Ngày 8.3, TAND TP.HCM tiếp tục phần xét hỏi vụ án Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng chồng là Chu Lập Cơ (68 tuổi) và các đồng phạm trong việc gây thiệt hại cho SCB.
Chu Lập Cơ bị cáo buộc đã giúp sức cho vợ là Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho SCB hơn 9.110 tỉ đồng. Do đó, bị cáo bị đề nghị truy tố về tội vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Lời khai của chồng bị cáo Trương Mỹ Lan về khối tài sản 'tỉ đô' Times Square
Đứng trước bục khai báo, Chu Lập Cơ trả lời bình tĩnh trước tòa. Chồng Trương Mỹ Lan thừa nhận hành vi như cáo trạng công bố. Theo bị cáo, việc ký các văn bản trong hồ sơ để thế chấp giúp SCB vượt qua khó khăn. Cũng theo Chu Lập Cơ, khi ở Việt Nam hay Hồng Kông, bị cáo đều có ý thức chấp hành pháp luật tốt.
"Chu Lập Cơ đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho SCB hơn 9.110 tỉ đồng, bị cáo nghĩ gì?", chủ tọa hỏi.
"Tôi muốn nói rằng, việc ký hồ sơ là vi phạm, sau việc làm này tôi đã trở thành tội phạm. Bây giờ tôi mới biết được hành vi của tôi, trước đây tôi không ý thức được. Tôi có khắc phục hậu quả", Chu Lập Cơ thừa nhận.
Theo cáo trạng, Chu Lập Cơ, là cổ đông chính (có hơn 99% cổ phần), giữ vai trò quyết định cao nhất tại Công ty cổ phần đầu tư Times Square Việt Nam (Q.1, TP.HCM). Chu Lập Cơ bị cáo buộc giúp vợ là Trương Mỹ Lan "rút ruột" SCB, gây thiệt hại hơn 9.110 tỉ đồng.
Năm 2012, để lập hồ sơ vay vốn tại SCB nhằm cơ cấu các khoản nợ xấu sau khi hợp nhất 3 ngân hàng thành SCB (mới), Trương Mỹ Lan đã trao đổi, thống nhất với chồng là Chu Lập Cơ và lãnh đạo SCB về việc sử dụng tài sản dự án Times Square của Công ty cổ phần đầu tư Times Square Việt Nam (tại đường Nguyễn Huệ, đường Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM và quyền tài sản có liên quan) để đảm bảo cho các khoản vay.
Thực hiện theo chỉ đạo của vợ, Chu Lập Cơ đã ký biên bản họp đại hội đồng cổ đông cuối năm 2012, quyết định năm 2012 của đại hội đồng cổ đông, biên bản họp hội đồng quản trị của Công ty cổ phần đầu tư Times Square Việt Nam, chấp thuận thế chấp tài sản của công ty bảo lãnh nợ vay cho các cá nhân, tổ chức do Lan chỉ đạo.
Sau khi có tài sản đảm bảo để vay vốn, Trương Mỹ Lan chỉ đạo các cá nhân tại SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty cổ phần đầu tư Times Square Việt Nam lập các hồ sơ vay vốn "khống"; nhờ người đứng tên các khoản vay và ký "khống" hồ sơ, thủ tục vay vốn.
Bằng phương thức trên, từ tháng 12.2012 đến tháng 12.2014, Chu Lập Cơ đã giúp cho vợ hợp thức hóa hồ sơ vay vốn "khống" để giải ngân số tiền vay tại SCB cho 73 khoản vay của 67 khách hàng, tổng số tiền giải ngân hơn 29.440 tỉ đồng, thời hạn vay vốn 5 năm. Toàn bộ số tiền vay vốn được sử dụng cho mục đích riêng của Trương Mỹ Lan.
Cựu Phó chánh Thanh tra rơi nước mắt trong vụ án Trương Mỹ Lan
Đến năm 2017, do phương án vay vốn là lập "khống", khoản vay chỉ dùng trả nợ xấu, không có nguồn để thu hồi gốc, lãi nên các khoản nợ đến hạn nhưng không thể trả được. Trương Mỹ Lan thuyết phục chồng ký biên bản họp hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư Times Square Việt Nam năm 2017 tiếp tục sử dụng tài sản của công ty này để thế chấp đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ vay cho 54 khách hàng đang vay vốn tại SCB, nhằm gia hạn nợ, tổng dư nợ được đảm bảo hơn 35.500 tỉ đồng.
Tính đến tháng 10.2022, tổng nghĩa vụ các khoản nợ do Chu Lập Cơ ký hợp thức thủ tục còn 46 khoản vay với dư nợ gốc hơn 19.550 tỉ đồng; nợ lãi hơn 19.660 tỉ đồng; tổng cộng dư nợ hơn 39.200 tỉ đồng.
Sau khi đối trừ giá trị tài sản bảo đảm của các khoản vay mà Chu Lập Cơ đã ký các tài liệu để hợp thức thủ tục vay vốn nêu trên hơn 30.100 tỉ đồng, bị cáo đã giúp sức cho vợ gây thiệt hại cho SCB hơn 9.110 tỉ đồng.
Vụ án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát được xác định có thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay với tổng thiệt hại của SCB khoảng 498.000 tỉ đồng.
Xem nhanh 20h ngày 8.3: Chuyện lạ trong vụ án Trương Mỹ Lan