Rạng sáng 24/5/1987, tại Toronto, Canada, nam công nhân điện tử 23 tuổi Kenneth Parks đã ngủ quên trên ghế sofa trong nhà khi đang xem tivi.
Khi mở mắt ra, bên ngoài vẫn còn tối, Kenneth thấy đang đứng ở một ngôi nhà khác. Anh ta có một con dao trong tay. Mẹ vợ đang chết trước mặt.
Kenneth không còn nhớ gì về những gì vừa xảy ra hoặc làm thế nào có thể đi được quãng đường 14 dặm đến nhà bố mẹ vợ. Tất cả những gì anh ta thấy là máu trên quần áo của mình. Trong trạng thái bàng hoàng, Kenneth bỏ chạy và lái xe đến đồn cảnh sát gần nhất và đến nơi với câu nói lạnh lùng: "Tôi nghĩ tôi đã giết một số người."
Sự kiện đêm đó đã thu hút sự chú ý của các nhà tội phạm học trong nhiều thập kỷ. Nhưng sự thật là điều không thể chối cãi. Bố vợ của Kenneth bị siết cổ bất tỉnh và vẫn sống sót. Mẹ vợ anh bị đâm 5 nhát, tử vong tại hiện trường.
Kenneth Parks bị thẩm vấn bảy lần nhưng lời khai vẫn nhất quán. Anh ta không có ký ức về những gì đã xảy ra; không có động cơ giết bố mẹ vợ. Lúc trước anh ta đang ngủ quên, lúc sau lại phạm tội giết người.
Bất chấp mọi bằng chứng cho thấy anh ta đã phạm tội, Kenneth Parks vẫn không bị tội giết người. Cách bào chữa của anh ta việc mộng du hay chứng bất loạn thần vô thức, nên được coi là một giai đoạn chứng mộng du. Kenneth được tuyên trắng án, trở lại cuộc sống bình thường và có sáu người con.
Gần hai thập kỷ sau, vào năm 2006, Kenneth Parks một lần nữa lại xuất hiện trên trang nhất của các tin tức quốc gia. Ông đang tranh cử để trở thành ủy viên quản trị của trường trung học địa phương. Không có gì ngạc nhiên, ông bị mọi người đả kích kịch liệt. Dù được tuyên vô tội, ký ức kinh hoàng của người Toronto về đêm tháng 5/1978 vẫn ám ảnh họ. Trong phán xét xã hội, ông vẫn là kẻ ác.
Mọi người bắt đầu lật lại câu hỏi, liệu có phải Kenneth Parks đã sử dụng biện pháp bào chữa mộng du để thoát khỏi vụ giết người hoàn hảo không? Và nếu bạn giết người khi mộng du, bạn có tội hay không có tội? Nếu bạn mở mắt nhưng não vẫn đang ngủ, bạn có được coi là cố ý phạm tội hay không?
Dù mộng du có phải là sự che đậy hoàn hảo cho một vụ giết người hay không, Kenneth Parks không phải người đầu tiên sử dụng nó để bào chữa cho mình.
Tháng 1/1859, Esther Griggs, một phụ nữ London (Anh) bị buộc tội ném con qua cửa sổ và hét lên: "Cứu các con tôi!" trong khi hai con còn lại của cô nằm trên giường.
Griggs khai mơ thấy ngôi nhà của mình bị cháy và đang cố gắng cứu đứa con trai bé bỏng của mình bằng cách ném nó ra ngoài cửa sổ. Tòa án tin rằng cô ấy đang ngủ vào thời điểm xảy ra án mạng nên không phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Esther Griggs, giống như Kenneth Parks, được tuyên trắng án.
Hai thập kỷ sau, vào ngày 9/4/1878, Simon Fraser sống ở Glasgow (Scotland) đang ngủ, ra khỏi giường và bế con trai 18 tháng tuổi, đập đầu cậu bé vào tường. Anh ta không phủ nhận những gì mình đã làm nhưng khai bị ác mộng rằng gia đình bị thú dữ đột nhập nên tìm cách chống trả. Khi tỉnh dậy, Fraser thấy mình thực tế lại khác.
Tại phiên tòa, người bào chữa đã chứng minh rằng thân chủ có tiền sử lâu dài về chứng sợ hãi ban đêm và mộng du bạo lực, bao gồm cả việc cố gắng bóp cổ em gái. Vụ án chống lại Fraser đã được tòa án bác bỏ. Nhưng nó đi kèm với một điều kiện: Anh ta phải ngủ một mình trong căn phòng khóa kín suốt đời.
Tại sao có hiện tượng "giết người mộng du"?
Nhà thần kinh học và chuyên gia về rối loạn giấc ngủ, tiến sĩ Guy Leschziner, Bệnh viện OneWelbeck, Bệnh viện Guy và Bệnh viện St Thomas (London, Anh), cho rằng khái niệm ngủ hay thức không hoàn toàn đại diện cho thực tế.
Theo ông, để hiểu điều này có thể xảy ra như thế nào, giải quyết một hiện tượng gọi là "giấc ngủ cục bộ". Hầu hết chúng ta nghĩ rằng tỉnh táo có nghĩa là bộ não của chúng ta hoàn toàn tỉnh táo. Nhưng thực tế, những vùng nhỏ trong não của chúng ta liên tục chìm vào giấc ngủ. Cảm giác tỉnh táo và có vẻ tỉnh táo không phải lúc nào cũng có nghĩa là bộ não của chúng ta đang hoạt động".
Theo ông, có bằng chứng rất rõ ràng rằng khi mộng du các phần não chịu trách nhiệm về cảm xúc, chuyển động và thị giác "thức". Trong khi các phần não chịu trách nhiệm về suy nghĩ lý trí và trí nhớ lại "ngủ".
Các nhà khoa học cho rằng, mộng du là sự kết hợp giữa chứng rối loạn giấc ngủ và bệnh thần kinh thoái hóa, bao gồm bệnh Parkinson, sa sút trí tuệ, nhiều chứng teo cơ. Căng thẳng, thiếu ngủ, ma túy, dùng nhiều loại thuốc... đều làm tăng nguy cơ bị rối loạn giấc ngủ, nguyên nhân dẫn đến chứng mộng du. Nếu để lâu, tình trạng này càng ngày càng nặng và người bị mộng du sẽ ngày càng có những hành vi bạo lực hơn, gây nguy hiểm tính mạng.
Các nhà nghiên cứu cũng giải thích, nguyên nhân của chứng mộng du có một phần yếu tố của gene di truyền, một phần có ý định bạo lực ngoài đời thực. Đây là điều nguy hiểm. Chứng mộng du chứa đựng rất nhiều bí ẩn nên đến nay con người chưa hiểu hết, vì vậy hiệu quả điều trị còn hạn chế.
Tờ The Sleep Charity cho rằng có tới 40% dân số Anh gặp vấn đề về giấc ngủ; 22% bị mộng du, thường xuyên đi bộ với đôi mắt mở.
Hầu hết chúng ta sẽ không nhớ mình đã làm như vậy sau khi bị người khác đánh thức và cũng có thể bối rối, thậm chí hung hăng. Những người mộng du phạm tội có thể viện dẫn tiền sử gia đình mắc chứng rối loạn hành vi và có quyền làm như vậy: Mộng du có thể di truyền trong gia đình.
Một số cơ quan tố tụng cho hay xét xử những người mắc chứng mộng du rất phức tạp. Có tội hay vô tội, không phải lúc nào cũng có thể nói rõ ràng. Mặc dù vậy, có một số cách để nhà chức trách có thể nhìn nhận vấn đề tốt hơn khi đưa ra phán quyết: Bị cáo có tiền sử mộng du không? Gia đình có ai bị chứng này? Hành vi của bị cáo có phù hợp với chứng mộng du không?
Theo chuyên gia pháp y, cách duy nhất để chắc chắn tuyệt đối rằng một hành động cụ thể đã được thực hiện trong giai đoạn mộng du, là gắn các điện cực vào cá nhân đó khi họ thực hiện hành động đó. Và điều này chắc chắn bất khả thi trong xét xử.
Vin vào chứng mộng du, nhiều kẻ giết người đã dùng nó để làm lá chắn trước tòa. Vụ án của Scott Falater ở Arizona (Mỹ) đâm vợ 44 nhát là ví dụ.
Luật sư của Scott cho rằng thân chủ bị chứng mộng du, song hàng xóm đã làm chứng, nhìn thấy Scott vừa hành động, vừa suỵt chó lặng im. Bồi thẩm đoàn coi đây là bằng chứng về ý thức và ý định giết người và tuyên bị cáo tội Giết người cấp độ một, án chung thân không ân xá.
Trong phiên tòa, hai trong số các chuyên gia về giấc ngủ hàng đầu thế giới vào thời điểm đó, đã làm chứng tại phiên tòa xét xử rằng để người mộng du thực hiện nhiều hành động cụ thể và phức tạp như Scott, bao gồm phạm tội bạo lực, che giấu bằng chứng và thay quần áo, là điều rất bất thường.
Bởi các nhà pháp y và chuyên gia tâm thần học đánh giá, người bị mộng du không nhận thức rõ cảnh vật, âm thanh, mùi vị, thậm chí là cảm giác đau đớn. Khi một người bị mộng du, những người khác thường không đánh thức được họ. Ngược lại, việc đánh thức có thể gây ra những phản ứng bạo lực trở lại.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng có nhiều cách để ngăn chặn mộng du, như duy trì lối sống tích cực, năng vận động, tránh dùng các chất kích thích như cà phê và rượu trước khi ngủ, không ăn quá gần giờ đi ngủ. Mỗi ngày nên duy trì giấc ngủ tốt cả về thời lượng và chất lượng, kể cả giấc ngủ trưa.
Hải Thư (Theo Guardian, Science Direct, Expert Court Reports)
Xem thêm: lmth.9130274-ud-gnom-ihk-iougn-teig-gnout-neih-na-ib/ten.sserpxenv