Con trai tôi đậu vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa năm 2019 mặc dù suốt từ lớp 1 đến lớp 5 bé không hề học thêm, cũng không đi luyện thi.
Học sinh trường chuyên hạnh phúc
Cứ tưởng con mình thuộc trường hợp đặc biệt vì qua báo chí, tôi được biết nhiều phụ huynh cho con luyện thi khi các bé mới học lớp 2.
Nhưng không, khi đi họp phụ huynh cho con, tôi ngỡ ngàng nhận ra gần nửa lớp của con tôi thi đậu mà không cần luyện thi. Dĩ nhiên, nếu nói chỉ cần học trong trường tiểu học mà thi đậu vào lớp 6 Trần Đại Nghĩa thì chưa đúng.
Qua giao lưu, trao đổi, tôi được biết các bé không luyện thi đều học theo phương pháp giống với con mình. Đó là thay vì chở con đi học luyện thi thì chúng tôi mua sách, tài liệu về cho con tự học.
Trước đó, tôi nghe đồn học sinh Trần Đại Nghĩa phải chịu nhiều áp lực lắm, suốt ngày chỉ biết học và học. Nhưng với con tôi lại khác. Buổi tối ngoài đi học đàn, chơi bóng bàn về nhà con tôi toàn đọc sách và chơi với em.
Tôi sốt ruột nhắc con học. Cháu giải thích: "Các thầy cô trường con dạy dễ hiểu nên con thuộc bài ngay trên lớp luôn rồi, đâu cần học bài chi nữa".
Cũng từ lớp 6, con tôi đã học theo dự án. Các học sinh thường xuyên làm việc nhóm, thuyết trình, tranh biện… Kết quả lớp 6, con tôi đạt học sinh giỏi, được xếp hạng 20/35 của lớp.
Tôi còn chưa kịp vui mừng thì có phụ huynh nhìn sang bảng điểm của con tôi rồi bỏ nhỏ: "Trời ơi, xếp hạng 20 lận hả, chị cho bé đi học thêm đi. Môn địa lý sao có 8,4 vậy? Không học thêm là không đọ nổi với các bạn đâu. Ở đây bé nào cũng giỏi, để vào được top 5 của lớp bắt buộc phải đi học thêm, phải học "đổ mồ hôi sôi nước mắt" chứ chẳng chơi".
Phụ huynh cũng hạnh phúc
Trường chuyên thì đương nhiên có nhiều thầy cô giáo giỏi. Nhưng cái được nhất trong suốt 4 năm con tôi học THCS ở Trường Trần Đại Nghĩa không chỉ có học thuật. Không chỉ có việc thầy cô phát hiện ra sở trường của con và khuyên con nên dành tâm sức cho sở trường ấy, con tôi còn nhận được những giá trị khác từ môi trường của một trường THPT chuyên. Đó là kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng thuyết trình trước đám đông, kỹ năng hợp tác để cùng nhau phát triển…
Ở trường chuyên, đa số học sinh đều có tinh thần tự học rất cao. Vì vậy, ngoài học trên lớp với thầy cô, các cháu còn tìm kiếm những khóa học miễn phí ở trên mạng rồi giới thiệu, rủ nhau cùng học.
Ngoài những bài tập thầy cô cho, các cháu còn tự tìm thêm bài ở những nguồn khác rồi chia sẻ với nhau để cùng làm. Các cháu không chỉ học từ thầy mà còn học từ bạn. Cái gì chưa hiểu, chưa biết là nhắn tin hỏi bạn trước. Bạn không biết mới hỏi đến thầy.
Các cháu chơi với nhau, giúp đỡ nhau theo "tư duy cùng thắng": có bài nào hay, biết cái gì tốt là sẵn sàng chia sẻ với bạn chứ không giấu giếm.
Hơn thế nữa, hầu hết phụ huynh trong lớp, trong trường của con tôi cũng đều quan tâm đến việc học hành của con cái. Chúng tôi có một cộng đồng phụ huynh rất sẵn sàng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau để dạy con, hỗ trợ con học hành đạt hiệu quả cao nhất.
Em học thêm, em không
Sau khi giao lưu với các phụ huynh trong lớp, một lần nữa tôi lại ngỡ ngàng khi lớp con tôi đạt 100% học sinh giỏi. Nhiều bạn không học thêm nhưng cũng nhiều bạn học thêm đến 4-5 môn. Ngoài việc học hai buổi/ngày ở trường, có bé phải học thêm tất cả các buổi tối trong tuần, kể cả thứ bảy, chủ nhật. Từ chuyện này, có thể rút ra một điều, con em chúng ta học nặng nề hay nhẹ nhàng là do chúng ta lựa chọn. Chứ các thầy cô giáo có ép chúng ta phải đưa con mình đi học thêm đâu.
* Ông Nguyễn Văn Ngai (nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM):
Cần thận trọng đánh giá một cách khoa học
Năm 2000, khi đề xuất thành lập Trường Trần Đại Nghĩa, TP.HCM có trình bày với các cấp quản lý là xin làm thí điểm tăng cường tiếng Anh. Vì vậy, trường này mới có cả hệ THCS và THPT.
Bây giờ, trước khi quyết định giữ hay bỏ hệ THCS, tôi đề nghị cần có cuộc khảo sát khoa học, đánh giá khách quan những ưu điểm cũng như hạn chế của hệ THCS trong Trường Trần Đại Nghĩa. Từ đánh giá đó, các cấp quản lý cần tham khảo ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học để có thể có quyết định đúng đắn, hợp lòng dân.
Cá nhân tôi thì nhận định như thế này: Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đang đi đúng hướng, đào tạo hiệu quả hệ THCS - tạo nguồn cho các lớp chuyên ở bậc THPT. Đa số học sinh THCS ở Trần Đại Nghĩa đều thi đậu vào trường THPT chuyên hoặc trường THPT tốp đầu của thành phố. Các em không chỉ có kiến thức học thuật giỏi mà còn năng động, có kỹ năng mềm, giỏi ngoại ngữ, biết nghiên cứu khoa học…
Xét về mặt bằng chung thì hiện TP.HCM không có trường THCS công lập nào có những điều kiện thuận lợi để đào tạo học sinh được như Trường Trần Đại Nghĩa.
Cá nhân tôi cho rằng nên tiếp tục duy trì hệ THCS trong Trường Trần Đại Nghĩa, vì những lý do sau. Thứ nhất, đây là môi trường công lập lý tưởng, những học sinh có tố chất sẽ được phát hiện, bồi dưỡng, rèn luyện… để phát huy tối đa sở trường.
Chúng ta bỏ hệ THCS ở đây coi như tước mất cơ hội học tập trong môi trường tốt, tước mất cơ hội được khai phá tiềm năng, tạo đà phát triển của hàng ngàn học sinh thành phố.
Thứ hai, nếu có giữ hệ THCS thì Bộ, Sở GD-ĐT cũng như ban giám hiệu Trường Trần Đại Nghĩa cũng không gặp khó khăn gì trong vấn đề quản lý. Việc duy trì hệ THCS trong Trường Trần Đại Nghĩa cũng không gây cản trở sự phát triển của hệ THPT trong nhà trường cũng như các trường THPT khác. Bởi sau khi học hết lớp 9, tất cả học sinh Trần Đại Nghĩa đều phải trải qua kỳ thi tuyển vào lớp 10 như các trường THCS khác. Sở GD-ĐT cũng không dành sự ưu tiên nào cho học sinh Trần Đại Nghĩa khi tuyển sinh lớp 10.
Thứ ba, nếu muốn, TP.HCM có thể xin Bộ GD-ĐT để thực hiện cơ chế đặc thù, cho phép Trường Trần Đại Nghĩa duy trì hệ THCS, phục vụ công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố.
Bộ GD-ĐT: Đã có thông tư ban hành quy chế từ năm 2023
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 7-3, ông Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT - cho biết Luật Giáo dục 2005 đã đưa nội dung quy định trường chuyên chỉ có ở cấp THPT. Nội dung này cũng được giữ nguyên ở Luật Giáo dục 2019.
Hiện theo điều lệ trường trung học, có mô hình trường phổ thông liên cấp, nhưng đó là mô hình trường công lập không chuyên. Không có quy định nào cho phép trường phổ thông chuyên liên cấp.
Năm 2023, Bộ GD-ĐT có thông tư ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên. Các trường THPT chuyên sẽ không còn lớp không chuyên. Và đương nhiên, các lớp THCS trong các trường chuyên cũng phải ngừng tuyển sinh.
Thông tư trên ban hành 1 năm, nhưng mùa tuyển sinh đầu cấp năm trước các lớp không chuyên vẫn được thực hiện, bởi quy định nêu trong thông tư được thực hiện từ năm học tới.
Như vậy, việc duy trì hay ngừng tuyển sinh lớp 6 của Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam và Trường chuyên Trần Đại Nghĩa, ông Thành cho rằng không phải là việc bộ muốn cho phép hay không cho phép mà luật đã ban hành có hiệu lực thì phải thực thi.
Liên quan tới ý kiến của nhiều người cho rằng những thành quả của hai trường chuyên ở khối THCS là đáng để duy trì. Đây cũng là mô hình nhằm tạo nguồn cho học sinh năng khiếu ở cấp học trên, ông Nguyễn Xuân Thành bày tỏ quan điểm: Việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, tạo nguồn cho trường THPT chuyên thực chất là nhiệm vụ của tất cả các trường THCS chứ không phải chỉ là nhiệm vụ của riêng một số trường THCS có chất lượng cao.
Trên thực tế, có một số học sinh đỗ cao trong các kỳ thi, đạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và khu vực chỉ học ở các trường bình thường thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội không phát triển.
Tuy nhiên ông Thành cũng cho biết Vụ Giáo dục trung học sẽ lắng nghe ý kiến của các địa phương và tham mưu với lãnh đạo Bộ GD-ĐT để cùng với địa phương có hướng tháo gỡ vướng mắc hiện nay.
Nhiều phụ huynh và học sinh đề nghị có cơ chế đặc thù để Trường chuyên Amsterdam (Hà Nội) và Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) được tiếp tục tuyển sinh lớp 6.