Dụ cho vay hạn mức cao, lãi suất thấp rồi chiếm đoạt
Gần đây, vào mạng xã hội Facebook, chị Thùy Phương thấy fanpage “Hồng Hạnh - chuyên viên CSKH MB Bank” quảng cáo hỗ trợ cho vay trả góp từ 20-500 triệu đồng, chỉ cần căn cước công dân và thẻ ATM, nợ xấu vẫn được vay, bao đậu hồ sơ. Theo giới thiệu của chủ trang thì lãi suất cho các khoản vay từ 20-100 triệu đồng, kỳ hạn 12, 24 và 36 tháng, chỉ khoảng 1%/tháng, tương đương 12%/năm, bằng lãi suất vay thế chấp tại các ngân hàng.
Tài khoản Facebook Thanh Thanh còn thông tin: “ACB hỗ trợ vay vốn tiêu dùng cho công nhân viên, không thế chấp bất kỳ tài sản nào, hồ sơ chỉ cần căn cước công dân và hộ khẩu, không tốn phí làm hồ sơ, duyệt hồ sơ nhanh, lãi suất 0,8%/tháng…”. Liên hệ thì chủ tài khoản này khẳng định, thu nhập bao nhiêu cũng được hỗ trợ vay bằng 10 lần lương tháng. Nếu lương 10 triệu đồng sẽ được vay 100 triệu đồng. Vay 12 tháng thì tiền gốc và lãi mỗi tháng cố định là 10.146.000 đồng/tháng, còn vay 48 tháng thì gốc và lãi là 4.080.000 đồng/tháng. Để tạo niềm tin, chủ tài khoản còn gửi cho chúng tôi xem hình ảnh một số hợp đồng vay.
Fanpage “CEO.Hoàng Thùy Linh” cũng quảng cáo: “Vietcombank triển khai chính sách cho khách vay vốn nhu cầu mua sắm và kinh doanh. Hạn mức hỗ trợ 20-500 triệu đồng, lãi suất chỉ 1%/tháng”. Thế nhưng khi liên hệ, chúng tôi được cung cấp bảng lãi suất chi tiết khoản vay có in logo của... MB Bank.
Tràn lan quảng cáo giả mạo ngân hàng để cho vay lãi suất thấp - Ảnh chụp màn hình |
Ngoài ra, trên các fanpage, Facebook, nhiều đối tượng còn vào “kể lể” chuyện mình từng bị lừa vay tiền rồi được “ân nhân” ra tay giúp đỡ cho vay tiền nhằm lôi kéo nhiều người vào “bẫy” của bọn chúng. Hàng loạt “con nhang” có tài khoản Facebook Thương Sùng, Minh Tuyết, Thư Huyền, Êban Tình, Hoa Cam Thanh, Thúy Phương… đều “nhép” chung một bài: “Mọi người ơi, bây giờ đi vay tiền trên mạng phải thật cảnh giác nhé vì các đối tượng lừa đảo rất nhiều. Mình cũng bị lừa 2 lần nhưng may mắn đã gặp anh Tuấn, anh Quân, chị Vân làm ở ngân hàng VPBank. Các anh chị đó đã hỗ trợ mình vay được 150 triệu đồng. Nợ xấu hay nợ đều vẫn được hỗ trợ vay, lãi suất chỉ 0,8%/tháng. Mọi người cần vay vốn tiêu dùng hoặc đầu tư kinh doanh cứ liên hệ các anh chị đó qua số Zalo để tránh bị lừa…”. Liên hệ các số điện thoại vừa nêu, chúng tôi được gửi cho các bảng lãi suất chi tiết khoản vay có logo giả mạo nhiều ngân hàng.
Nhiều người sập bẫy mất hàng trăm triệu đồng
Anh D.M.T. (Hà Nội) kể, anh vừa bị lừa 360 triệu đồng chỉ vì tin vào quảng cáo cho vay lãi suất giá rẻ, 1%/tháng, của Công ty tài chính Song Hùng - một công ty lừa đảo chứ không có thật. Do tin vào nội dung quảng cáo, anh T. gọi điện cho Trần Thông Dũng - chủ Facebook “Trần Thông Dũng CSKH” - và được “nhân viên” này hỗ trợ làm hồ sơ. Chỉ vài phút sau, anh T. nhận được thông báo qua Messenger: “Khoản vay 200 triệu đồng đã được giải ngân, anh vui lòng nhấp vào link của ứng dụng, ấn vô mục “ví tiền” bên dưới góc trái màn hình rồi rút tiền về tài khoản liên kết”.
Anh T. làm theo thì thấy thông báo rằng anh nhập thông tin sai. Liền đó, đối tượng gửi cho anh T. công văn có in logo, dấu mộc đỏ của Công ty tài chính Song Hùng (thực chất là công văn giả mạo được photoshop) yêu cầu anh phải chuyển 20 triệu đồng vào tài khoản cá nhân có tên “Dang Kieu Thu” để hệ thống khắc phục sự cố, sau đó số tiền này sẽ hoàn trả về ví tiền của anh. Anh T. nhập lại thông tin, vẫn sai và lại nhận được công văn yêu cầu nạp số tiền gấp đôi để khắc phục sự cố. “Thấy ví tiền hiển thị số tiền đang treo (thực tế là tiền ảo do đối tượng tạo ra - PV), họ lại còn gửi các văn bản, gọi điện thoại yêu cầu, nên tôi cứ nghĩ khoản vay đang bị treo là thật. Họ yêu cầu tôi nhập lại thông tin, rồi lại bảo tôi nhập bị sai (về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, dù anh T. có nhập thông tin đúng thì cũng bị các đối tượng chỉnh sửa dữ liệu trên hệ thống thành sai để anh bị hút vào câu chuyện - PV).
