Theo đó, các tàu cá ở Bình Định có chiều dài từ 15 m trở lên khi tham gia hoạt động khai thác thủy sản sẽ mang rác về tập trung tại cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan rồi mang đi xử lý.
Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định yêu cầu ban quản lý các cảng cá: Đề Gi, Tam Quan, Quy Nhơn bố trí các điểm thu gom rác thải nhựa tại cảng cá. Đồng thời, thành lập đội thu gom rác thải tàu cá trên cơ sở nguồn nhân lực của đội vệ sinh môi trường cảng cá, đảm bảo tổ chức thu gom, phân loại rác thải nhựa sinh hoạt phát sinh từ tàu cá và chuyển giao cho các cơ sở tái chế vật liệu.
Việc thực hiện tốt quy trình kiểm soát, quản lý rác thải nhựa đại dương tàu cá sẽ giúp giảm thiểu rác thải nhựa đại dương trong hoạt động khai thác thủy sản, từng bước quản lý rác thải nhựa đại dương theo tiếp cận từ đầu nguồn, thực hiện kinh tế tuần hoàn và phát triển xanh.
Mục tiêu đến năm 2030, 100% ngư dân tỉnh Bình Định khi hoạt động khai thác thủy sản trên các tàu cá được phổ biến tuyên truyền, tập huấn về quản lý, hành động giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; 100% tàu khai thác thủy sản thu gom rác thải nhựa của tàu cá mang vào bờ, tập trung tại các điểm thu gom ở cảng cá, chuyển các đơn vị có chức năng xử lý.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết: "Đây không phải là quy định mang tính chất bắt buộc, mà chỉ là mô hình thử nghiệm thí điểm. Nếu mô hình này hiệu quả sẽ tiếp tục mở rộng triển khai với các tàu cá nhỏ hơn".
Trước đó, tỉnh Bình Định tổ chức thí điểm trên 200 tàu cá ra khơi thu gom, mang rác nhựa về tập kết tại cảng cá Quy Nhơn để phục vụ tái chế. Rác nhựa do ngư dân mang từ biển về sẽ được cảng cá cân, trả tiền theo giá thị trường, sau đó chuyển đến khu nhà phân loại để ép bằng máy hiện đại.