thường xảy ra, thậm chí một số năm phải "giải cứu" hành khô.

Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (tỉnh có sản lượng củ hành tím lớn nhất nước) cho biết củ hành tím là cây trồng đặc sản của tỉnh, được trồng tại huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Tuy nhiên, theo Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua củ hành tím Vĩnh Châu gặp những khó khăn ở khâu sản xuất, tiêu thụ do thời vụ bố trí chưa hợp lý, một số thời điểm xuống giống tập trung dẫn đến “bí” đầu ra.

Vì vậy, có năm giá củ hành lên cao 40.000 - 50.000 đồng/kg, nhưng cũng có khi rớt giá chỉ còn 7.000 - 8.000 đồng/kg. Đặc biệt có năm không có thương lái thu mua như niên vụ 2014 - 2015 và niên vụ 2020 - 2021.

Kinh tế - Vì sao hành tỏi Việt 'thua' ngay trên sân nhà?

Tuy có sản lượng cao nhưng sản xuất hành hiện nay vẫn manh mún. Ảnh minh họa (Tuổi Trẻ Online)

Ông Trần Trọng Khiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng thông tin thêm, hiện vẫn còn tình trạng nông dân sản xuất riêng lẻ chưa hình thành hợp tác trong sản xuất dẫn đến mối liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp, nông dân và doanh nghiệp chưa thật sự bền vững. Đặc biệt, nông dân còn mang nặng tâm lý chờ giá, dù giá thỏa thuận với doanh nghiệp đã hợp lý nhưng vẫn không bán, khi giá giảm mạnh thì dẫn đến tình trạng tồn đọng. Bên cạnh đó, hàng rào kỹ thuật được dựng lên từ các đối tác; quảng bá và sử dụng nhãn hiệu hàng hóa chưa phát huy được hiệu quả; lượng hành nhiều vào mùa vụ chính nên bị thương lái ép giá. Ngoài ra, thời gian lưu trữ hành không được kéo dài vì thiếu kho trữ và công nghệ sau thu hoạch; chưa khai thác hiệu quả thị trường trong nước...

"Trồng cây hành thường gặp sâu bệnh nhiều nên chưa trồng rải vụ được. Rất cần có quy trình bảo quản giúp sản phẩm ít hao hụt, bảo đảm an toàn thực phẩm và chi phí hợp lý để giúp nông dân thu hoạch một lần, bán quanh năm", ông Tô Văn Huấn nói.

Ông Nguyễn Bình Phương, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (Tp.HCM), cho biết, hiện tại, thương nhân tại chợ chủ yếu kinh doanh hành tím Sóc Trăng, hành trắng Hải Dương vì nguồn hàng trong nước dồi dào. Tuy nhiên, từ sau tháng 4, thương nhân sẽ bán hành, tỏi Trung Quốc, Ấn Độ vì hàng trong nước khan hiếm, giá cao.

"Hành tím Việt Nam chỉ rộ một thời gian ngắn rồi đứt hàng trong khi nhu cầu thị trường rất lớn nên thương nhân bán hàng ngoại là điều dễ hiểu. Hành, tỏi Trung Quốc là mặt hàng giá rẻ nên được vận chuyển bằng tàu biển, cước phí thấp hơn xe tải. Sản phẩm được bảo quản trong container lạnh, bán hàng đến đâu thì lấy ra đến đó nên tránh được hao hụt", ông Phương lý giải.

Cần giải pháp nâng cao sức cạnh tranh

Đứng ở góc độ là doanh nghiệp chuyên thu mua hành tím tại Sóc Trăng, nói về những khó khăn trong hoạt động xuất khẩu hành tím hiện nay, đại diện Công ty TNHH Hành tím Huy Khánh chia sẻ, thời vụ hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) có lệch so với Indonesia nhưng lại gần như trùng với lịch thời vụ bên phía Thái Lan nên gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu do phải chịu cạnh tranh lớn từ Thái Lan.

Mặt khác, các tiêu chuẩn để xuất khẩu hành ra các nước rất cao, nhưng với quá trình sản xuất hiện nay bà con nông dân địa phương vẫn sản xuất theo quy trình truyền thống nên khả năng cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực còn rất hạn chế. Đồng thời, khi xuất khẩu hành sang các thị trường khó tính như Mỹ hay Nhật Bản, các thị trường này đều đòi hỏi các giấy chứng nhận về các tiêu chuẩn trong sản xuất như: Global Gap hay GMP… Tuy nhiên, những chứng nhận trên đối với các vùng trồng hành tại Sóc Trăng đa phần vẫn chưa có.

Còn ông Lê Vương Quốc, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Gimex Việt Nam, chỉ rõ hành tím Việt Nam nổi tiếng về chất lượng nhưng khó cạnh tranh về giá. Chẳng hạn, hành tím Sóc Trăng ở thời điểm thu hoạch có giá 25.000-30.000 đồng/kg, trong khi hành tròn của Ấn Độ chỉ có giá 250 USD/tấn (tức hơn 6.000 đồng/kg).

Về mẫu mã, loại hành củ không có tép nhỏ được thế giới ưa chuộng vì dễ lột vỏ trong khi hành Việt Nam có nhiều tép nhỏ gây mất thời gian sơ chế. Ông Quốc đề nghị ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ nông dân trồng hành, tỏi thay đổi quy trình sản xuất, nghiên cứu giống mới, tăng năng suất, giảm giá thành để nâng khả năng cạnh tranh không chỉ ở thị trường nội địa mà còn phục vụ xuất khẩu.

