Theo thủ tục tố tụng hình sự, việc tạm giữ tuân quy định sau:
- Không được quá 3 ngày, kể từ khi cơ quan điều tra nhận người bị bắt.
- Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ, nhưng không quá 3 ngày.
- Trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 3 ngày.
Việc nhà chức trách thả người được quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng Hình sự: "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật".
Điều 172 Bộ luật này quy định, thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 2 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 3 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 4 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.
Theo luật sư Vinh, nếu cơ quan tiến hành tố tụng nhận thấy người bị bắt không thực hiện hành vi phạm tội sẽ phải thả họ ngay chứ không đợi đến khi thời hạn điều tra kết thúc mới thả.
Nội hàm của nguyên tắc suy đoán vô tội có 4 yếu tố:
- Người bị buộc tội được coi là không có tội cho tới khi bị kết tội bởi một bản án có hiệu lực pháp luật. Hiểu đơn giản là bản án sơ thẩm tuyên bị cáo phạm tội thì không đồng nghĩa bị cáo có tội nếu như bản án đó bị kháng cáo, kháng nghị.
- Cơ quan tiến hành tố tụng phải luôn công tâm khi điều tra, thu thập chứng cứ. Trách nhiệm buộc tội và gỡ tội là ngang nhau. Không được có định kiến, quy chụp người đang bị điều tra, truy tố.
- Hoạt động điều tra phải thực hiện đúng luật định, không thể tùy tiện ngay cả khi chứng cứ đã rõ ràng.
- Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Luật sư Vinh cho hay người bị buộc tội có quyền im lặng trước các cáo buộc. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng.
Tố tụng Hình sự của Việt Nam tương đồng với thế giới về về nguyên tắc suy đoán vô tội. Theo luật sư, điều kiện áp dụng nguyên tắc này tại hầu hết các nước, được hiểu đơn giản: Khi các cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được một người đã có hành vi phạm tội, phải tuyên bố họ không phạm tội, bất luận trên thực tế có phạm tội đó hay không.
Ví dụ, cơ quan chức năng bắt giữ vụ vận chuyển hàng giả. Việc thu giữ hàng không được tiến hành đúng trình tự (niêm phong, mở niêm phong, trưng cầu giám định, kết luận giám định...) dẫn đến không thể quy kết hành vi vi phạm. Khi này, theo luật sư hay người bị bắt rất có thể phản bác rằng hàng hóa của họ là hàng thật, đã bị đánh tráo sang hàng giả.
Việc buộc tội cần dựa trên nhiều yếu tố, tình tiết chứ không thể chỉ dựa vào lời khai. Song rõ ràng trong trường hợp này cơ quan chức năng sẽ "đuối lý" hơn trong việc chứng minh tội phạm. Ở một chừng mực nào đó phải tuyên họ không phạm tội, kể cả thực tế họ có phạm tội, luật sư Vinh cho hay.
Ví dụ khác cho nguyên tắc suy đoán vô tội là vụ án anh em song sinh cướp 7 triệu USD nữ trang tại trung tâm thương mại xa xỉ KaDeWe tại Berlin, Đức, tháng 1/2009.
Cảnh sát lần ra ADN của thủ phạm từ một giọt mồ hôi tại hiện trường, nhưng có tới hai người trùng khớp, đó là anh em song sinh, Abbas và Hassan. Cả hai đều có tiền án, từng phạm tội trong quá khứ với ngoại hình giống hệt nhau. Song pháp y không thể phân biệt được ADN của họ, do chúng "giống nhau đến hoàn hảo".
Dù chắc chắn một trong hai người là thủ phạm, nhà chức trách không thể biết đó là Abbas hay Hassan.
"Từ bằng chứng có, chúng tôi có thể suy ra rằng ít nhất một trong số các anh đã tham gia vào vụ trộm, nhưng vẫn chưa thể xác định được là người nào. Luật pháp không cho phép chúng tôi giam giữ ai đó vô thời hạn chỉ vì anh ta bị tình nghi phạm tội", nhà chức trách Đức nêu quan điểm.
Hai anh em Abbas được thả tự do dù vụ án đã được khởi tố.
Hải Thư
Xem thêm: lmth.4184854-iougn-aht-iahp-ual-oab-uas-mahp-iot-coud-hnim-gnuhc-gnohk/ten.sserpxenv