Mỗi năm Việt Nam phải nhập khoảng 8 triệu tấn thép HRC, dư địa thị trường rất lớn, nhưng hiện ngoài Formosa là doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc), đến nay chỉ có Hòa Phát tham gia vào cuộc đua này.
Nhu cầu nhiều, chủ yếu nhập khẩu
Là doanh nghiệp cung cấp khuôn mẫu cho GM Motor, Tesla, Panasonics, ông Nguyễn Văn Trí - tổng giám đốc Công ty Lập Phúc (TP.HCM) - cho biết thép sản xuất khuôn cho thương hiệu nổi tiếng trên chủ yếu từ nguồn nhập khẩu.
Theo ông Trí, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp sản xuất thép, danh mục sản phẩm đa dạng, nhưng thép chất lượng cao dùng cho ngành ô tô, cơ khí chế tạo rất khan hiếm. Ông đã thử tìm qua loại thép của doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, sản lượng ít, giá còn cao, chưa kể không đúng loại thép mà doanh nghiệp cần.
Ông Đỗ Phước Tống - chủ tịch HĐQT Công ty cơ khí Duy Khanh - cho biết thép HRC là nguyên liệu đầu vào quan trọng của những doanh nghiệp sản xuất tôn mạ và ống thép, nhưng chủ yếu phụ thuộc nguồn nguyên liệu bên ngoài.
Ngay cả doanh nghiệp cơ khí làm lâu nay như Duy Khanh, ông Tống cho hay vẫn phụ thuộc loại thép nhập khẩu Trung Quốc, Đức, Thụy Điển...
Theo tìm hiểu, hiện nay ngoài Formosa, Hòa Phát là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất được thép cuộn cán nóng HRC. Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam ghi nhận năm 2023 bán hàng thép cuộn cán nóng đạt 6,8 triệu tấn.
Trong khi đó theo thống kê năm 2023 từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam vẫn nhập khẩu tổng lượng thép HRC tới hơn 8 triệu tấn. Như vậy, các loại thép HRC chất lượng cao cho ngành công nghiệp đóng tàu, ô tô, thép kết cấu, cơ khí chế tạo vẫn phụ thuộc nguồn nhập khẩu.
Vì sao ít doanh nghiệp sản xuất?
Theo ông Đỗ Phước Tống, làm thép HRC phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ và tiềm lực tài chính. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp thép khác từng làm nhưng sau đó gặp khó khăn bởi sản phẩm này không dễ làm.
Trong vài năm gần đây, nhu cầu các doanh nghiệp nước ngoài tăng đặt hàng sản phẩm linh kiện ô tô, chế tạo máy... nhộn nhịp. Doanh nghiệp trong nước muốn đầu tư không phải dễ, cần xác định khách hàng, nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Một lãnh đạo của doanh nghiệp thép tại TP.HCM cho biết thép HRC khác với thép thông thường. Loại thép HRC sản xuất trong điều kiện nhiệt độ lên đến 1.000 độ C.
Sản phẩm thép này có thể là nguyên liệu thô để ứng dụng chế tạo đường ray xe lửa, sản xuất tôn lợp nhà hoặc là nguyên liệu để sản xuất thép cán nguội như thép tấm, thép cuộn. Để sản xuất thép này phải có công nghệ, dây chuyền máy móc như lò cao, lò thổi, lò điện, đúc, cán chính...
Xác định sản xuất thép HRC rất quan trọng, nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch đầu tư để làm chủ nguồn nguyên liệu thượng nguồn. Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn chưa nhiều doanh nghiệp thực hiện do bài toán chi phí và công nghệ.
Chính vì chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu thượng nguồn, giá cả loại thép này lên xuống khiến doanh nghiệp bị động, ảnh hưởng kế hoạch kinh doanh nên trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp chuyển hướng mở rộng nhiều lĩnh vực khác như vật liệu xây dựng, bất động sản, giáo dục, tài chính...
Sẽ tự chủ nguồn thép chất lượng cao
Ngược lại, vẫn có doanh nghiệp Việt tiếp tục chi tỉ USD đầu tư mạnh vào thép chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp như sản xuất ô tô, đóng tàu, cơ khí chế tạo… Ông Trần Đình Long, chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, cho biết làm thép HRC không phải là dễ.
Hiện Hòa Phát có công suất thép thô 8,5 triệu tấn/năm với các khu liên hợp sản xuất thép tại Hải Dương, Quảng Ngãi và Hưng Yên. Trong đó, phôi thép, thép xây dựng, thép chất lượng cao là 5,5 triệu tấn, thép cuộn cán nóng đạt 3 triệu tấn/năm.
Mới đây, Hòa Phát ký biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu đầu tư 3 dự án lớn tại Phú Yên với tổng vốn đầu tư 120.000 tỉ đồng, trong đó nổi bật với dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm vốn đầu tư lên đến khoảng 80.000 tỉ đồng.
Tại dự án ở Phú Yên, tập đoàn dự kiến tập trung sản xuất thép HRC chất lượng cao, phục vụ cho sản xuất ô tô, đóng tàu, thép kết cấu và các lĩnh vực cơ khí chế tạo. Công suất dự án này là 6 triệu tấn thép HRC cao cấp/năm.
Như vậy, khi hoàn thành dự án Khu liên hợp gang thép tại Phú Yên và dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 tại Quảng Ngãi, năng lực sản xuất thép của Hòa Phát sẽ là 20 triệu tấn/năm. Trong đó có tới 14,6 triệu tấn HRC chất lượng cao/năm và 5,4 triệu tấn thép dài xây dựng, thép cuộn chất lượng cao mỗi năm.
Sự chuyển dịch cơ cấu sản phẩm thép cho thấy ông Trần Đình Long đang hướng đến sản xuất thép HRC chất lượng cao chiếm tới 72,6% tổng công suất thép của Hòa Phát.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nghiêm Xuân Đa, chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho rằng các doanh nghiệp ngành thép trong nước đang đầu tư lớn, chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang loại thép kỹ thuật cao, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, phù hợp xu thế sắp tới. Dư địa của sản phẩm thép chất lượng cao rất lớn.
Theo ông Đa, nhiều ngành đang cần loại thép chất lượng cao như ô tô, đóng tàu, sản phẩm cho dầu khí, tuốc bin điện gió...
Nhập thép HRC tỉ đô
Theo thống kê, sản lượng nhập thép HRC của các doanh nghiệp qua hải quan, bao gồm các mã HRC hợp kim và không hợp kim và không bao gồm hàng tạm nhập tái xuất, tăng liên tục trong ba năm qua với số lượng hàng triệu tấn, trị giá vài tỉ USD.
Năm 2021: nhập 7,29 triệu tấn, trị giá 5,6 tỉ USD.
Năm 2022: 6,5 triệu tấn, trị giá hơn 5 tỉ USD.
Năm 2023: 8,1 triệu tấn, trị giá 4,77 tỉ USD.
Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam tiếp tục đổ vốn tỉ USD để mở rộng chuỗi sản xuất, trong đó tập trung về thép, chip bán dẫn.