Tại sao nghệ sĩ lại nhiều bệnh vậy? Có cảm tưởng sân khấu hoặc màn ảnh nhỏ không còn là "sân chơi số 1", vốn gắn chặt với người nghệ sĩ.
Chắc chắn không riêng gì nghệ sĩ, để đạt được "hào quang rực rỡ" không phải là điều dễ dàng với tất cả mọi người.
Tất cả đều phải nỗ lực "đổ mồ hôi, sôi nước mắt", thậm chí cả "đổ máu" với nghề nghiệp. Nhưng đổi lại có danh và chính danh phận ấy là thứ thiêng liêng nhất của một đời người.
Xây dựng danh tiếng là một chuyện, gìn giữ và bảo vệ danh tiếng ấy còn khó hơn gấp trăm ngàn lần. Đặc biệt là giới nghệ sĩ - người của công chúng.
Ở góc độ người hâm mộ, họ chỉ mong "thần tượng" của mình khi có "danh tiếng, nổi tiếng" làm ơn đừng gây "tai tiếng" mà thôi. Đó là đòi hỏi chính đáng.
Nhưng loạt bài vén màn sự thật công nghệ siêu giảm béo trên báo Tuổi Trẻ cho thấy một bức tranh khác, đáng trách và đáng buồn về một số người có sức ảnh hưởng với công chúng.
Là nghệ sĩ nhưng quanh năm không sản xuất nổi bộ phim, không có vai diễn đáng nhớ hoặc không sáng tác nổi một ca khúc ra hồn.
Mờ nhạt ở "sân khấu chính" nhưng một số lại ghi "dấu ấn đậm nét" trên các nền tảng website, Facebook, YouTube, TikTok của nhiều nhãn hàng, sản phẩm.
Bằng mọi giá, họ "khai thác thương hiệu" tối đa, có khi bất chấp.
Kết cục chính họ góp phần "tiếp tay" cho những người có ý đồ đánh lừa công chúng. Không ai khác, chính fan (người hâm mộ) của họ bị lừa. Và trong các ý kiến phản hồi về Tuổi Trẻ, có người đã "tiền mất tật mang" chỉ vì tin theo lời thần tượng của mình như thế.
Cũng có nhiều người đủ tỉnh táo nhận ra bản chất và họ cảm thấy mất niềm tin, bởi "quá trời gương mặt nổi tiếng, uy tín".
Rõ ràng dù vô tình hay cố ý, dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư khi đã chấp nhận "nhắm mắt" xuất hiện trong các clip quảng cáo "bẩn", nghệ sĩ đều phải trả giá đắt. Cũng giống như việc họ đang tự xem rẻ giá trị của mình khi "bán danh ba đồng", có người mất luôn cả sự nghiệp.
Trước thực tế nhức nhối này, dư luận bức xúc đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cần phải cấm biểu diễn, thu hồi danh hiệu nếu nghệ sĩ nào dính vào quảng cáo "bẩn".
Thậm chí cần xử lý nghiêm, nếu có dấu hiệu tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật. Điều này hoàn toàn có cơ sở, bởi đã có quảng cáo sai sự thật, gây ra hậu quả cho người tiêu dùng.
Nhưng ngẫm lại, phải chi một số nghệ sĩ ý thức hơn về vai trò và sứ mệnh của mình sẽ không thể nhận lời quảng cáo vô tội vạ, gây "sát thương" cho công chúng.
Hay chí ít cũng như NSND Ngọc Giàu - chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM - mong muốn rằng các nghệ sĩ cần hiểu giới hạn ở đâu, và "phải luôn nhớ mình nói gì công chúng đang nghe và rất tin tưởng".
Bởi tổn thất sau các clip "bẩn", đâu chỉ một mình nghệ sĩ gánh, mà còn để lại hệ lụy rất lớn đến cộng đồng, xã hội.
"Cứ xử phạt nặng nghệ sĩ quảng cáo "bẩn" đi. Phạt tiền thật nặng, thu hồi danh hiệu và cấm biểu diễn những nghệ sĩ dính vào quảng cáo "bẩn". Tiếp tay lừa đảo thì cấm sóng là đúng...".
Xem thêm: mth.99444529092303202-gnod-ab-hnad-nab-gnud-nix/nv.ertiout