Có thể nói cuộc bầu cử tổng thống Nga năm nay (từ ngày 15 đến 17-3) - lần bầu cử tổng thống Nga thứ 8 kể từ năm 1991 - là một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử nước Nga hiện đại.
Bởi nó diễn ra khi nước Nga đang ở năm thứ 3 của Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, và nhiệm kỳ tổng thống thứ 8 này phải nhận lãnh trách nhiệm nặng nề: dẫn dắt nước Nga kết thúc thành công Chiến dịch quân sự đặc biệt, sống sót vượt qua vòng phong tỏa cấm vận của Mỹ và phương Tây.
Sẽ không có vòng hai?
Cuộc bầu cử lần này dự báo không có nhiều bất ngờ, bởi ông Putin dẫn đầu khá cách biệt so với ba ứng viên còn lại với tỉ lệ ủng hộ từ 75 - 80% theo các thăm dò dư luận khác nhau, trong khi các ứng viên còn lại chỉ có thể đạt được từ 3 - 6%. Điều đó khiến các chuyên gia khẳng định trong cuộc bầu cử tổng thống Nga lần này sẽ không có vòng hai, và cuộc đua của các ứng viên còn lại là nhằm để giành vị trí thứ hai.
Theo các nhà khoa học chính trị, trong số ba ứng viên còn lại, ông Nikolai Kharitonov được đánh giá cao nhất nhờ vào số phiếu bầu của cử tri Nga dành cho Đảng Cộng sản từ trước tới nay, nhưng cũng không nên đánh giá thấp ứng viên của Đảng Những con người mới V. Davankov, người tuy ít kinh nghiệm trong công tác quốc hội nhưng có chương trình vận động tranh cử gây được tiếng vang.
Về phần mình, đến trước ngày bầu cử, ông V. Putin đã có hai cơ hội trình bày chi tiết cương lĩnh hành động tương lai, có thể được xem như chương trình vận động tranh cử của ông. Cơ hội thứ nhất là cuộc trình bày Thông điệp liên bang hôm 29-2, và mới đây nhất là trong cuộc trả lời phỏng vấn Tổng giám đốc kênh Nước Nga ngày nay (Rossiya Segodnya) Dmitry Kiselev hôm 13-3.
Nếu trong Thông điệp liên bang, ông V. Putin dành nhiều thời gian cho các kế hoạch phát triển nước Nga, từ vấn đề nhân khẩu học tới phát triển kinh tế, từ nâng mức lương hưu tối thiểu đến các chương trình quốc gia ủng hộ giới trẻ, thì trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 13-3, ông không chỉ trình bày tầm nhìn về sự phát triển nước Nga trong sáu năm tới mà còn nhấn mạnh các vấn đề về an ninh của Nga, cách giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine và nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
"Nga đang không ở ngã ba đường"
Điểm qua hai cuộc làm việc này, có thể giới thiệu một số điểm chính trong chương trình hành động của nước Nga trong nhiệm kỳ sáu năm tới nếu ông Putin đắc cử tổng thống.
Về nước Nga: Theo ông Putin, nước Nga hiện nay "không phải đang ở ngã ba đường", mà là "đang trên con đường phát triển chiến lược và sẽ không rời khỏi nó". Trong tương lai, theo ông, Nga sẽ là đất nước có nền kinh tế công nghệ cao hơn dựa trên những thành tựu về khoa học, trí tuệ nhân tạo và di truyền học, tự chủ hơn trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng.
Trong Thông điệp liên bang, ông Putin đề xuất một kế hoạch cho sự phát triển của Nga như một đất nước tuyệt vời với "cơ sở hạ tầng khác, hệ thống xã hội khác".
Nhưng trong điều kiện Chiến dịch quân sự đặc biệt, khi Nga đang phải chịu 15.000 lệnh trừng phạt khác nhau, trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm 13-3, ông Putin đã nêu ra những điều kiện khiến ông đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế táo bạo này: kinh tế Nga đã thực sự phát triển - một thực tế mà chính các tổ chức kinh tế tài chính quốc tế đã ghi nhận.
Xét về sức mua tương đương, Nga đã vượt qua Đức và chiếm vị trí thứ 5 trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Kinh tế Đức đã suy giảm 0,3% vào năm ngoái, trong khi kinh tế Nga tăng trưởng 3,6% và Nhật Bản tăng trưởng với một tỉ lệ nhỏ. "Nếu mọi thứ phát triển với tốc độ như hiện nay thì Nga có mọi cơ hội để thay thế Nhật Bản và trở thành nền kinh tế thứ 4 thế giới trong tương lai gần", ông Putin khẳng định.
