Tuần này các bộ trưởng từ khắp các nước trên thế giới đã đến dự Hội nghị bộ trưởng lần thứ 13 của WTO (MC13) tại Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất -UAE) từ ngày 26 đến 29-2. Hội nghị kỳ vọng có thể thiết lập các quy tắc mới cho thương mại toàn cầu, gồm cả việc cải cách hệ thống giải quyết tranh chấp và cắt giảm trợ cấp nghề cá.
Kỳ vọng khiêm tốn
Hội nghị khai mạc trong bối cảnh các thách thức kinh tế và căng thẳng địa chính trị đe dọa thương mại quốc tế. Tại cuộc họp hai năm một lần này, WTO mong muốn đạt được các tiến triển, đặc biệt về vấn đề đánh bắt cá, nông nghiệp và thương mại điện tử. Tuy nhiên khó có thể đạt được các thỏa thuận lớn vì cần có sự đồng thuận của tất cả 164 quốc gia/vùng lãnh thổ thành viên.
Theo Reuters, những kỳ vọng dành cho cuộc họp năm nay chỉ ở mức "khiêm tốn". Ông Marcelo Olarreaga, giáo sư kinh tế tại ĐH Geneva, bình luận trước khi hội nghị kết thúc: "Tôi không nghĩ một thỏa thuận lớn sẽ được công bố".
Ngay cả Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cũng đánh giá hội nghị năm nay gặp nhiều thách thức do "những cơn gió ngược kinh tế và chính trị" từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, các cuộc tấn công ở Biển Đỏ, lạm phát, giá lương thực tăng, cũng như những khó khăn kinh tế ở châu Âu và Trung Quốc.
Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU) Valdis Dombrovskis cho rằng sẽ rất khó lặp lại thành công của hội nghị năm 2022 do cuộc đàm phán về các vấn đề lớn năm nay như nghề cá, nông nghiệp, thương mại điện tử và cải cách hệ thống giải quyết tranh chấp gặp nhiều thách thức.
Chẳng hạn Ấn Độ nói rằng mặc dù các khoản trợ cấp cho nghề cá đã dẫn đến tình trạng khai thác quá mức nhưng chúng rất quan trọng đối với các nước đang phát triển và các nền kinh tế nhỏ vì chúng giúp họ phát triển, cũng như bảo vệ an ninh lương thực và sinh kế của ngư dân. Với khoảng 9 triệu ngư dân, Ấn Độ chiếm khoảng 25% số ngư dân trên thế giới.
Ấn Độ, Mỹ bất đồng
Vấn đề cải cách hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO nhận được nhiều quan tâm tại hội nghị. Theo AFP, nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm cải cách hệ thống này đã gây chia rẽ tại phiên họp của WTO hôm 28-2, với việc Ấn Độ cáo buộc Washington đang đẩy tổ chức thương mại này vào tình trạng "tê liệt".
Dưới thời tổng thống Donald Trump, vào năm 2019, nước Mỹ đã khiến hệ thống này bị đình trệ khi Washington ngăn chặn bổ nhiệm các thẩm phán mới vào cơ quan phúc thẩm của WTO - nơi giải quyết tranh chấp cao nhất của tổ chức. Washington cáo buộc cơ quan phúc thẩm này diễn giải quá mức các quy định của WTO và cho rằng các quyết định của thẩm phán không nên đi ngược lại an ninh quốc gia của các nước.
Với việc cơ quan phúc thẩm đã bị đình trệ trong 4 năm, hàng loạt tranh chấp thương mại trị giá hàng tỉ USD vẫn chưa được giải quyết. Hiện nay các nước thành viên vẫn có thể nộp đơn khiếu nại lên một cơ quan cấp thấp hơn, nhưng nếu họ không chấp nhận kết luận của cơ quan này thì vụ việc sẽ rơi vào tình trạng lấp lửng về mặt pháp lý.
Hôm 28-2, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal chỉ ra: "Vấn đề đầu tiên mà chúng ta cần giải quyết là phải có một cơ quan phúc thẩm. Tuy nhiên, một số quốc gia lại không cho phép điều đó xảy ra". Ông cho rằng toàn bộ hoạt động của WTO hiện nay đang tê liệt.
Ông Goyal cảnh báo Ấn Độ sẽ không phê chuẩn các thỏa thuận mới tại hội nghị nếu Mỹ không nhượng bộ. Tuy nhiên, Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai tuyên bố: "Không có gì tê liệt trong hội nghị cấp bộ trưởng này". Bà Katherine Tai cũng cho biết Mỹ đang thúc đẩy cải cách giải quyết tranh chấp nhằm tạo ra một hệ thống "công bằng" và không lặp lại những sai sót trước đây.
Hiện nay WTO đang cố gắng hoàn thiện một gói cải cách liên quan tới việc giải quyết các tranh chấp thương mại. Tuy nhiên, đến nay các đề xuất vẫn chưa nói gì về cách thức khởi động lại cơ quan phúc thẩm do thiếu sự đồng thuận và còn nhiều trở ngại.
Giới quan sát lo ngại sự chậm trễ trong việc khôi phục cơ quan phúc thẩm WTO có thể khiến tổ chức này gặp nguy hiểm, nhất là nếu như ông Donald Trump - người từng dọa rút Mỹ ra khỏi WTO - tái đắc cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Phải cải cách, nhưng...
Tại hội nghị cấp bộ trưởng gần đây nhất của WTO vào năm 2022, các nước thành viên cam kết sẽ tổ chức các cuộc thảo luận về hệ thống giải quyết tranh chấp "với mục tiêu có một hệ thống hoạt động đầy đủ vào năm 2024", nhưng đến nay kế hoạch này có rất ít tiến triển. Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai cũng thừa nhận cải cách hệ thống giải quyết tranh chấp là "vấn đề khó khăn".
Chiều 17-1 giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu với tư cách diễn giả chính tại phiên thảo luận "Bài học từ ASEAN" trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF Davos năm 2024.