vĐồng tin tức tài chính 365

Thành phố dễ thương - Kỳ cuối: Hãy nhặt rác và gieo mầm xanh cho ngày mai

2024-03-12 10:52
Các bạn trong nhóm “Thực hành sống xanh” đi nhặt rác, thả cá - Ảnh: T.KHÔI

Các bạn trong nhóm “Thực hành sống xanh” đi nhặt rác, thả cá - Ảnh: T.KHÔI

Và cả những người lặng lẽ đi trồng cây, gieo mầm xanh cho ngày mai...

Từ lúc thực hành sống xanh, tôi và các bạn đã phối hợp với nhiều trường học, công sở đi gieo kiến thức và giá trị của bảo vệ môi trường.
NGUYỄN BÁ HỘI

Thực hành sống xanh

Là một người có tình yêu đặc biệt với môi trường, Nguyễn Bá Hội cho biết từ thời sinh viên đã có gắn bó với các hoạt động thiện nguyện liên quan đến lĩnh vực này.

Chàng trai 8X quê Phú Yên vào TP.HCM học nhân văn, khoa xã hội học 20 năm trước đã tâm niệm: "Môi trường gắn bó và quyết định đến chất lượng sống của con người cũng như bộ mặt của một đất nước, một địa phương. Nếu cứ ồ ạt mở ra những khu công nghiệp mà không xử lý nước thải, rác thải tốt thì người dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sức khỏe của nền kinh tế vì thế cũng sẽ èo uột theo sự èo uột của sức khỏe người dân".

Sau khi ra trường, Hội trở thành viên chức của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, anh càng hiểu sâu hơn những tác động tiêu cực của lối sống thiếu hiểu biết về bảo vệ môi trường sống từ việc rất nhỏ của người dân.

"Tôi cảm thấy buồn vì dù đã được tuyên truyền sâu rộng về việc bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi nhưng rác vẫn xuất hiện ở nhiều nơi trong thành phố. Từ đường sá đến công viên, kênh rạch đến chốn công cộng, chỉ cần có người tập trung sinh hoạt, vui chơi, hội hè là rác thải lại xuất hiện tràn lan", Hội bức xúc.

Thậm chí, có người đi ô tô sang trọng nhưng vẫn kéo cửa, bỏ rác ra giữa đường phố khi xe đang chạy.

Đó chỉ là chuyện nhỏ, có một số vụ việc các công ty sản xuất, gia công... đặt nhà máy ở Việt Nam cũng không tuân thủ các quy định, cam kết bảo vệ môi trường, xả thải trực tiếp ra sông hồ, ra biển...

"Và chúng ta đã từng chứng kiến nhiều vụ xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở nước ta, thực sự rất đau xót", Bá Hội trăn trở.

Chính vì thương và đau với nhiều hình ảnh xấu xí liên quan tới môi trường, trong đó có hình ảnh rác thải bị người dân vô tư quăng xuống đường, xuống kênh rạch... nên Hội quyết định lập nhóm "Thực hành sống xanh".

Một bàn tay sẽ vỗ không kêu to, do vậy Hội muốn có thêm nhiều người tham gia, làm những việc nhỏ cũng được nhưng có thể lan tỏa được ý thức bảo vệ môi trường, sống xanh - sạch của người dân thành phố.

Nhóm của Bá Hội ra đời đến nay hơn năm năm, và trưởng nhóm cùng các thành viên vẫn duy trì việc tự nguyện đi nhặt rác ở những nơi công cộng, thả các loài thủy sinh ra môi trường phù hợp.

Cá nhân Hội thì miệt mài đi chia sẻ các kỹ năng phân loại rác đầu nguồn, tặng thùng rác cho nhiều đơn vị, địa phương thông qua hoạt động vì môi trường được anh kết nối.

"Từ lúc thực hành sống xanh, tôi và các bạn đã phối hợp với nhiều trường học, công sở đi gieo kiến thức và giá trị của bảo vệ môi trường. Đồng thời, kết hợp một số địa phương thực hàng chục đợt hướng dẫn sống xanh, phân loại rác, giảm thải rác thải nhựa... cho người dân", Bá Hội cho biết.

Những dịp như vậy, Hội và nhóm của mình lồng ghép tặng thùng rác nhựa để người dân, khu phố mỗi nơi anh đến được thắp lên ý thức sống xanh cũng là sống lương thiện.

Theo anh, các hoạt động của nhóm đã tặng hàng trăm thùng rác đến nhiều đơn vị thuộc các quận huyện trong thành phố, thậm chí các tỉnh.

"Tất cả việc làm của chúng tôi không ngoài mục đích, qua hình ảnh nhặt rác mọi người dừng xả rác; qua những thùng rác nhựa trao đi, mọi người ý thức giữ gìn môi trường xanh, lành từ thay đổi hành vi đối với rác thải như phân loại, tái chế, dừng bỏ rác bừa bãi...

Tiếng chuông nhỏ hy vọng đánh thức lòng người", trưởng nhóm "Thực hành sống xanh" bày tỏ.

Nhóm Vicaris do Tuệ Đạt đi trồng cây, gieo hạt mầm xanh bền vững - Ảnh: T.KHÔI

Nhóm Vicaris do Tuệ Đạt đi trồng cây, gieo hạt mầm xanh bền vững - Ảnh: T.KHÔI

Đi trồng cây, gieo yêu thương

"Mỗi lần dẫn các bạn trẻ tình nguyện viên từ TP.HCM đi trồng cây ở đâu đó, tôi rất hoan hỷ". Đó là chia sẻ của sa di Thích Tuệ Đạt, tu sĩ tại chùa Khánh An (quận 12, TP.HCM).

