Kênh trực tuyến tiếp sức cho trực tiếp
Đầu tháng 3/2024, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đang chuẩn bị thực hiện chuỗi hoạt động livestream bán hàng cho chợ truyền thống.
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tăng mạnh. Năm 2023, doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử đạt 112.000 tỷ đồng, tăng 37%.
Ngoài ra, trong cơ cấu thương mại điện tử, hoạt động về mua sắm kết hợp giải trí trên các nền tảng xã hội có sự phát triển mạnh. Đơn cử như hình thức livestream bán hàng, đáp ứng nhu cầu của cả người tiêu dùng và người bán hàng, nên phát triển mạnh.
Ông Hùng cho rằng, hoạt động thương mại điện tử làm cho kênh phân phối truyền thống chịu sự cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, quan điểm của Sở Công Thương là chợ truyền thống hoàn toàn có thể thích ứng để chuyển đổi số, kết hợp hình thức bán hàng trực tiếp với trực tuyến, livestream bán hàng, qua đó phát huy lợi thế lớn của chợ là văn hóa đi chợ của người dân, nguồn hàng có sẵn.
Sắp tới, Sở Công Thương sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh tập huấn, đào tạo cho thương nhân, đưa hoạt động thương mại điện tử vào chợ truyền thống, cụ thể là chuỗi các hoạt động livestream tại chợ.
"Chúng tôi sẽ đẩy mạnh đưa thương mại điện tử vào chợ truyền thống, tổ chức chuỗi livestream, đào tạo thương nhân, đội ngũ KOL (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội), KOC (người tiêu dùng có ảnh hưởng)", ông Hùng cho biết.
Sở Công Thương đánh giá hình thức mua sắm kết hợp với giải trí như livestream đang phát triển rất mạnh, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và người bán.
Năm ngoái, trong 5 ngày (từ 11 đến 16/12), hơn 100 KOL, người nổi tiếng được Ban quản lý chợ Bến Thành, quận 1 mời đến để livestream bán hàng cùng tiểu thương. Kết quả là tiếp cận 81,6 triệu người, chốt được 18.200 đơn trị giá 4,2 tỷ đồng.
Hay cuối tháng 1/2024, "Ngày hội Mua sắm Tết TP HCM - Chợ Thủ Đức trực tuyến" chốt được 17.000 đơn qua hình thức bán livestream.
Đến nay, một số tiểu thương tại chợ Bến Thành vẫn tiếp tục duy trì livestream bán hàng. Vào mùa cao điểm Tết Nguyên đán vừa qua, chủ sạp mứt kẹo Ngọc Châu cho hay lượng khách mua sắm qua online duy trì ổn định và tiếp tục tăng.
Sau chợ Bến Thành, tiểu thương tại các chợ khác như Bình Tây (quận 6), Tân Bình (quận Tân Bình)… cũng tập tành bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, YouTube, TikTok…
Tiểu thương Ứng Thị Liên, gần 70 tuổi, chuyên ngành hàng bánh kẹo khoảng 50 năm nay tại chợ Bình Tây phấn khởi khi “sức mua trực tiếp tại chợ hiện nay khá yếu, nhưng sức mua hàng thông qua mạng xã hội lại tăng”.
Đẩy mạnh kinh tế, tuân thủ pháp luật
Chuyên gia Hoàng Trọng Thuỷ đánh giá, việc lựa chọn kênh bán hàng trực tuyến là hướng đi đúng, thích hợp với xu thế phát triển chung, giúp doanh nghiệp, tiểu thương, các hộ kinh doanh gia tăng thêm nguồn thu. Tuy nhiên, trên con đường đi này, có 3 vấn đề được tập trung xử lý là sử dụng phầm mềm, bán được hàng và thu hút nhiều người xem.
Còn hạn chế trong quá trình bán hàng vẫn nằm ở khâu tìm nguồn hàng và xác định khách hàng chủ đích. Ngoài ra, khâu tương tác, giải quyết các vấn đề với khách hàng cũng như phát triển thị trường, kết nối học tập và trao đổi lẫn nhau vẫn còn khá khiêm tốn.
Trưởng ban Quản lý chợ An Đông, ông Đinh Hồ Duy Ngọc nhận xét: “Đa số tiểu thương có sự chủ động tìm kiếm khách hàng qua kênh bán hàng online, livestream... đều thu được kết quả tích cực. Để tạo nên diện mạo mới, Ban Quản lý chợ An Đông đã tổ chức nhiều buổi tập huấn cho tiểu thương ứng dụng công nghệ thông tin, bán hàng online, livestream bán hàng… đồng thời, vận động các tiểu thương áp dụng thanh toán không tiền mặt để bắt kịp xu hướng tiêu dùng hiện đại”.
Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, tiểu thương tại các chợ truyền thống nói chung đã có sẵn kỹ năng giao tiếp tốt với khách hàng, có sự am hiểu sâu về sản phẩm.
“Vì vậy, nếu chuyển sang bán hàng online thì họ chỉ thiếu yếu tố kỹ thuật. Kỹ năng bán hàng và hiểu sản phẩm là hai yếu tố khó nhất để bán được hàng, việc học kỹ thuật livestream hay bán online rất dễ, hàng triệu người đã thành công”, ông Thanh chỉ ra.
Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các sản phẩm, dịch vụ ngày càng được quảng bá rộng rãi trên các nền tảng thương mại lớn, góp phần tạo tiền đề đẩy mạnh kinh tế số.
Dù vậy, bán hàng qua mạng cũng được xem như cuộc trình diễn, tính tương tác cao và cơ quan nhà nước phải đi trước giúp các nhà sáng tạo biết giới hạn, tuân thủ quy định pháp luật…
Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất cả nước, đạt 37% vào 2023. Năm ngoái, nơi đây chiếm 23% quy mô thương mại điện tử cả nước, với doanh số bán hàng (tính theo vị trí kho) đạt 4,7 tỷ USD.
Cùng đó, người dân thành phố Hồ Chí Minh chi tiền nhiều nhất để mua hàng trên mạng, khoảng 6,2 tỷ USD, chiếm 29%.
Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh nhưng cũng còn nhiều vấn đề, như hàng giả, kém chất lượng; lừa đảo trực tuyến; mua bán hàng hóa không hóa đơn, nhất là với thương mại điện tử xuyên biên giới.
Ngoài ra, dữ liệu về thương mại điện tử thiếu chi tiết nên cơ quan thuế và quản lý thị trường khó khăn trong xác định nguồn hàng, doanh thu, nhà bán. Do đó, Sở Công Thương đưa ra giải pháp xây dựng công cụ thu thập hệ thống dữ liệu về kho hàng, nhà bán, giao dịch và doanh thu để hỗ trợ công tác quản lý của cơ quan chức năng.