Trong phần lời nói đầu của cuốn Chuyện cười cổ nhân, cụ Vương Hồng Sển có tâm tình khi nói về cái việc soạn sách chuyện tiếu lâm của mình: "Không cho tôi in lại mớ nầy là mất đi những tài liệu quý, hiếm có về văn chương bình dân".
"Văn chương bình dân" - mấy tiếng đó ngày nay thường bị hiểu nhầm là một kiểu văn chương ít dụng công trau chuốt từ ngữ, lại thường giản dị, ít ẩn ý thâm sâu, cốt sao cho quảng đại quần chúng đều có thể hiểu.
Nhưng văn chương ấy vẫn có vẻ đẹp của riêng nó. Chuyện đời xưa vẫn có giá trị ở đời nay. Chí ít là đã bảo lưu một đời sống tinh thần thuở trước.
Những nếp sinh hoạt, phong tục, những mối quan hệ trong cộng đồng, làng mạc, những quan điểm của người xưa trong đối nhân xử thế.
Giá trị nhất có lẽ khi đọc văn chương này cũng giống như xem cuốn từ điển tiếng Việt đang giữ gìn cái vốn từ quý báu bị lãng quên.
"Vì trong ấy cách nói là chính cách nói tiếng An Nam ròng; có nhiều tiếng nhiều câu thường dùng lắm" - như lời Trương Vĩnh Ký đã viết trong cuốn Chuyện đời xưa, phần "Ý sách chuyện đời xưa".
Đọc Chuyện giải buồn của Huỳnh Tịnh Của là lọc lấy một ngôn ngữ miền Nam, những lời ăn tiếng nói thường nhật, như nghe ra cái giọng bà con, nhân dân Nam Bộ của thế kỷ 19.
Những tiếng ấy hôm nay không còn xuất hiện trên những trang viết nhưng âm thầm chảy trong một mạch ngầm đời sống hằng ngày.
Chuyện giải buồn từ tên gọi đã cho thấy nó không cố gánh vác một sứ mệnh giáo hóa hay giáo huấn ai. Nói như cụ Nguyễn Du khi kết thúc Truyện Kiều là "mua vui cũng được một vài trống canh".
Dù giải buồn hay mua vui, những tác giả như Huỳnh Tịnh Của, Trương Văn Ký, Vương Hồng Sển đã cố gắng lồng ghép những bài học cuộc sống, những chuyện răn đời răn mình mà đến hôm nay vẫn còn giá trị.
Huỳnh Tịnh Của (Huình Tịnh Của) là chủ bút tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam do Trương Vĩnh Ký sáng lập - tờ Gia Định Báo.
Huỳnh Tịnh Của cũng là nhà biên soạn từ điển tiếng Việt với công trình Đại Nam quấc âm tự vị.
So với hai vị tiền bối trên, cụ Vương Hồng Sển thuộc lớp hậu học. Ngoài nổi tiếng với việc chơi cổ ngoạn, ông còn là tác giả của nhiều hồi ký và khảo cứu.
Hải Anh từng tâm sự với mẹ, đạo diễn Việt Linh, rằng cô viết cuốn sách để hiểu về đất nước của mình, về nguồn cội của mình, để từ đó hiểu mẹ mình hơn.