Khi được hỏi về động thái mới nhất của Matxcơva, ngày 27-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho rằng "tất cả các bên nên tập trung vào các nỗ lực ngoại giao để giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Ukraine và cùng nhau thúc đẩy tình hình lắng xuống".
"Vào tháng 1-2022, các nhà lãnh đạo của 5 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đã đưa ra tuyên bố chung, chỉ ra rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân là không thể phân thắng bại, nhấn mạnh rằng nên tránh chiến tranh giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và giảm thiểu rủi ro chiến lược", tờ South China Morning Post dẫn lời người phát ngôn Trung Quốc nói.
Sau nhiều lần dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, ngày 25-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói nước này sẽ đưa vũ khí hạt nhân tới Belarus.
"Chúng tôi đã giao tới Belarus hệ thống cực kỳ hiệu quả và nổi tiếng Iskander, có thể mang vũ khí hạt nhân. Ngày 3-4, chúng tôi sẽ bắt đầu huấn luyện và ngày 1-7 sẽ hoàn tất việc xây dựng một kho chứa vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus", ông Putin nói rất cụ thể trên kênh truyền hình Rossiya-24.
Việc triển khai sẽ đánh dấu lần đầu tiên vũ khí hạt nhân của Nga được triển khai bên ngoài biên giới kể từ sau sự sụp đổ của Liên Xô.
- Tham khảo thêm
Động thái cũng đưa ra sau chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nga, trong đó hai nước ký tuyên bố chung có nội dung kêu gọi các quốc gia hạt nhân không triển khai vũ khí hạt nhân ngoài lãnh thổ.
Tuy nhiên, ông Putin so sánh động thái này của Nga với việc Mỹ triển khai vũ khí trên lãnh thổ đồng minh "trong nhiều thập kỷ".
"Không có gì bất thường ở đây cả", ông Putin nói và cho rằng động thái này sẽ không vi phạm các thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân của Matxcơva.
Tuyên bố của Tổng thống Nga Putin về việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus nhằm đáp trả kế hoạch cung cấp đạn uranium nghèo từ Anh đến Ukraine được phương Tây đánh giá như một động thái leo thang căng thẳng nghiêm trọng.