Là đệ tử của thượng tọa Thích Trí Chơn, ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trưởng Ban văn hóa Phật giáo TP.HCM, nên chú Tuệ Đạt thấm nhuần lời dạy của thầy mình, "thiên nhiên, đất mẹ cũng là vị Bồ tát, luôn chở che cho con người bằng tình thương vô tư".

"Thầy vẫn thường dạy huynh đệ chúng tôi tôn trọng đất mẹ, biết ơn môi trường, bởi mỗi hơi thở của mình, mỗi ngụm nước uống hay chén trà trong tay nhỏ đầy nâng niu đều từ đất mẹ, từ biển khơi biểu hiện", Tuệ Đạt chia sẻ.

Nhận vai trò truyền thông cho các hoạt động thiện nguyện của Vicaris - một tổ chức hướng về môi trường, giáo dục - do những người trẻ thành lập dưới dạng một doanh nghiệp xã hội, Tuệ Đạt càng ý thức hơn tới việc tổ chức các hoạt động cho tình nguyện viên trẻ, thực hành sống xanh.

Trước Tết Giáp Thìn vài tháng, Tuệ Đạt đã hướng dẫn các bạn trẻ đi Đồng Nai, trồng cây chiên đàn tại một tịnh thất. "Loài cây này vừa có giá trị văn hóa, kinh tế, vừa mang thông điệp sống gần gũi thiên nhiên mà Đức Phật đã dạy hơn hai lăm thế kỷ trước", Tuệ Đạt cho biết.

Theo chú, những sự kiện quan trọng của Đức Phật đều diễn ra ở bên cây và rừng cây, từ hạ sinh, giác ngộ, đến nhập Niết bàn...

Cây nuôi người và cũng tiễn người, ngay cả những thanh gỗ cùng người nằm xuống. Nhà tu hành luôn suy nghiệm sâu sắc và truyền được thông điệp ý nhị cho những người trẻ sống xanh.

Có mặt trong vài chuyến đi trồng cây do Tuệ Đạt hướng dẫn, bạn Ngô Nhật Nam chia sẻ "thực sự tôi cảm thấy rất thú vị, hoạt động đó nuôi lớn tình yêu thiên nhiên trong tôi".

Nam cho biết điều quan trọng nhất mà bạn nhận về chính là chỉ cần mỗi người trồng một cái cây, biết thương cây, biết ơn cây thì cả người ấy và đất mẹ đều tăng thêm hạnh phúc.

Trong khi đó, là thành viên mới của Vicaris, bạn Tâm An Hòa tâm đắc: "Khi trồng một cái cây, ngoài ý niệm gieo màu xanh cho đất mẹ ta cần phải biết cách trồng. Nếu không biết cách trồng, ta có thể sẽ tháo mạnh tay và làm bể bầu. Mất đi lớp đất nuôi cây từ bầu mẹ, có thể cây sẽ chết trước khi kịp bén rễ vào đất mới".

Từ suy nghĩ đó, Tâm An Hòa còn liên tưởng đến việc bước ra ngoài xã hội. "Trước khi bước ra ngoài xã hội, tôi nghĩ mỗi người luôn cần vòng tay ấm áp của gia đình, nơi mình cắm chiếc rễ đầu tiên cho sự sống. Nếu thiếu gia đình - tổ ấm, thì ta sẽ khó sống trong xã hội rộng lớn ngoài kia chứ đừng nói tới trở thành "cây cao bóng cả"".

Tuệ Đạt giải thích trồng cây, mình cũng cần hiểu chế độ phân, nước, tỉa cành, chăm sóc của từng loại. Có những loại cây phải đục, đẽo, khoan, cắt... thì mới tạo ra giá trị, như dó bầu - trầm hương, bonsai...

Và cũng có những cây cần dìu, đỡ để sum suê, cho hoa, kết trái. Với mỗi người ta cũng cần hiểu "đặc tính" của họ để thương và chăm sóc đúng cách, để chấp nhận và tịnh tiến trên đường vui, để tránh vì thương mà hại.

Thực ra có những loại cây cần tưới nước mỗi ngày nhưng cũng có loại không cần hoặc ít thôi, tuần 1 - 2 lần. Hiểu và thương vì thế không thể tách rời. Đó cũng là thông điệp quan trọng các tình nguyện viên nhận về từ từng chương trình thiện nguyện do nhà sư trẻ này tổ chức.

Mỗi chuyến đi về với môi trường hay người khó khăn, gieo mầm xanh hay gieo hy vọng, đối với vị tu sĩ trẻ quê Đắk Lắk, có duyên gắn bó với ngôi chùa bình an ở quận 12, TP.HCM ấy đều tràn đầy hoan hỷ. "Để thành phố này đẹp hơn, cần những tâm hồn đẹp của mỗi người dân", Tuệ Đạt tâm sự.

Cuộc sống dễ chịu biết bao khi người với người sống để thương nhau và biết ơn, biết gìn giữ, vun tốt tươi thêm môi trường mình sống...

Thành phố dễ thương - Kỳ 9: Nơi thắp lên niềm tin và hy vọngThành phố dễ thương - Kỳ 9: Nơi thắp lên niềm tin và hy vọng

Là nơi trú ngụ cho những bà mẹ đơn thân và trẻ bị ảnh hưởng hoặc sống chung với HIV/AIDS, mái ấm Mai Tâm luôn hướng đến giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt tìm lại được hy vọng và niềm tin.

Xem thêm: mth.75804013211304202-iam-yagn-ohc-hnax-mam-oeig-av-car-tahn-yah-iouc-yk-gnouht-ed-ohp-hnaht/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thành phố dễ thương - Kỳ cuối: Hãy nhặt rác và gieo mầm xanh cho ngày mai”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools