CPI tháng 3 giảm 0,23%
Theo số liệu tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023 được Tổng cục Thống kê công bố tại họp báo sáng 29/3, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 giảm 0,23% so với tháng trước. Trong tháng 3, tại 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 6 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước; 5 nhóm hàng tăng giá.
6 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm nhóm giáo dục giảm mạnh nhất với 1,71%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,58%; nhóm giao thông giảm 0,16%; nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,05% do quy luật giảm tiêu dùng sau Tết Nguyên đán.
Ngoài ra, nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02% chủ yếu do giá điện thoại cố định, di động và máy tính bảng giảm. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,02% chủ yếu do thời tiết các tỉnh phía Bắc ấm dần lên và nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm.
5 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng là: Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,36%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,21%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14%. Ngoài ra, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,13%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,06%.
CPI quý I tăng 4,18%
Tính chung 3 tháng đầu năm, CPI bình quân quý I/2023 tăng 4,18% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong mức tăng chung này, theo Tổng cục Thống kê, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng quý I/2023 tăng 7,17% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI tăng 1,35 điểm phần trăm, do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao.
Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 4,41% chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán tăng, tác động làm CPI tăng 0,94 điểm phần trăm.
Học phí giáo dục tăng 10,13% do một số địa phương đã tăng học phí trở lại sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022 để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch, tác động làm CPI tăng 0,62 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,9% do dịch COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu giải trí và du lịch của người dân tăng cao, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, tác động làm CPI tăng 0,22 điểm phần trăm…
Trong quý I/2023, giá các mặt hàng thực phẩm tăng 4,41% chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán tăng, tác động làm CPI tăng 0,94 điểm phần trăm
"Lạm phát cơ bản tháng 3 tăng 0,22% so với tháng trước, tăng 4,88% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,18%)", Tổng cục Thống kê cho biết.
Áp lực từ tăng lương và giá điện
Bà Nguyễn Thu Oanh – Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, so với các quốc gia trên thế giới, lạm phát của Việt Nam không thuộc nhóm nước có lạm phát cao.
Theo bà Oanh, qua theo dõi biến động chỉ số CPI so với cùng kỳ năm trước trong vòng 10 năm qua, Tổng cục Thống kê nhận thấy bắt đầu từ năm 2014 – cứ 3 năm thì lặp lại một lần (2014 – 2017 – 2020), CPI tăng cao hơn so với mức bình quân chung trong 3 tháng đầu năm, sau đó có xu hướng giảm dần cho đến cuối năm.
"Nếu áp dụng theo quy luật này và không xảy ra các yếu tố bất thường thì năm 2023 có khả năng CPI cũng tương tự như vậy, tức là tăng cao trong 3 tháng đầu năm và giảm dần trong những tháng tiếp theo", bà Oanh cho hay, song cũng nhấn mạnh không nên chủ quan mà cần căn cứ vào các yếu tố có tác động trực tiếp vào CPI.
Tăng lương cơ sở từ 1/7/2023 dự báo sẽ đẩy giá cả hàng hoá tăng theo
Vụ trưởng Vụ Thống kê giá nhắc đến giá cả, nguyên nhiên liệu đầu vào đang có xu hướng giảm nhiệt, song vẫn ở mức cao. Đáng chú ý, giá năng lượng và các vật tư chiến lược được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp do ảnh hưởng xung đột Nga – Ukraine, sự phục hồi kinh tế Trung Quốc cũng có khả năng ảnh hưởng đến giá cả trên thế giới. Điều này, ảnh hưởng lớn đến giá nguyên, nhiên vật liệu trong nước sẽ tăng theo đà tăng của thế giới.
Đặc biệt, từ ngày 1/7/2023 Chính phủ sẽ tăng lương. "Theo quy luật, lương tăng thì đồng nghĩa giá cả hàng hoá cũng tăng theo. Tổng cục Thống kê cũng nhận định sau khi tăng lương thì sẽ ảnh hưởng đến giá cả hàng hoá và sẽ tác động đến chỉ số CPI trong năm nay", bà Oanh nói.
Ngoài ra, thời điểm tháng 9 là bắt đầu năm học mới 2023-2024, nếu các địa phương thực hiện thu học phí theo Nghị định 81 của Chính phủ thì lúc đó sẽ tác động vào CPI. Theo bà Oanh, yếu tố này chiếm tỉ trọng khá lớn trong chi tiêu của người dân nên sẽ ảnh hưởng lớn đến CPI của cả năm nay.
Đáng chú ý, việc tăng giá điện của EVN, lộ trình thực hiện giá dịch vụ y tế, áp lực cầu kéo của việc giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay… cũng sẽ phần nào tác động đến áp lực hàng hoá và đẩy giá dịch vụ lên cao.
Song, bà Nguyễn Thu Oanh cũng khẳng định, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% cả năm nay vẫn có thể thực hiện được nhờ các yếu tố giảm áp lực lên mặt bằng giá.
Cụ thể, Việt Nam có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, giúp chủ động kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ là yếu tố cốt lõi củng cố niềm tin của doanh nghiệp, người dân vào nền kinh tế vĩ mô ổn định.
"Với kinh nghiệm điều hành vĩ mô của Chính phủ, việc kiểm soát lạm phát dưới 4,5% mà Quốc hội đề ra chúng ta vẫn có thể thực hiện được", bà Oanh nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.17441141192303202-814-gnat-man-uad-gnaht-3-ipc/et-hnik/nv.vtv