Đã từng có lúc các CEO công ty Mỹ coi Trung Quốc là mảnh đất nhiều cơ hội. Tuy nhiên, thời kỳ đó dường như đã trở thành “quá khứ”.
Sau nhiều năm tăng trưởng mạnh mẽ, một số tập đoàn công nghệ hùng mạnh nhất nước Mỹ đã bắt đầu “mất phong độ” tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh các công ty trong nước đã dần trở thành những lựa chọn thay thế khả thi. Và tất cả đã tạo nên một cuộc đua mất cân bằng khi lấy lòng người tiêu dùng.
Không có gì ngạc nhiên khi các công ty Mỹ từng coi Trung Quốc là “miền đất hứa” lại nhận về những kết quả “không ngờ” khi kinh doanh tại quốc gia tỷ dân.
Cuộc chiến giành ưu thế về công nghệ
Để biết các công ty Mỹ đang gặp khó khăn như thế nào ở Trung Quốc, lĩnh vực công nghệ chính là ví dụ, theo Business Insider.
Apple đang phải vật lộn để đưa iPhone dòng mới đến tay người tiêu dùng Trung Quốc, với dữ liệu từ Counterpoint Research cho thấy doanh số bán hàng đã giảm mạnh 24% trong sáu tuần đầu năm.
Trong khi đó, lượng xuất xưởng từ nhà máy ở Thượng Hải của Tesla cũng sụt giảm mạnh vào tháng trước, với 60.365 xe được xuất xưởng. Con số này giảm 16% so với lượng xuất xưởng trong tháng 1 và thấp hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Hiệp hội ô tô Trung Quốc.
Điều này có lẽ không gây ra biến động ngay lập tức. Doanh thu ròng của Apple tại Trung Quốc có thể đã giảm 13% trong ba tháng cuối năm 2023 so với năm trước, nhưng họ vẫn tạo ra doanh thu 20,8 tỷ USD. Và Tesla không phải công ty xe điện duy nhất gặp phải tình trạng doanh số bán hàng sụt giảm.
Tuy nhiên thực trạng này đã báo hiệu một sự trượt dốc thực sự đối với hai công ty lớn nhất của Mỹ tại thị trường Trung Quốc.
“iPhone, Tesla lo lắng” - Sản phẩm nội địa Trung sẽ ngày một tăng tốc
Trong trường hợp của Apple, ông Gene Munster, chuyên gia tại Deepwater Asset Management lý giải sự sụt giảm có liên quan đến việc “các sản phẩm của Mỹ không còn được ưa chuộng ở Trung Quốc nữa”.
Năm ngoái, báo chí phương Tây cho hay nhân viên trong các cơ quan chính phủ Trung Quốc được khuyến cáo không sử dụng iPhone cũng như không mang iPhone đến nơi làm việc. Thông tin này đã “xóa sạch” 200 tỷ USD khỏi vốn hóa của Apple.
Lệnh cấm này trùng với thời điểm ra mắt sản phẩm Mate 60 Pro của Huawei, một điện thoại thông minh 5G sản xuất trong nước được nhiều người coi là thiết bị đột phá sánh ngang với các tính năng của iPhone.
Nghiên cứu của Counterpoint cho thấy doanh số bán điện thoại Huawei đã tăng 64% trong cùng thời gian doanh số bán iPhone giảm gần 1/4.
“Cả Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng theo chủ nghĩa biệt lập hơn. Điều đó có lợi cho các thương hiệu nội địa. Với AI, động lực đó có thể sẽ tăng cường”, ông Muster cho hay.
Trong trường hợp của Tesla, lý do là vì sự suy thoái của toàn thị trường xe điện - vốn hình thành hồi năm ngoái. Điều này có thể cảm nhận rõ ràng vào tháng 2, khi doanh số bán hàng nhìn chung chậm hơn trong dịp Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, nhìn rộng hơn, sự trượt dốc của cả Tesla và Apple đều là dấu hiệu cho thấy sự cạnh tranh giành quyền thống trị công nghệ giữa 2 cường quốc đang ngày càng gia tăng.
Trong nhiều năm của trước đây, các công ty Trung Quốc thường áp dụng chiến lược tham khảo các sản phẩm phương Tây. Tuy nhiên, tình hình hiện tại không còn giống nữa. Mate 60 Pro của Huawei cho thấy người dùng Trung Quốc hiện đã có một chiếc điện thoại nội địa mang lại trải nghiệm tương tự iPhone.
Trong khi đó, các nhà sản xuất xe điện địa phương như BYD đang cố gắng thu hút người tiêu dùng bằng những phương tiện rẻ và nhiều đột phá hơn so với Tesla.
Theo CarNewsChina, vào tháng 1, BYD báo cáo doanh số bán hàng tăng 43% nhưng đã mất vị trí dẫn đầu thị trường vào tay Volkswagen. Hãng cũng đã giảm giá các mẫu xe bán chạy nhất của mình trung bình 17%.
Cuộc đua tăng cường cạnh tranh công nghệ cũng được các nhà chức trách Trung Quốc ủng hộ.
Khi Thủ tướng Lý Cường đặt ra mục tiêu tăng trưởng 5% hàng năm khi bắt đầu Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc trong tháng này, mọi người đã thấy rõ công nghệ quan trọng như thế nào trong việc thúc đẩy mục tiêu đó thành hiện thực. Điều này có nghĩa Bắc Kinh dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực công nghệ trong nước.
Tham khảo Business Insider