Chưa đến 50% thuê bao chuẩn hóa
Theo ghi nhận của các nhà mạng, trong mấy ngày gần đây số lượng khách hàng đến các cửa hàng để chuẩn hóa thông tin cá nhân đã đông hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số lượng khách hàng khá lớn đã nhận được tin nhắn của nhà mạng nhưng chưa thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao theo yêu cầu.
Anh M.V.V (ngụ P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, TP.HCM) kể: "Thuê bao của tôi đã sử dụng trên 20 năm. Mới đây, thông qua ứng dụng trên điện thoại, tôi mới nhận được thông báo yêu cầu chuẩn hóa vì thông tin của tôi sử dụng CMND cũ, địa chỉ cũng không còn đúng với hiện tại. Nhưng khi tôi thực hiện thao tác trên app thì hệ thống không cho chủ thuê bao thay đổi thông tin cá nhân. Gọi đến tổng đài thì được yêu cầu phải ra trực tiếp cửa hàng giao dịch. Sau đó tôi bận việc nên quên mất, hôm nay mới nhớ ra còn mấy ngày nữa đến hạn cuối phải đăng ký lại thông tin".
Anh Nguyễn Hoàng Chương (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: "Ba mẹ tôi ở quê, cao tuổi, điện thoại chỉ biết dùng thao tác nghe gọi cơ bản chứ không biết cách đăng ký thông tin. Nhà tôi vắng người, tôi thì ở xa nên không thể làm thay, và hướng dẫn từ xa thì cũng khó thực hiện được. Tôi nghe thông tin gần đến ngày thuê bao chưa đăng ký sẽ bị khóa một chiều, tôi cũng lo nhưng chưa thu xếp về quê được".
Ngày 28.3, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, cho biết: "Đến hết ngày 27.3, số thuê bao đã chuẩn hóa thông tin là 1,72 triệu, chiếm hơn 44,68% trong tổng số thuê bao được các doanh nghiệp viễn thông xác định cần thực hiện cập nhật thông tin để trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. So sánh với 1 tuần trước đó, số thuê bao thực hiện việc đăng ký trong 7 ngày qua khoảng 700.000 số, hiện còn gần 2 triệu thuê bao chưa thực hiện cập nhật".
Theo ông Nhã, số lượng thuê bao thực hiện chuẩn hóa trong các ngày gần đây có dấu hiệu chững lại. Với tốc độ hiện tại, chỉ còn 2 ngày nữa sẽ đến hạn chót theo thông báo, sau ngày 31.3, các thuê bao không thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao theo yêu cầu thì sẽ bị các nhà mạng khóa liên lạc một chiều gọi đi. Sau đó, nếu tiếp tục không thực hiện chuẩn hóa thông tin cá nhân sẽ bị cắt 2 chiều và sẽ thu hồi SIM về kho số.
Cục Viễn thông khẳng định cơ quan này không thực hiện những cuộc gọi đe dọa khóa thuê bao hay yêu cầu chuẩn hóa thông tin vì việc này chỉ được thực hiện qua các kênh chính thức của các nhà mạng.
Theo khảo sát của PV, bên cạnh các trường hợp bận việc, sơ suất hoặc người lớn tuổi chưa cập nhật thông tin, vẫn còn nhiều trường hợp có tâm lý chủ quan, chờ đợi "nước đến chân mới nhảy".
Anh N.V.A, quản lý một cửa hàng dịch vụ điện thoại trên đường Hùng Vương, Q.5 (TP.HCM), cho biết: "Cách đây 5 năm, cũng có một đợt thông báo yêu cầu phải cung cấp thông tin chính chủ, ai không đăng ký sẽ bị cắt liên lạc. Lúc đó cũng giống như bây giờ, nhiều thuê bao bị cắt nhưng sau đó nhà mạng vẫn hướng dẫn cho cách thức mở lại tạm thời. Rồi sau đó thì việc đăng ký thông tin vẫn trở lại như cũ, SIM không đăng ký vẫn được sử dụng tràn lan. Nên nhiều người bây giờ vẫn còn thờ ơ với việc cập nhật thông tin thuê bao".
Đối tượng lừa đảo lại thừa cơ
Sau khi Bộ TT-TT công bố kế hoạch chuẩn hóa thông tin thuê bao, lập tức có nhiều đối tượng thực hiện các cuộc gọi lừa đảo, giả danh nhà mạng nhằm chiếm đoạt thông tin cá nhân của người dùng.
Anh T.M.K (ngụ P.Cát Lái, TP.Thủ Đức, TP.HCM) kể: "Cách đây vài ngày, tôi nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ, thông báo thuê bao di động của tôi sẽ bị khóa sau 2 ngày, yêu cầu tôi bấm phím số 7 để biết thêm chi tiết. Tôi nghi ngờ đây là cuộc gọi giả mạo để lừa đảo nên tôi không làm theo. Tôi gọi lên tổng đài thì được biết thuê bao của tôi đã đăng ký chính chủ, dù số CCCD chưa được cập nhật, vẫn còn số CMND cũ nhưng chưa nằm trong diện có nguy cơ bị khóa SIM trong đợt này".
Theo các nhà mạng, thủ đoạn của những đối tượng này là đe dọa, thông báo với người dùng rằng họ sắp bị khóa thuê bao đồng thời hướng dẫn người dùng nhấn các phím để biết thêm chi tiết. Tiếp đó, người dùng sẽ bị yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như số CCCD, họ tên đầy đủ, để xác nhận tình trạng thuê bao, yêu cầu truy cập đường dẫn để bổ sung thông tin.
Cục Viễn thông khẳng định cơ quan này không thực hiện những cuộc gọi đe dọa khóa thuê bao hay yêu cầu chuẩn hóa thông tin vì việc này chỉ được thực hiện qua các kênh chính thức của các nhà mạng. Có hiện tượng một số đối tượng lợi dụng việc doanh nghiệp thông báo (nhắn tin, gọi điện) đề nghị người sử dụng chuẩn hóa thông tin để thực hiện các hành vi mạo danh lừa đảo, quảng cáo vi phạm pháp luật. Nhằm hạn chế tối đa những hành vi nêu trên, bảo vệ quyền lợi của người dân, Cục Viễn thông đề nghị khách hàng chỉ thực hiện theo thông báo cập nhật từ các kênh chính thức của nhà mạng viễn thông di động sử dụng cho mục đích nhắn tin, gọi điện đề nghị chuẩn hóa thông tin thuê bao, chăm sóc khách hàng, tiếp nhận phản hồi.
Mạng di động MobiFone cũng đã ghi nhận một số phản ánh về việc các đối tượng xấu giả danh nhân viên của nhà mạng này gọi điện mời đăng ký chuyển đổi SIM, tặng các ưu đãi... và mới đây là hình thức đe dọa khóa chiều gọi đi với mục đích chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng. MobiFone khuyến cáo toàn bộ khách hàng nâng cao mức độ cảnh giác, cẩn trọng trước những tin nhắn, cuộc gọi bất thường yêu cầu thay SIM hoặc nhận ưu đãi bất ngờ. Các thuê bao MobiFone cần liên hệ trực tiếp với hotline 9090 để xác minh thông tin đối tượng đang liên lạc có thực sự là nhân viên của MobiFone hay không. Không cung cấp mã OTP, mật khẩu giao dịch, thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã PIN; tuyệt đối không thực hiện các thao tác soạn tin theo cú pháp lạ.
Cú pháp TTTB gửi 1414 để có thông tin thuê bao chính xác hay chưa
Nhằm giải quyết tình trạng sử dụng SIM thuê bao di động có thông tin không đúng quy định và bảo đảm thông tin thuê bao trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ngày 13.3, Bộ TT-TT đã yêu cầu các nhà mạng gửi tin nhắn cho các thuê bao di động có thông tin không đúng quy định. Sau ngày 31.3, thuê bao không chuẩn hóa thông tin sẽ bị khóa một chiều. Theo các nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone, có khoảng 4 triệu thuê bao chưa trùng khớp thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia cần thực hiện đối soát chuẩn hóa thông tin.
Nhằm bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông và đáp ứng tiến độ đề ra, Cục Viễn thông đề nghị các nhà mạng tăng cường trang thiết bị kỹ thuật, nhân lực đảm bảo điều kiện thuận lợi nhất để tất cả người sử dụng dịch vụ thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao.
Bên cạnh đó, chủ động rà soát, phân chia các tập thuê bao (theo thiết bị đầu cuối sử dụng, độ tuổi…) từ đó tổ chức truyền thông, thông báo qua các hình thức phù hợp như: tin nhắn, điện thoại, các phương tiện thông tin đại chúng… nhằm thúc đẩy, khuyến khích người sử dụng dịch vụ viễn thông thực hiện cập nhật thông tin thuê bao theo đúng quy định; đồng thời đảm bảo tất cả người sử dụng dịch vụ viễn thông đều tiếp nhận được đầy đủ, chính xác thông tin.
Để biết thông tin thuê bao của mình đã chính xác hay chưa, người sử dụng có thể nhắn tin với cú pháp TTTB gửi 1414.