Để đẩy mạnh xuất khẩu cũng như có đầu ra ổn định cho hành tím, đại diện doanh nghiệp này cũng cho rằng, cần phải có sự liên kết trong sản xuất giữa các hộ nông dân trực tiếp sản xuất hành tím với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng thí điểm các vùng trồng theo hướng hữu cơ để được cấp các chứng nhận về tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến nhằm thuận tiện cho việc liên kết vùng tiêu thụ, nâng cao giá trị của sản phẩm hành tím địa phương.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản - Bộ NN-PTNT, hành, tỏi trồng tại Việt Nam được đánh giá cao và xứng đáng là "đặc sản". Bởi vậy, sản phẩm này không thể cạnh tranh về giá với các mặt hàng đại trà, chất lượng thấp hơn. Tuy nhiên, để bán được với giá "đặc sản", người trồng cần tiếp tục chăm chút sản phẩm, cải tiến sau thu hoạch cũng như đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp thu mua để xây dựng thương hiệu.

"Xu hướng trên thế giới là gia vị được sử dụng ngày càng nhiều bởi gia vị còn là dược phẩm, hỗ trợ tốt cho sức khỏe. Cần tăng cường chế biến sâu đối với sản phẩm này để nâng cao giá trị, kéo dài thời gian bán hàng", ông Nguyễn Như Tiệp khuyến cáo.

Góp ý giải quyết tình trạng ùn ứ hàng trong thời gian thu hoạch rộ, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm Tp.HCM (FFA), cho biết: "Hành tím và hành lá là mặt hàng mà các đơn vị chế biến lương thực thực phẩm sử dụng rất nhiều. Cụ thể, riêng mặt hàng mì ăn liền, tại Tp.HCM, mỗi năm các doanh nghiệp sản xuất ra trên 7 tỷ gói, nên cần rất nhiều mặt hàng hành, rau sấy khô để làm gói gia vị. Các diễn đàn kết nối tiêu thụ rất hữu ích, giúp gắn kết vùng nguyên liệu với đơn vị thu mua, liên kết nhà sản xuất, nông dân với doanh nghiệp tiêu thụ. Trong điều kiện chúng ta đang thực hiện số hóa, nên sớm xây dựng dữ liệu dùng chung trong sản xuất nông nghiệp theo từng nhóm hàng, để tạo điều kiện thuận lợi cho liên kết sản xuất, tiêu thụ.

Để giải quyết vấn đề dội hàng rớt giá, các thành viên FFA đang đầu tư kho lạnh tại vùng sản xuất để lưu trữ, bảo quản một số mặt hàng gia vị như hành tím, hành lá, ớt... có thể bảo quản được 3-4 tháng, giúp giảm áp lực tiêu thụ khi vào vụ thu hoạch rộ".

Liên quan các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ rau củ nói chung và hành, hẹ, tỏi nói riêng, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng cần có những vùng sản xuất tập trung, định hướng sản xuất theo tín hiệu thị trường với những quy trình an toàn, chất lượng. Theo đó, để phát triển thị trường, nhà sản xuất, xuất khẩu cần nghiên cứu thị hiếu, quy định của thị trường nhập khẩu để định hướng sản xuất, chế biến sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời, tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá để vừa giữ được thị trường truyền thống, vừa mở rộng thị trường mới.

Ngoài ra, các nhà sản xuất cũng cần lưu ý đến chế biến để tăng giá trị, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh liên kết để xây dựng các chuỗi giá trị cho ngành hàng. Do đó, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội chủ động nghiên cứu thị trường, tìm kiếm và tiếp cận kênh phân phối trong và ngoài nước; Nâng cao năng lực cạnh tranh, sản phẩm đáp ứng yêu cầu, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm và tận dụng ưu đãi từ các FTA.

Tín hiệu tích cực từ xuất khẩu

Theo Bộ NN-PTNT, số liệu thống kê cho thấy, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu hành, hẹ, tỏi của Việt Nam đạt khoảng 31,2 triệu USD, tăng gần 360% so với năm 2021. Trong đó, phần lớn xuất đi các thị trường châu Á, chiếm hơn 90%, sau đó là châu Mỹ, châu Âu và châu Úc. Tính riêng các quốc gia, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hành, hẹ, tỏi lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch năm 2022 là hơn 17,26 triệu USD (chưa kể của Đài Loan thêm 6,6 triệu USD). So với kim ngạch chỉ 86.185 USD năm 2021, xuất khẩu nhóm mặt hàng này sang Trung Quốc năm 2022 tăng đột biến 19,935%. Ngoài ra, xuất khẩu hành, tỏi sang Lào tăng 459%, sang Đức tăng 182,6%, sang Đức tăng 133%, sang Anh, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia tăng lần lượt là 93,4%, 67,6% và 53,8%... so với năm 2021.

Minh Hoa (t/h theo Người Lao Động, Hải quan Online)

Xem thêm: lmth.215995a-ahn-nas-nert-yagn-auht-teiv-iot-hnah-oas-iv/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Vì sao hành tỏi Việt "thua" ngay trên sân nhà?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools