LTS: Thời gian qua, Pháp Luật TP.HCM nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc gặp khó khăn trong việc giao quyền nuôi con theo bản án của tòa sau ly hôn. Thay vì thực hiện bản án tòa tuyên, người không được giao quyền nuôi con trực tiếp lại cố làm trái, gây khó dễ khiến người được quyền nuôi con phải trầy trật trong hành trình đòi lại con sau ly hôn.
Tính đến nay đã hơn hai năm kể từ ngày cơ quan thi hành án (THA) ra quyết định thi hành bản án ly hôn buộc anh NVP giao con là bé H cho chị HTML (30 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, TP.HCM) trực tiếp nuôi dưỡng. Thế nhưng đến nay chị L vẫn chưa được giao con và câu chuyện THA gần như rơi vào bế tắc.
Những đơn thư cầu cứu của chị L gửi đến các cơ quan, ban ngành. Ảnh: NGUYỄN HIỀN |
Đã ký THA, con vẫn chưa được giao
Chị L cho biết chị và anh P cưới nhau năm 2015, một năm sau thì chị sinh bé H. Trong quá trình chung sống, cả hai bất đồng quan điểm nên thường xảy ra mâu thuẫn. Năm 2019, cả hai đã nộp đơn ra TAND quận 7 để giải quyết ly hôn.
Đến ngày 14-8-2020, TAND quận 7 ra quyết định ly hôn giữa chị L và anh P. Đồng thời, tòa tuyên giao con cho người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng.
Sau khi bản án có hiệu lực, chị L làm đơn yêu cầu THA. Ngày 4-11-2020, Chi cục THA quận 7 ra quyết định thi hành bản án trên.
Chị L kể: Từ khi tòa giải quyết ly hôn, chị không còn được ở với con mà con lại ở với anh P. Sau một thời gian chờ đợi, đến giữa tháng 6-2022, chấp hành viên gọi chị L đến để THA giao con.
Ngày 16-6-2022, chị cùng cha mẹ đến cơ quan THA để nhận lại con. Tại buổi giao nhận con, chị không được tiếp xúc với con, chấp hành viên yêu cầu chị qua phòng khác để làm việc. Chấp hành viên yêu cầu chị ký vào biên bản về việc giải quyết THA.
“Lúc đó, tôi vừa ký biên bản xong thì anh P đã dẫn bé H ra xe về nhà luôn. Tôi gần như ngã gục bởi quá hụt hẫng trước cách làm việc của chấp hành viên vì giao như vậy là chưa làm xong trách nhiệm. Tôi yêu cầu hủy biên bản bàn giao và phải bàn giao lại nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết” - chị L bức xúc.
Cầu cứu nhiều cơ quan, ban ngành
Từ việc cơ quan THA quận 7 tổ chức giao con cho chị L nhưng không thành, gia đình chị L đã gửi nhiều đơn khiếu nại đến các cơ quan, ban ngành với mong muốn các cơ quan này có sự can thiệp giám sát, chỉ đạo để THA quận 7 tiếp tục thi hành bản án còn dang dở.
Cụ thể, ngày 30-6-2022, chị L đã gửi đơn khiếu nại đến Cục THA TP.HCM, Ủy ban MTTQ TP, Sở LĐ-TB&XH, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ủy ban Kiểm tra quận 7…
Chị L cũng đã nhờ các cơ quan chức năng can thiệp. Thế nhưng tất cả đều yêu cầu chị L về cơ quan THA quận 7 giải quyết.
“Tôi vừa ký biên bản xong thì anh P đã dẫn bé H ra xe về nhà luôn. Tôi gần như ngã gục…” - chị L bức xúc.
Chúng tôi đã liên hệ chi cục trưởng Chi cục THA quận 7 để tìm hiểu thêm thông tin nhưng vị này cho rằng mình không có thẩm quyền phát ngôn và đề nghị liên hệ Cục THA TP.
Theo tìm hiểu của PV, ngày 8-12-2022, Chi cục THA quận 7 đã gửi công văn trao đổi nghiệp vụ và hỗ trợ THA đối với trường hợp của chị L.
Chi cục THA quận 7 cho rằng bản án đã được các bên tự nguyện thi hành xong; đối tượng THA là quyền nhân thân, là con người nên khi anh P đưa bé H ra xe, chấp hành viên không thể làm gì khác hơn ngoài việc giải thích, thuyết phục anh giao lại bé.
Đồng thời, chi cục THA cũng không thể hủy bỏ biên bản tự nguyện giao con mà hai bên đã ký do không có sự đồng thuận của anh P.
Vào tháng 11-2022, chi cục THA đã tổ chức họp liên ngành giữa tòa án, VKS và đã thống nhất việc THA đã giải quyết xong, không thể tổ chức THA trở lại.
Để bảo vệ quyền lợi của chị L và bé H, Chi cục THA chuyển toàn bộ hồ sơ THA cho Công an quận 7, đề nghị hỗ trợ, xem xét hành vi của anh P khi đã tự nguyện giao con cho chị L xong nhưng lại cố tình đưa con về.
Được biết vừa rồi Công an quận 7 đã có văn bản phản hồi đến cơ quan THA quận 7 về việc không thể xử lý anh P về hành vi không giao con, bởi việc giao con đã thực hiện xong sau khi ký biên bản bàn giao.
Hiện cơ quan THA quận 7 phối hợp với cơ quan, ban ngành địa phương để tiếp tục vận động phía anh P giao con cho chị L trực tiếp nuôi dưỡng theo như phán quyết của tòa.
Để nắm thêm thông tin vụ việc, PV đã liên lạc với anh P qua điện thoại. Tuy nhiên, anh P từ chối và cho biết mình đang bận sẽ liên hệ sau, sau đó thì không nhận cuộc gọi từ chúng tôi nữa.•
Chưa giao con là chưa thi hành án xong
Luật sư NGUYỄN QUỐC CƯỜNG, Đoàn Luật sư TP.HCM |
Khoản 1 Điều 52 Luật THA 2008 (sửa đổi năm 2014) quy định việc THA đương nhiên kết thúc khi có xác nhận của cơ quan THA dân sự về việc đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình.
Theo đó, việc anh P ký vào biên bản về việc giải quyết THA như tình huống nêu trên coi như đã hoàn thành nghĩa vụ của người được THA và bản án đã thi hành xong.
Tuy nhiên trên thực tế, nghĩa vụ giao con của anh P vẫn chưa được thực hiện. Vì thế không thể coi như người phải THA đã hoàn thành nghĩa vụ. Việc cơ quan chức năng không có căn cứ để hủy bỏ biên bản này là chưa hợp lý. Vì người phải THA đã ký vào biên bản nhưng nghĩa vụ giao con vẫn chưa thực hiện.
Trong trường hợp này, chấp hành viên phải có trách nhiệm tiếp tục thực hiện và phối hợp với các ban ngành, địa phương để vận động, thuyết phục người cha giao con cho người mẹ.
Luật sư NGUYỄN QUỐC CƯỜNG, Đoàn Luật sư TP.HCM
MINH CHUNG ghi