"Sư phụ tối nay đi bắt chuột rồi hả? Sớm dữ vậy", mấy người trong chòm ấp thấy anh Tiển liền vui vẻ hỏi thăm.
Giả tiếng chuột con để dụ chuột mẹ
Cả xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, Sóc Trăng, nói về bắt chuột, ai cũng kêu anh Tiển là… sư phụ. Người trong ấp Đắc Thời thì còn biết luôn lịch mần ăn của anh. Sớm, có nghĩa là thường thì chưa tới "mùa săn chuột". Phải đợi người ta cắt đồng hết, chuột bỏ đồng về lại làm hang dọc các bờ kinh bao thì chuột mới nhiều.
"Một năm nghỉ từ tháng 12, đến chừng cuối tháng 3 mới bắt đầu mần lại. Ngon nhất là mùa nước, khi người ta cho nước vào rửa đồng, chuột dồn hết về các bờ kinh. Lụm (lượm) đã đời. Năm nay họ thấy tui đi sớm nên hỏi chơi vậy đó", anh Tiển cười xởi lởi, nói bằng giọng tưng tửng hào sảng.
"Tối, mát trời, yên tĩnh là tui đi. Vô mùa mỗi đêm đi tới khuya, được chừng mười mấy ký thì về để còn mần sạch đi bỏ mối. Chớ bắt nhiều quá, có mình ên mần không xuể", anh Tiển hể hả. Bao năm qua, chuột của anh Tiển săn về nổi tiếng là chuột sạch, có bao nhiêu ký các mối trong vùng cũng lấy hết.
Gác cái chân vịt lên, chiếc xuồng nhỏ lướt êm trên mặt nước. Anh Tiển ngồi đầu mũi, ngọn đèn trên đầu lia qua lia lại khắp nơi. Tay phải cầm chĩa, tay trái cầm thanh chèo nhỏ lướt tới. Mái chèo êm không một tiếng động, trời đêm đứng gió nên chỉ có tiếng dế, côn trùng, ếch nhái rỉ rả.
Thỉnh thoảng tiếng cuốc kêu vang hay một con chim đạp cánh khỏi cành đậu, một con cá quẫy ở xa tít vẫn nghe rõ mồn một. Đến đoạn hai bên bờ kinh có bụi rậm, anh Tiển mới bắt đầu dùng chĩa gõ nhẹ hai bên bờ kinh, rồi miệng anh chu lại: "Chút chít chút chít".
Nếu không phải đã nghe anh Tiển biểu diễn trước đó, hẳn ngồi phía sau xuồng chúng tôi đã ngỡ là một bầy chuột con nào đó kêu vang giữa trời đêm thanh vắng.
Cách bắt chuột đơn giản của anh Tiển là giả tiếng chuột con rồi tạo ra tiếng động giả trên bờ, con chuột mẹ trong hang nghe thì mò ra. Sau khi bắt chuột mẹ, anh lại tiếp tục giả tiếng chuột chồng mà anh tự đặt tên là "gọi chín chục".
"Thì tại giống tiếng chuột con, thế là con mẹ tưởng con mình bị gì thì lao ra hang. Bắt được con chuột mẹ rồi, mình gọi "chín chục" thì con chuột chồng ở trong hang tưởng thằng nào qua gây sự, ăn hiếp vợ mình, nó cũng nhào ra theo", anh Tiển cười lý giải chuyện khó tin mà có thiệt.
Học nghề thợ săn chuột
42 tuổi, anh Tiển đã có hơn 20 năm theo nghề săn chuột chuyên nghiệp. "Năm 2002, sống ở miệt này có học hành đến nơi đến chốn gì đâu, tui chỉ đi làm mướn ngày được 15.000 đồng. Vợ cũng mới sinh con đầu lòng. Thấy khó khăn quá, ông dượng rể mới biểu đi theo ổng bày cho nghề mần chuột. Chịu khó thì đủ sống", anh Tiển kể.
Dượng rể của anh Tiển là ông Dương Văn Sáng năm nay 63 tuổi, là người đến với nghề bắt chuột từ hơn 30 năm trước, lúc chuột đồng trở thành món hàng bắt đầu được mua bán nhiều.
Đi theo ông Sáng, đầu tiên anh Tiển phải giong xuồng phía sau xa xa để học cách bơi chèo cho thật êm, "bơi phải làm sao con ếch nổi trên mặt nước mà xuồng đến gần đủ tầm cây chĩa nó vẫn không biết, con chó đứng trên bờ không hay để sủa".
Chừng bơi êm rồi, ông Sáng mới dạy cách nhìn trong đêm. Đèn không được tập trung vào một chỗ, vì như thế sẽ đánh động con mồi. Phải làm sao lướt qua phản chiếu ánh mắt là biết được con gì, biết vị trí của nó.
"Thấy được rồi thì tảng lơ đến gần trong tầm cây chĩa. Phải lẹ mắt, nhanh tay. Tay với mắt đến khi quen rồi thì như một. Khi đến tầm rồi lia đèn lại ngay nó lần thứ hai thì tay đã phóng trúng rồi, nếu không thì hụt khỏi lụm", ông Sáng phân tích thêm về nghề săn mồi đồng ban đêm.
