Ngày 31-3, tại trại giam Ngọc Lý (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang), Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình "Thắp sáng ước mơ hoàn lương" cấp trung ương năm 2023.
Tại chương trình, các phạm nhân được tham gia diễn đàn đối thoại với mục tiêu liên kết nguồn lực từ xã hội để phối hợp các chương trình, xây dựng nội dung đào tạo, hướng nghiệp, thiết kế và số hóa chương trình giáo dục cải tạo phạm nhân, trại viên, phạm nhân trong độ tuổi thanh niên, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng.
Món quà bất ngờ cho nữ phạm nhân
Có mặt trên sân khấu giao lưu là V.L.A. (24 tuổi, ở Ninh Bình), nữ phạm nhân cải tạo tiến bộ tại trại giam.
Nữ phạm nhân xúc động chia sẻ, thời gian chấp hành án tại trại giam Ngọc Lý, điều duy nhất mà chị tự dặn bản thân là cố gắng cải tạo thật tốt vì chính bản thân mình.
Ngày mới bước chân vào cánh cổng trại giam, L.A. cảm thấy suy sụp, không còn niềm tin vào cuộc sống. Nhưng may mắn, các cán bộ quản giáo đã trao cho chị niềm tin, giúp chị tìm hiểu thêm về pháp luật, chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và được học thêm nghề.
"Nguyện vọng của tôi sau khi trở về với gia đình và xã hội là được gia đình, người thân, xã hội công nhận, được cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tạo điều kiện hòa nhập cộng đồng, có công ăn việc làm, có thu nhập, ổn định cuộc sống" - nữ phạm nhân nêu mong ước.
Chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ Online, L.A. kể trước kia nghe lời bạn bè rủ rê và phải trả giá bằng bản án 3 năm 4 tháng tù với tội danh mua bán trái phép chất ma túy.
Ở trong trại giam, điều khiến chị thấy day dứt chính là nghĩ về gia đình, người thân. Cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà đông con nên bố mẹ không có điều kiện để đến thăm con gái.
"Nhớ về gia đình là động lực lớn nhất để giúp tôi có đủ sức mạnh vượt qua tất cả" - L.A. bày tỏ.
Sau chia sẻ của nữ phạm nhân, chương trình "Thắp sáng ước mơ hoàn lương" đã mang đến cho chị món quà bất ngờ với sự xuất hiện của người cha.
Vượt đường sá xa xôi lên thăm con gái, giây phút trùng phùng, ông V.X.T. động viên con gái cố gắng cải tạo thật tốt để về lại với vòng tay thương yêu, chờ mong của gia đình, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Giúp phạm nhân xóa mặc cảm
Chị Dương Thị Minh Thủy (cán bộ quản giáo, phân trại số 1) chia sẻ: ngay từ khi phạm nhân mới nhập trại, ban giám thị cùng cán bộ đã tổ chức các lớp học tìm hiểu nội quy trại giam, các quy định của pháp luật, tổ chức các lớp học nghề và hoạt động văn hóa văn nghệ.
Qua đó, giúp phạm nhân xóa bỏ mặc cảm, dần dần chấp hành nội quy của trại.
Phạm nhân T.N.Đ. (32 tuổi, ở tỉnh Bắc Ninh) cho biết trong thời gian chấp hành án phạt tù, anh được học thêm nghề như làm mi giả, đan chiếu trúc, học may…
Đặc biệt, những cuốn sách hướng thiện đã giúp anh nhận ra được những lỗi lầm phạm phải, từ đó thay đổi được nhận thức, suy nghĩ của mình.
Dịp này, chương trình trao tặng 400 suất quà cho phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, rèn luyện, cải tạo tốt; trao tặng tủ sách cho các cán bộ, chiến sĩ và phạm nhân; khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho phạm nhân.
Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ, phạm nhân ở trại giam Ngọc Lý cũng đã được giao lưu văn hóa, văn nghệ với nghệ sĩ Xuân Bắc và các nghệ sĩ trẻ của Câu lạc bộ Nghệ sĩ trẻ Việt Nam.
Anh Nguyễn Kim Quy - phó chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam - cho biết chương trình "Thắp sáng ước mơ hoàn lương" nhằm cụ thể hóa chương trình phối hợp giữa Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và Bộ Công an về việc phối hợp giáo dục cải tạo phạm nhân, trại viên trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng, giai đoạn 2021 - 2025.
Dù có 'thâm niêm' đón nhiều cái Tết trong tù nhưng với các phạm nhân, nỗi khắc khoải nhớ nhà càng hiển hiện mỗi dịp Tết đến xuân về. Phía sau một bản án, cái giá phải trả càng khiến họ day dứt hơn bao giờ hết.
Xem thêm: mth.48912225113303202-ahc-ial-pag-coud-ogn-tab-ihk-cohk-tab-nahn-mahp-un/nv.ertiout