Như Thanh Niên thông tin, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND TP.HCM vừa có buổi làm việc tại Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM về công tác quản lý, bảo quản và xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (VPHC) bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.
Thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó phòng PC08, cho biết các kho bãi tạm giữ phương tiện VPHC do đơn vị này quản lý hiện đang quá tải do thời gian xử lý phương tiện vi phạm không đồng bộ với lượng phương tiện bị tạm giữ. Các kho bãi giữ xe vi phạm do PC08 quản lý phần lớn tạm bợ chưa đồng bộ.
Tính chung trên địa bàn TP.HCM mỗi ngày có khoảng 500 phương tiện vi phạm bị CSGT tạm giữ (riêng các đội thuộc PC08 tạm giữ 200 xe/ngày). Hiện nay, PC08 đang tạm giữ, tịch thu 31.511 phương tiện (34 ô tô, 1.252 xe ba bánh, 30.219 xe mô tô và 6 xe đạp). Tất cả xe vi phạm nói trên bị tạm giữ tại 7 kho do PC08 quản lý. Từ năm 2018 đến nay, PC08 đã thực hiện nhiều đợt đấu giá xe tang vật vi phạm và thu về hơn 17 tỉ đồng cho nhà nước. Tại buổi làm việc, thượng tá Quới đề nghị TP sớm có kế hoạch kinh phí xây dựng kho bãi tạm giữ nhằm giảm áp lực tại các kho hiện nay.
Nên "nới" quy định giam xe
Phản hồi thông tin trên, nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên cho rằng cơ quan chức năng nên nghiên cứu thay đổi hình thức xử lý hành vi vi phạm giao thông như tăng mức phạt thay vì giam xe. Điều này vừa có thể giải quyết được tình trạng quá tải ở các kho chứa phương tiện vi phạm vừa có thể tăng thu cho ngân sách vừa đỡ tốn tiền xây nhà kho chứa.
"Cá nhân tôi nghĩ cần có những thay đổi để phù hợp hơn với tình hình hiện tại. Với lượng xe vi phạm nhiều như vậy thì không biết xây bao nhiêu kho chứa cho đủ. Thay vào đó, sao không tính đến chuyện chỉ thu bảng số hoặc bằng lái, giấy đăng ký xe và chỉ giữ những xe phục vụ cho việc thưa kiện. Như vậy vừa thực tế, vừa đỡ tốn kém", BĐ Chí Trung đề nghị.
Cùng quan điểm, BĐ Thủy Lê ý kiến: "Tại sao chúng ta không bỏ hình thức tạm giữ xe, trừ trường hợp phương tiện là bằng chứng liên quan đến kiện tụng hoặc các vụ việc vi phạm giao thông nghiêm trọng, và thay thế bằng một hình thức xử phạt khác".
Còn BĐ Ái Như viết: "Cá nhân tôi thấy việc tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm cũng không phải cách, xe cộ thì phơi nắng phơi mưa xuống cấp, nhà nước thì tốn kém trong việc xây kho chứa. Cần tính đến những phương án khả thi hơn, điển hình là quy định về việc quá thời gian tạm giữ. Đây đâu phải nhà giữ xe công cộng".
"Có thể thu hẹp các lỗi buộc phải tạm giữ phương tiện hoặc thu hẹp quy trình xử phạt. Tôi thấy thay vì cứ khư khư giữ xe thì những lỗi không quá nặng có thể tịch thu biển số nhưng vẫn phải đảm bảo chế tài. Thậm chí nếu đã bị tịch thu biển số mà chủ xe tiếp tục vi phạm thì hãy thu hẳn xe rồi thanh lý luôn. Như vậy cũng là một hình thức răn đe", BĐ Chu Linh đề nghị.
Phạt nặng nếu vi phạm trong thời gian chờ xử lý
"Với các hành vi vi phạm luật giao thông, nhẹ thì đóng phạt tại chỗ, nặng hơn thì giữ giấy chứng nhận đăng ký xe, giấy phép lái xe, không cần thiết phải giữ xe. Trong thời gian chờ cơ quan chức năng xử lý mà người vi phạm cố tình điều khiển phương tiện không có đầy đủ các giấy tờ trên thì phạt thật nặng", BĐ Tran Nguyen ý kiến.
Tương tự, BĐ Nguyễn Hoàng đề nghị: "Nếu vi phạm luật giao thông thì phạt người điều khiển, phương tiện xe cộ không có lỗi. Theo tôi không cần thiết giam xe vi phạm với các lỗi không nghiêm trọng mà để họ tự bảo quản phương tiện, chỉ giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, buộc đóng tiền bảo lãnh cho xe bằng với mức phạt cao nhất của khung lỗi vi phạm. Nếu tiếp tục vi phạm trong thời gian chờ xử lý thì phạt thật nặng, có thể truy tố ra tòa. Hiện nay dữ liệu dân cư đã có rồi thì việc này đâu có khó gì".
"Cơ quan chức năng nên thu hẹp thời gian xử lý các lỗi vi phạm giao thông. Người đã quý xe thì vừa hết hạn họ đã hoàn thành thủ tục để lấy lại. Còn người đã không trân trọng thì thời gian bao lâu cũng vậy thôi. Thay vào đó, chúng ta đơn giản thủ tục, quy trình thanh lý xe cũng là cách giảm bớt áp lực trong kho, vừa có thêm kinh phí xung vào công quỹ", BĐ Chính Nghĩa thẳng thắn.
BĐ Hoàng Hải ý kiến: "Việc quá tải kho bãi như thế này là do những quy định tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm chưa thật sự chặt chẽ. Cá nhân tôi thấy cần rõ ràng hơn, thậm chí là nếu quá thời gian tạm giữ xe 30 ngày mà không đến nhận lại thì cơ quan chức năng có thể làm thủ tục thanh lý, số tiền đó xung vào công quỹ".