Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 2 (1-15/2), cả nước nhập khẩu 417.076 tấn sắt thép, tổng kim ngạch đạt 310 triệu USD.
Tính chung từ đầu năm đến 15/2, cả nước nhập khẩu hơn 1,9 triệu tấn sắt thép các loại, tổng kim ngạch đạt 1,37 tỷ USD.
So với cùng kỳ năm ngoái, lượng sắt thép nhập khẩu tăng hơn 88%, trong khi kim ngạch tăng 56,6%.
Như vậy, trị giá bình quân nhập khẩu sắt thép đầu năm 2024 thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (do lượng tăng nhiều hơn kim ngạch).
Cụ thể, thông tin trên tạp chí Hải quan, trị giá bình quân nhập khẩu đầu năm 2024 đạt hơn 720 USD/tấn, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt gần 870 USD/tấn.
Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc là nhà cung cấp sắt thép lớn nhất của Việt Nam.
Cập nhật của Tổng cuc Hải quan theo thị trường hết tháng 1/2024 ghi nhận, riêng lượng sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc đạt hơn 1 triệu tấn, tăng tới 377% về lượng (tương đương tăng gần 800 nghìn tấn); kim ngạch đạt 635,66 triệu USD, tăng 247% (tương đương tăng hơn 450 triệu USD).
Như vậy, trong tháng 1, riêng lượng sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm đến 67,6% tổng lượng sắt thép nhập khẩu của cả nước.
Trước đó, theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) trên cơ sở số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022 và 2023, trong 10 quốc gia cung cấp thép cho Việt Nam, Trung Quốc luôn ở vị trí số 1.
Cụ thể, năm 2022, nhập khẩu thép thành phẩm các loại từ Trung Quốc đạt hơn 5 triệu tấn, tương ứng gần 5 tỷ USD, chiếm tỉ trọng lần lượt là 43,64% và 41,65%. Năm 2023, nhập khẩu thép thành phẩm các loại từ Trung Quốc là hơn 8,2 triệu tấn, tương ứng hơn 5,65 tỷ USD, chiếm tỉ trọng lần lượt là 62,18% và 54,21%.
Trao đổi với Thanh Niên chiều 1/3, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, những năm gần đây, nhập khẩu thép từ Trung Quốc đã giảm, nhưng có dấu hiệu tăng trong nửa cuối năm 2023.
"Đánh giá về nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc phải xem xét nhiều yếu tố như chủng loại mặt hàng, giá cả bình quân... Tuy nhiên, riêng về lượng nhập khẩu thì tỉ trọng trong tháng đầu năm là rất cao. Thông thường, lượng nhập khẩu từ Trung Quốc bình quân chỉ chiếm khoảng 50%, thậm chí có thời điểm xuống hơn 40%", đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam nhấn mạnh.
Nói về lý do việc nhập khẩu sắt thép từ thị trường Trung Quốc tăng mạnh, vị này phân tích: thời gian qua, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, thị trường bất động sản thậm chí "đóng băng" khiến nhu cầu tiêu thụ sắt thép yếu.
"Nhu cầu tại thị trường nội địa yếu, song Trung Quốc lại sản xuất tới vài triệu tấn thép mỗi ngày, bằng sản lượng của ngành thép Việt Nam trong cả tháng, dẫn tới họ phải đẩy mạnh xuất khẩu và gây áp lực lên nhiều thị trường chứ không riêng gì Việt Nam", đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam nói.
Một doanh nghiệp lớn trong ngành thép cũng cho rằng, Trung Quốc thừa thép nên tìm cách đẩy hàng ra thị trường thế giới. ASEAN, trong đó có Việt Nam là thị trường gần Trung Quốc, thuận tiện cho xuất khẩu là nguyên nhân khiến thép Trung Quốc tràn sang Việt Nam nhiều như vậy suốt từ cuối năm ngoái tới đầu năm nay.
"Những sản phẩm thép thông thường, Việt Nam thừa sức sản xuất, không thiếu nguồn cung. Thị trường thép tháng đầu năm nay cũng chưa sôi động. Sắt thép nhập khẩu nhiều sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trong nước. Miếng bánh thị trường chỉ có thế, có thêm hàng Trung Quốc đương nhiên doanh nghiệp nội địa bán hàng sẽ khó khăn hơn", vị này chia sẻ.
Doanh nghiệp ngành thép cũng bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có sự đánh giá, xem xét việc gia tăng nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc, đồng thời đưa ra biện pháp phù hợp, góp phần bảo vệ sản xuất trong nước.
Minh Hoa (t/h)