Nhiều học sinh lớp 9 cho biết các em mong Sở Giáo dục sớm chốt môn thi vào lớp 10 để có sự chuẩn bị tốt, còn phụ huynh hy vọng sở cho thi 3 môn.
Tới khi nào mới chốt môn thi vào lớp 10?
Chị Hà Thu Hường, ở Ngọc Hồi, cho biết nhóm phụ huynh lớp con chị suốt từ trước Tết đến nay chỉ bàn một việc: thi 3 hay 4 môn.
"Các năm thi 4 môn, môn thi thứ 4 theo hình thức trắc nghiệm và nghe nói không quá khó. Nhưng dù sao học sinh vẫn phải dành thời gian ôn tập. Nếu đã thi 4 môn thì cần công bố sớm vào đầu học kỳ II để học sinh có hướng ôn tập dần. Sở cứ rập rình thế này, tâm lý học sinh thắc thỏm. Việc ôn tập cũng bị dồn về cuối, áp lực cho học sinh", chị Hường nói.
Theo chị Hường, đa số phụ huynh mong sở cho thi 3 môn. Họ cho rằng kỳ thi vào lớp 10 mục đích là sàng lọc để tuyển sinh đảm bảo chất lượng. Thi 3 môn toán, văn, ngoại ngữ có thể đảm bảo được việc này.
Hơn nữa, ở cấp THPT, ngoài các môn cố định như toán, văn, ngoại ngữ, lịch sử, học sinh cũng sẽ được lựa chọn môn học mình thích nên việc bắt buộc học sinh phải thi thêm môn thứ 4 không cần thiết.
"Con đầu của tôi từng thi 3 môn, nên tôi thấy thi 3 môn vẫn đảm bảo chất lượng, các trường tuyển sinh thuận lợi và có phân hóa rõ rệt. Với mục đích của kỳ thi này, liệu có cần thêm môn thứ 4 không khi việc này chỉ làm cho kỳ thi căng thẳng, tốn kém hơn, áp lực hơn cho học sinh?", anh Phan Văn Cường, có con đang học Trường THPT Nghĩa Tân (Cầu Giấy), ý kiến.
Khác với nhiều học sinh mong muốn thi 3 môn, Bảo Anh, một học sinh lớp 9 ở quận Hai Bà Trưng, cho biết với em thi 3 hay 4 môn đều được nhưng em mong được biết sớm để có sự chuẩn bị.
Là học sinh giỏi nhưng Bảo Anh cho biết em đã có sự chuẩn bị từ sớm, học đến đâu tự chốt kiến thức, lập đề cương đến đó để không bị dồn về cuối. Riêng môn thi thứ tư, ở thời điểm này chưa biết nên chắc chắn sẽ phải dành nhiều thời gian để lập đề cương, ôn tập sau khi được thông báo. Việc này cũng ảnh hưởng đến kế hoạch ôn tập.
"Em đăng ký thi cả khối chuyên nên cần tập trung ôn tập cho môn chuyên. Nhưng thi chuyên vẫn phải dự thi các môn không chuyên nên việc chưa biết môn thi thứ 4 vào thời điểm này khiến em bối rối", Bảo Anh cho biết.
Điều nhiều phụ huynh băn khoăn là vì sao Hà Nội không có phương án ổn định mà năm nào cũng chậm chạp khiến phụ huynh, học sinh và cả giáo viên đều bị động.
Năm nào cũng chờ mòn mỏi
5 năm trước, Hà Nội có một số điều chỉnh trong phương án thi tuyển sinh lớp 10, trong đó điểm đáng chú ý nhất là quyết định thi 4 môn gồm các môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn thi khác được công bố sau theo phương thức bốc thăm ngẫu nhiên (môn thi thứ 4).
Nhưng mới chỉ thực hiện được 1 năm thì dịch COVID-19 xảy ra. Năm 2020, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội lại quay về thi 3 môn để giảm bớt khó khăn cho học sinh phải trải qua đại dịch.
Từ đó, mỗi năm vào thời điểm này, phụ huynh, học sinh Hà Nội lại bồn chồn, sốt ruột chờ "thi 3 môn hay 4 môn".
Năm 2021, kỳ thi tổ chức với 4 môn, nhưng các năm sau lại quay về 3 môn sau khi trưng cầu ý kiến các nhà trường, phụ huynh học sinh.
Trong các đợt trưng cầu ý kiến đó, thường kết quả chọn "thi 3 môn" chiếm đến trên 90%. Lý do được nhiều giáo viên, phụ huynh đưa ra là các lứa học sinh những năm này bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Trong các cuộc thăm dò ý kiến năm nay, lý do này tiếp tục được đề cập nhưng nó không còn nhiều sức nặng vì đại dịch đã được kiểm soát hơn một năm qua.
Nhiều ý kiến cho rằng đã tới lúc Hà Nội nên làm như nhiều địa phương khác là xác định rõ ràng phương thức thi tuyển sinh lớp 10 có tính ổn định hơn. Việc xác định phương thức thi, trong đó có số lượng môn thi, cần có những cơ sở khoa học và thực tiễn chứ không phải chỉ dựa vào dư luận, vào kết quả trưng cầu ý kiến.
Điều quan trọng nhất là cần sự ổn định để không phải đến hẹn lại lên, phụ huynh, học sinh lại nháo nhào mong ngóng tin thi "3 hay 4 môn".
Học sinh không cần có hộ khẩu vẫn được dự thi tuyển sinh vào lớp 10 ở TP.HCM. Tuy nhiên, vẫn có 3 đối tượng không được dự thi.