Một trong những vấn đề nội tình Nga phải đối phó là về nhân khẩu học. Cần phải tăng tỉ lệ sinh và tăng tuổi thọ thì dân số Nga mới ổn định được. Dự tính Nga sẽ chi tới 14.000 tỉ rúp để hỗ trợ nhân khẩu học trong sáu năm.
Trước đó, trong thông điệp liên bang, ông Putin hứa giảm một nửa tỉ lệ nghèo trong các gia đình đông con ở Nga vào năm 2030; đặc biệt, các khu vực có tỉ lệ sinh thấp sẽ nhận được tới 75 tỉ rúp trong những năm tới để mở rộng các biện pháp hỗ trợ gia đình.
Về vấn đề sức khỏe dân số, trong Thông điệp liên bang, ông Putin nhấn mạnh tăng tuổi thọ bình quân của người Nga lên 78 tuổi vào năm 2030 (so với 73 tuổi hiện nay) và 80+ trong tương lai. Trong sáu năm tới, hơn 1.000 tỉ rúp sẽ được phân bổ bổ sung cho việc xây dựng, sửa chữa và trang bị các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Nga cũng sẽ đại tu các trường mẫu giáo vào năm 2025, nhiều trường trong số đó được xây dựng từ thời Liên Xô!
Về nguy cơ chiến tranh hạt nhân, ông Putin nhắc lại về vấn đề này, "Nga có những nguyên tắc rõ ràng", rằng "từ phía mình, Nga không có nhu cầu sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt", mặc dù từ quan điểm kỹ thuật quân sự, Nga đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Bộ ba hạt nhân của Nga (tức hàng không chiến lược; tên lửa đạn đạo xuyên lục địa; tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân) hiện đại hơn bộ ba hạt nhân của các nước khác; Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu vấn đề liên quan đến sự tồn tại của nhà nước Nga, và nếu Mỹ tiến hành thử hạt nhân, Nga cũng có thể làm điều tương tự.
Về mối quan hệ với các nước phương Tây: Trước đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc đưa quân NATO tới Ukraine, ông Putin nói "Nga sẽ coi quân đội Mỹ ở Ukraine là những kẻ can thiệp", dù "sự hiện diện của bất kỳ quân đội nước ngoài nào ở đó cũng sẽ không làm thay đổi tình hình trên chiến trường".
Theo ông Putin, phản ứng gay gắt của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đối với Matxcơva có thể liên quan đến hoạt động của Nga ở châu Phi. Nhưng Nga "không tiến vào châu Phi và cũng không ép Pháp ra khỏi đó, bản thân các nhà lãnh đạo châu Phi cũng muốn hợp tác với Nga".
Liên quan tới việc gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, ông Putin cho rằng việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO là một bước đi vô nghĩa. Rằng quân đội và hệ thống vũ khí Nga sẽ xuất hiện gần biên giới Phần Lan sau khi nước này gia nhập NATO. Như vậy, việc gia nhập NATO "không giúp cải thiện an ninh cho Phần Lan, vì trước quyết định này, thậm chí còn không có quân đội ở biên giới Nga và Phần Lan".
Về Chiến dịch quân sự đặc biệt: ông Putin nhắc lại Nga sẵn sàng đàm phán về Ukraine, nhưng đàm phán phải dựa trên thực tế chứ không phải "dựa trên mong muốn sau khi sử dụng thuốc tâm thần". Hơn nữa, đàm phán "không phải là sự tạm dừng để tái vũ trang Kiev mà là cuộc trò chuyện nghiêm túc với sự đảm bảo về an ninh của Nga. Nếu đàm phán chỉ vì "hết đạn" là không nghiêm túc".
Hãng thông tấn RIA Novosti giải mã hướng giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine của ông Putin như sau: "Nga không chỉ cần công nhận các biên giới và lãnh thổ mới của mình - mà còn cần sự đảm bảo về tính trung lập hoàn toàn đối với những gì còn lại của Ukraine".
Tổng thống Putin nói chỉ công dân Nga mới có thể quyết định tương lai của quê hương, trong bối cảnh ông và 3 ứng cử viên khác tham gia tranh cử tổng thống Nga năm 2024.