Theo Đài CNN, các phi công và những người khác trong ngành hàng không cũng như nhiều hành khách từng tóm tắt niềm tin của họ vào Boeing bằng câu nói: "Nếu không phải máy bay Boeing, tôi sẽ không đi". Tuy nhiên, loạt sự cố từ đầu năm đến nay đang gây ảnh hưởng rất xấu tới danh tiếng của nhà sản xuất máy bay này.
Một loạt sự cố
Hôm 15-3, Boeing cho biết đã khuyến cáo các hãng hàng không kiểm tra ghế buồng lái trên máy bay Boeing 787 Dreamliner nếu đang vận hành loại máy bay này.
Khuyến cáo được đưa ra sau khi kết quả điều tra sơ bộ cho thấy vụ máy bay của Hãng Latam Airlines (bay từ Úc tới New Zealand hôm 11-3) bất ngờ bị lao xuống và khiến hàng chục khách bị thương là do tiếp viên hàng không trong lúc phục vụ bữa ăn cho phi công đã vô tình chạm phải công tắc trên ghế phi công, làm ảnh hưởng tới việc điều khiển máy bay.
Công tắc này ở phía sau ghế, thường được che lại và không sử dụng khi phi công đang ngồi trên ghế. Boeing khuyến cáo các nhà khai thác kiểm tra ghế trong buồng lái máy bay xem có tấm đậy lỏng lẻo trên công tắc hay không.
Boeing đã bị giám sát chặt chẽ về vấn đề an toàn kể từ sau hai vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến máy bay Boeing 737 MAX vào năm 2018 và 2019. Máy bay Boeing 737 MAX bị cho "nằm đất" hơn 20 tháng sau đó.
Các cơ quan quản lý, hãng bay và hành khách càng chú ý hơn tới chất lượng và sự an toàn của máy bay Boeing kể từ đầu năm nay khi chiếc Boeing 737 MAX 9 của Hãng hàng không Alaska Airlines hạ cánh khẩn cấp ngày 5-1 do sự cố bung một phần cửa.
Kết quả điều tra sơ bộ của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) cho thấy thân cửa thoát hiểm bất ngờ bung ra do bị thiếu bốn con bulông ở những vị trí quan trọng.
Theo sau đó là loạt sự cố liên tiếp mà đến nay chưa biết đã khép lại hay chưa, từ cháy động cơ cho đến trượt khỏi đường băng.
Gần nhất, hôm 15-3, một máy bay Boeing 737-800 của Hãng United Airlines hạ cánh xuống sân bay Medford (Oregon, Mỹ) trong tình trạng mất một phần vỏ của thân máy bay để lộ cả máy móc phía trong.
Đài CNN bình luận Boeing mất nhiều thập niên để tạo dựng được danh tiếng là một trong những công ty đáng tin cậy nhất hành tinh, nhưng chỉ mất chưa tới sáu năm để xóa bỏ gần như tất cả và khiến công ty vĩ đại một thời này của Mỹ phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn.
Trong sáu năm qua, Boeing đối mặt với hai vụ tai nạn chết chóc liên quan tới máy bay của họ khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng ở Indonesia (2018) và Ethiopia (2019), tổn thất hàng chục tỉ USD, phải trả thêm hàng tỉ USD tiền phạt và bồi thường, đồng thời gây chú ý vì các vấn đề lặp đi lặp lại về kiểm soát chất lượng.
Ảnh hưởng ngành hàng không
Hiện nay Boeing và Airbus giữ thế "độc quyền lưỡng cực" trong thị trường máy bay thương mại. Theo trang Medium, nhiều người xem cuộc cạnh tranh giữa Airbus và Boeing giống như giữa "Coca-Cola và Pepsi".
Nhưng có một điều khác biệt: nếu không có nước ngọt Coca-Cola, khách hàng vẫn có thể uống Pepsi ngay lập tức. Còn các khách hàng chính của Boeing là các hãng hàng không và họ không thể mau chóng chuyển sang Airbus như vậy nếu cảm thấy không hài lòng với Boeing.
Đơn cử là chuyện phi công Boeing không thể chuyển sang lái máy bay Airbus, trừ khi họ được đào tạo lại và cấp chứng chỉ cần thiết để làm việc đó.
Theo báo New York Times, một cuộc kiểm tra kéo dài sáu tuần của Cục Hàng không liên bang Mỹ về hoạt động sản xuất máy bay Boeing 737 Max đã phát hiện hàng chục vấn đề trong quá trình sản xuất của Boeing và một trong những nhà cung cấp chính của hãng. Boeing đã không thể vượt qua 33 trong số 89 bài kiểm tra sản phẩm.
Trước tình hình diễn ra nhiều cuộc điều tra về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn của Boeing sau loạt sự cố gần đây, ngành hàng không đã cắt giảm dự báo về số lượng máy bay được giao trong năm nay. Các hãng bay Mỹ cảnh báo Boeing sẽ giao hàng chậm.
Điều này ảnh hưởng tới nỗ lực của các hãng bay nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng kỷ lục. Ông Ed Bastian, giám đốc điều hành Hãng Delta Air Lines, dự đoán Boeing có thể phải mất tới ba năm nữa mới có thể giao các máy bay Boeing 737 Max 10.
Hành khách cũng bị ảnh hưởng. Chia sẻ với truyền thông địa phương hôm 14-3, một số khách tại sân bay quốc tế Baltimore - Washington Thurgood Marshall (Mỹ) nói họ lo ngại về sự an toàn và liệu việc đặt chuyến bay có khó hơn không khi một số hãng như Southwest Airlines cắt giảm chuyến bay.
Boeing nói gì?
Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) yêu cầu Boeing nộp kế hoạch khắc phục các vấn đề sản xuất vào cuối tháng 5. Phía Boeing cũng đang nỗ lực giải quyết các vấn đề được FAA nêu ra.
Bà Jessica Kowal, người phát ngôn của Boeing, cho biết họ đang tiếp tục "thực hiện những thay đổi ngay lập tức và phát triển kế hoạch hành động toàn diện nhằm tăng cường an toàn và chất lượng cũng như xây dựng niềm tin của khách hàng và hành khách".
Một máy bay Boeing 737 của hãng hàng không United Airlines hạ cánh xuống sân bay Medford (Oregon, Mỹ) trong tình trạng mất một mảng lớn phần vỏ ngoài.