Có bao giờ bạn đọc lại những dòng viết trên lá thư nhuốm màu thời gian rồi lặng lẽ mỉm cười? Dự án Trạm Ôm một cái (đang đặt tại quận 1, TP.HCM) của cô gái 9X Nguyễn Vũ Mỹ Hạnh như đưa mỗi bạn trẻ trở về ký ức, trải nghiệm cảm giác viết thư tay. Không gian ấy cho phép mỗi người sống chậm lại, trải lòng mình giữa cuộc sống xô bồ hôm nay.
Cái ôm ấm áp!
Mỹ Hạnh có thói quen sử dụng sổ tay. Mỗi khi gặp bất cứ ý tưởng gì, Hạnh đều ghi chép vào sổ tay. Đến mức bây giờ trong nhà Hạnh không biết cơ man nào là sổ. Mỗi quyển như ghi lại từng cột mốc trong hành trình nỗ lực của bạn.
Từ thị trấn Cần Đước (Long An), Hạnh lên TP.HCM, tự dặn mình phải luôn mạnh mẽ, "gồng mình" để có thể tồn tại giữa thị thành. Nhiều lúc "tụt mood", cô gái chỉ ước giá mà có ai đó sẵn sàng lắng nghe mình dù không quen. "Mình không muốn nghe kiểu "mày mạnh mẽ mà, sao giờ lại yếu đuối vậy", cũng không muốn người nhà thêm lo với tâm sự của mình. Có khi trong khoảnh khắc nào đó, chỉ cần người ta không biết mình là ai, không quan tâm quá khứ hay tương lai của mình, chỉ lắng nghe mà không phán xét" - Hạnh trải lòng.
Cũng còn bởi câu chuyện ngược dòng thời gian chừng chục năm về trước, khi Hạnh đang là cô sinh viên thực tập. Lần đó Hạnh bị lừa cướp mất xe. Mùa Giáng sinh năm ấy, trong buổi tiệc mừng có trao đổi quà cho nhau tại công ty, cấp trên của Hạnh đã gọi cô đến, đưa cho chiếc hộp nhỏ.
Trước mặt mọi người, cô sinh viên mở hộp quà và quá bất ngờ khi đó là voucher mua xe 15 triệu đồng. Biết cô sinh viên thực tập bị lừa mất xe nên mỗi người cùng góp một ít. Người sếp đã ôm Hạnh an ủi rằng các anh chị không lo bạn buồn vì mất tài sản nhưng không muốn một sinh viên từ tỉnh lên TP học sẽ mất niềm tin vào con người sau biến cố này.
Nên dù chỉ hí hoáy viết vài dòng trên lá thư nhưng hy vọng mỗi bạn trẻ tìm đến Trạm Ôm một cái sẽ tìm được niềm vui, đôi khi chỉ để trải lòng với chính mình trong lúc cô đơn. Đó cũng là lý do Trạm Ôm một cái của Mỹ Hạnh ra đời. Cô gái muốn có không gian sẻ chia mà ai cũng có thể như tìm thấy mình trong đó.
"Trạm cấp cứu cảm xúc"
Cuộc sống ngày một áp lực, Hạnh nhận ra nhiều bạn trẻ quanh mình có quá nhiều tâm sự không thể nói thành lời. Chủ nhân của trạm chưa từng nghĩ rằng đây lại là nơi "cấp cứu cảm xúc" cho nhiều bạn trẻ có khi đang bên bờ vực sự tan vỡ.
Ấy là vào một buổi chiều muộn, bạn nam ngoài 30 với vẻ ngoài rắn rỏi bước vào. Anh lặng lẽ lấy quyển sổ tay, ngồi xuống viết. Và bạn nam khóc. Chừng 30 phút, bạn ấy đứng dậy, đi rửa mặt rồi về.
Một thời gian sau đó, anh này quay lại, kể với Hạnh hôm ấy thật sự bế tắc, đã định bỏ hết rời Sài Gòn. Trên đường ra bến xe đã tạt ngang vào trạm. Bao nhiêu uất ức, buồn bã bạn trút vào những dòng tâm sự trên giấy và tự dưng nhẹ lòng hơn biết bao.
Đó còn là lá thư đến sáu trang giấy của một học sinh cấp III viết tâm sự về gia đình, bạn bè, trường lớp. Hôm sau có hai giáo viên đến trạm, Hạnh kể về bức thư này. Thế là mỗi người đã viết một bức thư gửi cho bạn học sinh kia, chắc bạn sẽ rất bất ngờ khi biết lá thư của mình được hai giáo viên hồi âm nhưng không biết là ai vì chỉ xưng hô mình và bạn.
Hạnh dùng hệ thống CRM để quản lý thư. Mỗi bức có mã riêng để xác định thời gian và người gửi. Khi có thư phản hồi, hệ thống tự động gửi tin nhắn cho người nhận. Ngoài ra, trạm còn có sổ tay để ghi lại tâm sự và cho phép mọi người cùng đọc.
Tuy nhiên khi đụng nhiều khó khăn, Hạnh đã từng định ngừng dự án. Một buổi sáng đang ngồi sofa suy nghĩ về quyết định này, Hạnh thấy một bạn trẻ bước vào. Sau khi lấy một lá thư đọc khá lâu, bạn này ngồi xuống viết thư hồi âm. "Khoảnh khắc ấy làm mình băn khoăn nếu bỏ dự án, những người bạn thật sự yêu quý viết thư tay cảm thấy thế nào? Và đó là động lực để mình tiếp tục" - cô kể.
Bùi Quang Đăng (21 tuổi) khoe thường tìm đến trạm và rất thích thú khi giữa TP nhộn nhịp này có một nơi để bước chậm lại, cảm nhận cảm xúc bên trong mình. Đăng nói công nghệ tiện lợi đến mức có khi người ta không cần tìm đến nhau, tin nhắn lại thường ngắn gọn, khô cứng. "Mình vẫn thích những cuộc trò chuyện sâu, có cơ hội trải lòng mà tin nhắn điện thoại không thể nào truyền tải hết" - Đăng nói.
Mang lại cảm xúc đặc biệt
Nhiều bạn trẻ từng đến trạm viết thư kể rằng luôn trông chờ được nhận thư tay từ người khác. Không như tin nhắn, mỗi lá thư đều thể hiện cá tính người viết từ nét chữ đến cách trang trí, thậm chí là vết mực loang trên giấy.
Hạnh nói tin nhắn làm tăng cấp cảm xúc rất nhanh mà thường theo chiều hướng tiêu cực vì người ta không suy nghĩ nhiều, cứ thế gửi đi. Trong khi với thư tay càng viết càng thấy cảm xúc nhẹ nhàng hơn, cứ vơi dần rồi trút cạn hết tâm sự nặng nề để mình thanh thản hơn.
"Một nhà văn từng nói với mình chữ viết là chất dẫn truyền trực tiếp của cảm xúc. Những suy nghĩ, tâm tư trong đầu sẽ đi thẳng ra tay và được viết lên giấy. Viết thư giống như giải tỏa cảm xúc một cách chậm rãi, từ tốn" - Hạnh chia sẻ.
Một khảo sát với những người khởi nghiệp tại Mỹ cho thấy 57% lạc quan hơn so với 9 tháng trước nhưng khi chia nhỏ tỉ lệ này, đã bắt đầu phân hóa theo giới tính.