Khó quên nhất chính là những ngày "nội bất xuất, ngoại bất nhập", "ai ở đâu ở yên đó" nhưng xã hội vẫn bừng lên biết bao tình yêu thương sẻ chia...
1. Vào thời điểm cam go nhất của đại dịch (từ tháng 7 đến tháng 10-2021), tôi ở lại nhà thuộc đường 11, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức. Căn nhà nằm bên trong dãy trọ gần 20 căn, đa số là người miền Tây và miền Trung thuê.
Họ làm công nhân, nghề tự do, xe ôm công nghệ... Phòng trọ nhỏ xíu nhưng có những gia đình có tới 5-6 người ở chen chúc. Do vậy, dịch bệnh càng khiến nỗi lo của mọi người hằn trên khuôn mặt vốn khắc khổ càng thêm nặng nề.
Tôi may mắn hơn khi được giao trông coi căn nhà nên ở một mình, khá an toàn. Bà Lợi ở phía sau nhà tôi có mấy đứa cháu nhỏ, ngày nào cũng nghe bà thở dài thườn thượt: "Rủi đổ bệnh, có bề nào, không biết sao chăm mấy đứa cháu...".
Con gái bà, có người đi lao động ở Malaysia, người làm ở Bà Rịa - Vũng Tàu, do dịch bệnh không thể về. Họ tha phương cầu thực nên gửi con cho bà chăm, bà Lợi nhờ đó cũng có đồng ra đồng vô.
Thành phố giãn cách xã hội, mọi người nháo nhào. Chị Gái ở đầu dãy trọ, quê ở Phú Yên, than thở "không biết khi nào mới bình thường trở lại, gia đình tui kiếm ăn từng bữa mà vậy thì khó quá, muốn về quê cũng không được".
Tôi nghe mà cảm thấy thực sự xót cho hoàn cảnh của chị - người phụ nữ làm nghề ve chai, chỉ mới ngoài 40 nhưng nom như ngoài 50 tuổi. "Tui làm lụng cực khổ quá nên già trước tuổi", chị nói.
Nhìn cảnh bà con xóm trọ khó khăn, tôi nảy ra ý tưởng kêu gọi những người bạn, người thân quen của mình chung tay thực hiện chương trình "Tình người nơi xóm trọ".
Nghĩ là làm, dù biết ngay lúc dịch ai cũng khó khăn, nhưng với kinh nghiệm tổ chức nhiều chương trình từ thiện, tôi tin "năng lực" sẻ chia của người Việt nói chung và những người thân thương của mình ở TP.HCM nói riêng.
Một lá thư ngỏ được gửi đi, tôi kể về thực trạng xóm trọ nghèo của mình và mong muốn trao hơn 100 phần quà cho bà con nơi đây.
"Họ bình thường đã chạy ăn từng bữa, chắt chiu từng đồng tiền kiếm được từ đồng lương công nhân ít ỏi hay từ món tiền bé mọn nhờ nhặt ve chai, nay dịch giã càng trở nên khó khăn hơn" - tôi viết.
Và thật bất ngờ, chỉ chưa đầy một tuần, số tiền gần 50 triệu đồng cho chương trình này cũng đủ, có lẽ hoàn cảnh của bà con xóm trọ chạm đến trái tim nhiều người.
Tôi tất tả cùng mấy chủ trọ trong khu mình ở liên hệ mua gạo, mì, các nhu yếu phẩm và phân chia ra để bà con có cái ăn tạm thời, yên tâm và nghiêm túc thực hiện lệnh giãn cách cùng các nguyên tắc ở yên bấy giờ.
2. Nhưng dịch không dừng lại ở đó. Bệnh tiếp tục lây lan trong cộng đồng. Cuộc giãn cách theo đó cũng được kéo dài theo, hết hai tuần lại thêm hai tuần nữa... Mọi người từ chỗ lo lắng đến sợ hãi, nhất là khi trong xóm có người đi cách ly do dính vi rút, sau đó đã không qua khỏi.
Mọi người vẫn ở yên, dù sợ vẫn trấn an nhau. "Tình người nơi xóm trọ" của tôi khởi xướng theo đó cũng tiếp tục việc sẻ chia, nở ra ngày một rộng hơn khiến cả xóm trọ cũng bất ngờ. Tôi chia sẻ thêm hình ảnh xóm trọ, những câu chuyện nhỏ đầy tích cực lên mạng và như bắt được "sóng" sẻ chia ở nhiều người khác.
Một sư cô ở quận Bình Thạnh nhắn: "Chỗ cậu có bao nhiêu người, cô đang nhận rau củ quả từ một ngôi chùa ở Đà Lạt tiếp tế cho bà con. Cậu cho số lượng để mỗi đợt ra về cô chuyển xuống cho bà con nhé".
Tôi nghe xong, xúc động, lan tin vui đó cho bà con qua nhóm chat "Xóm trọ yêu thương". Mọi người "thả tim", tôi đăng hình ảnh nhận rau của bà con lên trang mạng xã hội thì lại nhận cuộc gọi của những người anh người chị khác. "Ôi, xóm trọ của em nhìn thương quá, thiếu gì nhắn anh/chị nha. Bên anh/chị có gì cũng sẽ chia sẻ cùng em".
Cứ thế, những món quà bất ngờ tôi được những người thân thương, quý mến chủ động gieo duyên trong tinh thần cùng làm việc tốt dù nhỏ cho cuộc chiến với COVID-19.
