VN-Index bứt tốc hơn 40 điểm ngay trong 3 phiên giao dịch đầu tuần trước khi cân bằng lại trong 2 phiên cuối tuần. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thay phiên nhau tăng điểm, đẩy thị trường đi lên trong 3 phiên đầu tuần.
VN-Index vượt vùng cản mạnh 1.250 điểm
Nhìn chung sắc xanh vẫn luôn áp đảo trong xuyên suốt tuần giao dịch, đóng cửa tuần giao dịch từ 26/2-1/3, chỉ số VN-Index tăng thêm 46,28 điểm lên mức 1,258.28 điểm, vượt qua đỉnh cũ đã thiết lập năm 2023; HNX-INDEX cũng kết thúc tuần ở mức 236,43 điểm, tăng 2,23% so với tuần trước đó.
Thanh khoản giao dịch trên HOSE có tuần sụt giảm nhẹ 5,97%, tuy nhiên vẫn vượt 33,5% so với trung bình 20 tuần giao dịch. Cụ thể, tuần giao dịch qua, thanh khoản bình quân trên sàn HOSE đạt 901 triệu cổ phiếu/phiên, tương đương 23.251 tỷ đồng/phiên, giảm 1,57% về giá trị giao dịch.
Diễn biến này cho thấy, dòng tiền vẫn đang duy trì hiệu quả trong thị trường, lan tỏa, luân chuyển xoay vòng trong các nhóm ngành. Điều này đã giúp nhiều mã và nhóm mã vượt đỉnh, cùng thanh khoản gia tăng mạnh.
Sau 4 tuần liên tiếp bán ròng, khối ngoại có tuần mua ròng trở lại với 99 tỷ đồng trên sàn HOSE. Từ đầu năm 2024, khối ngoại đã mua ròng trong 3/9 tuần giao dịch. Tâm điểm mua ròng trong tuần giao dịch thuộc về HPG với 622 tỷ đồng, SSI là 522 tỷ đồng, DGC (329 tỷ đồng). Ngược lại đà bán ròng có xu hướng tập trung mạnh vài chứng chỉ quỹ FUEVFVND (352 tỷ đồng), mã VNM (302 tỷ đồng), VHM (285 tỷ đồng)...
Tuần qua, cả 21/21 nhóm ngành đều tăng giá; trong đó, mức tăng mạnh nhất gồm các nhóm ngành như: Hóa chất tăng 11,28%, công nghệ viễn thông tăng 10,14%, chứng khoán tăng 8,15%,... Các nhóm ngành xếp cuối danh sách tăng giá gồm có bảo hiểm tăng 1,89%, dược phẩm tăng 1,04%.
Theo các chuyên gia, tuần qua, thị trường đón nhận nhiều thông tin như: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2024 tăng 1,04% so với tháng trước và tăng 3,98% so với tháng cùng kỳ năm ngoái. Bình quân 2 tháng đầu năm, CPI tăng 3,67% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu tăng 19,2%; nhập khẩu tăng 18%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 4,72 tỷ USD. Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) tháng 2 của Việt Nam tiếp tục duy trì trên ngưỡng 50 điểm, đạt 50,4 điểm.
Đáng chú ý, trong tuần, Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 đã diễn ra. Tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định về việc Chính phủ quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán và chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai các giải pháp gỡ vướng, tiến tới nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025.
Về thông tin vĩ mô trên thế giới đáng chú ý, SHS cho biết tại Mỹ, số liệu chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi của tháng 1/2024 tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên so với tháng 12/2023 tăng 0,4%, mức cao nhất kể từ tháng 1 năm 2023 và cao hơn mức tăng 0,1% của tháng 12 /2023. Điều này cho thấy những kỳ vọng trước đây của nhiều nhà đầu tư về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm giảm lãi suất từ tháng 3 ngày càng khó có thể diễn ra. SHS dự báo khả năng cao Fed sẽ chỉ bắt đầu giảm lãi suất trong nửa cuối năm 2024.
Các chuyên gia có góc nhìn khá thận trọng về diễn biến tiếp theo của thị trường chứng khoán. Cụ thể, VN-Index vượt vùng cản mạnh 1.250 điểm chưa đủ độ tin cậy dù đà hưng phấn có thể tiếp tục đẩy thị trường tiếp diễn đà tăng để tiệm cận mức cản mạnh tại 1.300 điểm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.78240632130304202-cuc-hcit-naut-tom-man-teiv-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.vtv