Dạy anh Tiển, mà ông Sáng không ngờ chỉ hai tháng sau, đệ tử mình lại có thể giả cả tiếng chuột để dụ chúng ra từ trong hang. "Cái đó là nó sáng nghề của nó. Tui cũng chịu. Nghề săn chuột ở miền Tây này nhiều mà đó giờ tui cũng chưa nghe ai được biệt tài như thằng Tiển", ông Sáng cười thừa nhận.
Ban đầu, anh Tiển cũng bắt hụt hoài, cũng lớ ngớ khi lia đèn trong đêm không biết con ếch đang nổi trên nước hay con cò đang ẩn trong bụi rậm. Anh đã phải bõ công ban ngày đi dọc bờ kinh quan sát hang chuột để tìm hiểu.
Biết hang nào thì nhiều chuột, hang nào ít chuột. Nhìn cọng cỏ gần đó để xem dấu răng biết chuột đồng hay chuột cống nhum… Nghe con chuột cất tiếng gọi bầy đàn, anh tập cách nhái theo và thành thục.
Có thể gọi chuột chạy đến, ban đầu nhiều người cũng cho là… dóc tổ. Thậm chí một ông chủ vườn cam trong ấp còn đòi cá cược. Thấy hai con chuột trên cây dừa, ông này nói nếu anh Tiển kêu được hai con chuột đó xuống bắt được thì chịu một thùng bia.
Anh Tiển liền chu miệng lên, ông kia cầm cây đánh động dưới thân dừa để hù dọa cho hai con chuột sợ. Vậy mà hai con chuột nghe tiếng anh Tiển kêu thì tức khí phóng luôn từ trên bẹ dừa xuống để anh xỉa gọn. Sau lần ấy, ông chủ vườn cam khâm phục, nhờ anh Tiển về "dọn" bầy chuột đang làm khổ vườn cam của mình.
Anh Tiển vô vườn cam một đêm săn hơn chục ký chuột, ông chủ kia còn thưởng thêm 200.000 đồng vì trước đó ông đã dùng nhiều cách mà bọn chuột vẫn cứ cắn phá. Cũng từ đó, không còn ai trong ấp dám thách. Mà nếu nghe anh Tiển giả từ tiếng chuột con, chuột mẹ, chuột chồng cho tới chuột cống nhum một lần, hẳn cũng ít người dám thách "sư phụ chuột" nữa.
Nhờ cái biệt tài săn chuột độc đáo, đêm đêm cần mẫn, anh Tiển đã nuôi được đứa con lớn lên Sài Gòn học ra nghề điện lạnh, giờ đã đi làm. Rồi tiếp tục nuôi đứa con nhỏ đương lớp 7 đã học giỏi qua nhiều năm. "Gì thì gì, có học vẫn hơn, tui do không học hành được mới chuyên tâm theo nghề này để nuôi vợ con", anh Tiển cười.
Đứa con lớn của anh Tiển kể cha nó chưa một lần cho nó đi theo săn chuột. Có lẽ anh cũng sợ con mình mải mê những thú vui miệt đồng nhất thời mà dở dang chuyện học.
"Sư phụ hay lắm. Từ hồi bị sứt miếng răng cửa, hở kẽ răng thì sư phụ phải ăn cau non trước khi đi bắt chuột để răng sít lại giả tiếng chuột mới thanh. Ngậm chặt răng, chu môi mút vô là ra tiếng chuột. Biết vậy chớ tập mút đến chảy máu môi chưa chắc là được", anh Nguyễn Văn Dương, người chung ấp, nói thêm.
Anh Dương 33 tuổi, có hai con đang tuổi ăn học mà đi mần mướn bữa đực bữa cái khó khăn quá, mùa chuột này nhất quyết xin theo anh Tiển học nghề. "Tui chỉ hy vọng học được cách bơi, cách nhìn đèn, cách xỉa cho nhuyễn thôi. Chớ cái tài giả tiếng chuột của sư phụ thì hên xui", anh Dương cười thật thà.
Ông Nguyễn Văn Mỹ - phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng - cho biết: "Anh Tiển đúng là… "dũng sĩ diệt chuột". Với một xã thuần nông như Hồ Đắc Kiện, nạn chuột cắn phá mùa màng, cây trái… luôn khiến nhà nông lao đao.
Thiệt hại do chuột gây ra hằng năm rất lớn. Tài giả tiếng chuột để bắt chuột của anh Tiển phải nói là có một không hai, góp phần bảo vệ mùa màng, tăng thu nhập cho người dân. Ảnh lại sống hiền lành, hòa đồng nên nhắc đến "sư phụ chuột", ai cũng quý, cũng khoái".
_______________________________________________
Mỗi năm, ông lão 86 tuổi ở Trà Vinh vẫn đi bộ hàng ngàn cây số, kéo theo chiếc xe chất đầy sản phẩm làng nghề đi khắp chợ búa, xóm làng ở miền Tây.
Kỳ tới: Ông cụ “kéo làng nghề” đi khắp miền Tây
Sau một năm vận hành, "siêu cống" Cái Lớn - Cái Bé đã mang lại lợi ích gì và gây ra những tác động không mong muốn nào cho các địa phương trong vùng dự án?
Xem thêm: mth.70795513252303202-uas-naht-touhc-iog-uhp-us-3-yk-yat-neim-o-ogn-ogn-neyuhc-gnuhn/nv.ertiout