Cuối cùng, sau bốn tháng ròng rã giãn cách xã hội, ngay ngày cuối tháng 9-2021, mọi người được nới lỏng với chủ trương mới trong chống dịch.
Tôi tổng kết chương trình của mình đã nhận được hàng chục tấn gạo, mì, rau củ quả, nhu yếu phẩm rải rác suốt mùa dịch, không thể kể hết. Mọi người trong xóm trọ không ai thiếu ăn. Còn người thì còn có thể tạo ra của cải, ai cũng vui mừng.
3. Nhớ lại trước đó, tôi mở cửa quán cà phê nho nhỏ của mình ở đường Trần Quý Cáp (quận Bình Thạnh). Chiếc quán là tâm huyết của tôi với một người bạn giáo viên, vừa mở bán mang đi được bảy ngày thì nhận lệnh "giãn cách xã hội" toàn thành.
Tôi cứ ngỡ chỉ thời gian ngắn sau là lại bình thường, ai ngờ thời gian ấy đằng đẵng đến bốn tháng. Dù được hỗ trợ một phần tiền mặt bằng từ chủ thuê nhưng tôi và bạn vẫn phải bù lỗ không ít để duy trì quán với hy vọng sớm mở cửa, sớm bình thường.
Ngày đầu tiên tôi mở cửa tiệm trở lại, một ý tưởng chung của cả tôi và bạn chính là nơi đây ngoài là một điểm kinh doanh, gặp gỡ bạn bè thì còn là chốn gieo những hạt lành dù bé.
Tôi tiến hành ngay hai việc, đó là để bình nước lọc miễn phí suốt cả ngày ngay trước tiệm cho bất kỳ ai lỡ đường cũng đều được giải khát và tổ chức thùng bánh mì 0 đồng cho các cô chú khó khăn, những người yếu thế hơn sau những ngày kinh khủng của dịch bệnh.
"Mình khó khăn khi mở quán - trúng ngay thời điểm dịch - nhưng may mắn mình vẫn còn công việc khác. Nhiều bà con nghèo vốn khó khăn nay chắc chắn khó hơn, mình giúp được gì thì sẵn sàng giúp", bạn tôi nói. Khi khởi tâm ấy, chúng tôi cũng ngay lập tức nhận được đồng hành.
"Em sẽ phụ anh lấy bánh giá rẻ và duy trì ủng hộ mỗi ngày vài chục ổ nữa nha", một người em làm giáo viên ở quận Gò Vấp tha thiết.
Niềm vui của chúng tôi từ đó không phải chỉ là có khách ghé mua cà phê mang đi, rồi sau đó ngồi lại ủng hộ mà còn là những nụ cười của những cô chú ghé lấy 1-2 ổ bánh mì 0 đồng hay dừng lại rót đầy chai nước trong cơn nắng khát giữa thành phố.
4. Tôi vẫn xúc động với hình ảnh một người nghèo mua giúp người già bán vé số, hay lời nhắc "quên đá chân chống xe" của ai đó khi vô tình ngang qua một người lạ. Có những hình ảnh khiến mình ám ảnh mãi vì sự khốc liệt của dịch bệnh, nhưng rồi những nỗi đau ấy cũng dần phai nhạt, những vết thương lành lại nhờ chính yêu thương, chia sẻ của cộng đồng.
Rất nhiều người làm âm thầm, giống như anh đồng nghiệp của tôi, mỗi tháng không định kỳ vẫn đến thăm những em bé mồ côi do bố mẹ không qua khỏi sau "cơn lốc" COVID-19. Khi thì ít gạo, sữa, đường, bột ngọt, lúc là chút tiền bảo gửi cho người thân các con...
Có lẽ những câu chuyện như vậy ở thành phố này viết mãi vẫn không hết vì nó như những ngọn nến lấp lánh, người này làm và lan truyền cho người kia, để tình yêu thương mãi tiếp nối...
Tử tế, nghĩa tình, đầy hào hiệp chính là đặc tính của đất và người nơi đây. Hơn 20 năm ở thành phố này, tôi cảm nhận sâu sắc điều đó.
Người dân giản dị trong cách sống nhưng luôn sẵn lòng mở cánh tay với người khác, nhất là người khó khăn hơn. Còn rất nhiều câu chuyện về sự sẻ chia mà mỗi người dù sinh ra ở đây hay có duyên học hành, làm việc tại nơi này đều có thể là chứng nhân hoặc được thọ nhận.
-----------------------
Kỷ niệm ông nhớ mãi là một sinh viên nhờ chuyển trọ qua quận 7. Em xúc động cảm ơn: "Con học ở đây nè, mai mốt ra trường đi làm có tiền con quay lại giúp đỡ cho chú". Không trông đợi gì nhưng ông cảm động: "Tội nghiệp, bé sinh viên thấy mình chở hai lần là giúp nó nhiều quá".
Kỳ tới: Những chuyến xe chở đầy yêu thương
Cưu mang các mẹ bầu đơn thân vào những tháng cuối thai kỳ đến khi sinh nở, mái ấm Thiện Nhi (TP Thủ Đức, TP.HCM) còn chăm sóc cả mẹ và bé sau đó, đồng thời tạo điều kiện cho các mẹ đi học nghề, có công việc ổn định để nuôi con.