Anh T. đã nạp tiền để “khắc phục” nhiều lần cho đến khi tổng số tiền nạp lên đến 360 triệu đồng thì “một đối tượng xưng là trưởng phòng tài chính yêu cầu tôi phải chuyển ngay 200 triệu đồng nữa để khắc phục sự cố. Lúc này tôi mới bừng tỉnh và biết mình bị lừa. Nhiều ngày sau, chúng còn nhiều lần gọi điện đe dọa rằng: nếu không nộp tiếp 200 triệu đồng để giải ngân thì chúng sẽ đến tận nhà “xử lý” người thân của tôi” - anh T. kể.
Rất nhiều nạn nhân khác cũng bị lừa bởi chiêu thức tương tự, ít thì cũng vài triệu đồng, nhiều thì lên tới hàng trăm triệu đồng.
Cũng vay tiền qua fanpage nhưng chị N.E. (quận 3, TPHCM) bị lừa bởi một chiêu khác. Theo đó, các đối tượng thông báo chị được Công ty tài chính đa quốc gia HSBC Việt Nam (đối tượng cố tình đặt tên giống với tên Ngân hàng HSBC) giải ngân khoản vay 100 triệu đồng, yêu cầu chị đóng phí bảo hiểm cho nhân viên thu hộ 4.580.000 đồng. Nhưng sau khi trả tiền thì đối tượng chặn liên lạc.
Các đối tượng giả mạo công văn của MB Bank để lừa đảo người vay tiền - Ảnh do nạn nhân cung cấp |
Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Quân Đội (MB Bank) cho biết, thời gian gần đây, ngân hàng phát hiện một số nhóm đối tượng xấu sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, giả mạo MB Bank để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng. Phương thức chung là đối tượng giả mạo công văn, chữ ký và con dấu.
Nội dung công văn bọn lừa đảo gửi thường là: “Ngân hàng đang liên kết với 1 công ty cho vay, trong quá trình thẩm định hồ sơ của khách hàng, ngân hàng phát hiện một số dấu hiệu nghi ngờ với tài khoản của khách hàng như: số tài khoản bị sai, tài khoản có dấu hiệu giả mạo/lừa đảo”. Sau đó chúng yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản được chỉ định để được tiếp tục vay tiền.
MB Bank khẳng định, không có cơ chế liên kết với trung gian nào để cho vay, không yêu cầu khách hàng chuyển trước một khoản tiền trong quá trình thẩm định cho vay. MB Bank khuyến cáo khách hàng tuyệt đối bảo mật thông tin, không chuyển tiền, cung cấp mã OTP cho đối tượng lạ.
Đại diện Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết, cách đây vài ngày đã thông tin cho khách hàng các tình huống lừa đảo trực tuyến phổ biến hiện nay, đặc biệt là chiêu mạo danh nhân viên ngân hàng giới thiệu các gói vay ưu đãi, thẻ tín dụng rồi yêu cầu khách chuyển phí hồ sơ/dịch vụ.
Theo ACB, khách chỉ giao dịch với ACB qua ứng dụng ACB ONE, ACB ONE BIZ hoặc website https://online.acb.com.vn và https://business.acb.com.vn. Chỉ tải hoặc cài đặt ứng dụng trực tiếp trên kho ứng dụng CH Play (hệ điều hành Android) hoặc App Store (hệ điều hành iOS). Không được nhập tên đăng nhập, mật khẩu vào các website lạ, không bấm vào các liên kết gửi qua tin nhắn từ nguồn tin chưa chính xác hoặc làm theo hướng dẫn qua cuộc gọi mạo danh. Không cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc. Nếu không may cài đặt ứng dụng lạ, khách nên nhập sai mật khẩu 5 lần liên tiếp trên ứng dụng ngân hàng để tạm khóa các dịch vụ. |
Tỉnh táo để tránh bẫy lừa đảo Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - nguyên giảng viên Học viện Tài chính - cho biết, do kinh tế khó khăn, thu nhập bị giảm, nên nhiều khách hàng bị nợ xấu, không đủ điều kiện vay vốn tại các tổ chức tài chính. Lợi dụng điều này, các đối tượng đã mạo danh một số tổ chức tài chính, tạo lập các fanpage giả, chạy quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội để mời chào cho vay lãi suất thấp, hỗ trợ nợ xấu với mục đích lôi kéo nạn nhân vào các kịch bản lừa đảo. Theo ông, khi có nhu cầu vay tiền, người vay cần liên hệ trực tiếp với các tổ chức tín dụng. Nếu nhận được cuộc gọi giới thiệu là công ty tài chính thì nên xác thực lại xem đó có phải là công ty tài chính được cấp phép hay không bằng cách tra cứu trên website của Ngân hàng Nhà nước. Để tránh rủi ro tín dụng, hầu như các ngân hàng không xét duyệt cho vay với trường hợp khách đang có nợ xấu. Do đó nơi nào rao vẫn hỗ trợ nợ xấu vay vốn thì đều có yếu tố lừa đảo hoặc đó là tín dụng “đen” trá hình. |
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.0043151a-gnam-nert-yav-ohc-oad-aul-hnad-oam-or-on/nv.moc.enilnounuhp.www