Tại phiên chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 18/3, ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhìn nhận điều hành giá với một số mặt hàng như vé máy bay, điện đang "có nhiều vấn đề".
Theo ông, quản lý giá đã có khuôn khổ pháp lý đầy đủ, song nghịch lý hiện nay giá vé máy bay ngày càng tăng, doanh nghiệp Nhà nước báo lỗ. Điều này xảy ra tương tự với giá điện.
"Giá vé tăng cao không hẳn do nhiên liệu, hay cung - cầu. Hiện chi phí của Vietnam Airlines đang cao quá, ảnh hưởng ngay tới giá, nên cần minh bạch chi phí đầu vào", ông nói.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị Bộ Tài chính rà soát, thanh, kiểm tra việc tính giá, đảm bảo minh bạch chi phí đầu vào và lợi ích doanh nghiệp, người dân.
Đồng quan điểm, ông Phạm Quang Huân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần HALCOM Việt Nam cũng nói giá vé tăng cao, doanh nghiệp hàng không lỗ là chưa thỏa đáng.
"Không phải lúc nào cũng đạt doanh thu cao bằng việc tăng giá vé, phải tìm được điểm tối ưu giữ cung – cầu. Có thể vé rẻ nhưng số lượng bán ra tăng thì khoản thu về vẫn cao", ông Huân nói, và đề nghị Bộ trưởng Tài chính có giải pháp phù hợp.
Từ 1/3, trần giá vé máy bay nội địa với đường bay từ 500 km trở lên tăng 50.000-250.000 đồng. Chẳng hạn, đường bay từ 1.280 km trở lên có mức giá trần là 4 triệu đồng, tăng 250.000 đồng so với trước. Với mức áp này, giá "kịch khung" của chặng TP HCM đi Điện Biên có thể cao tới 8 triệu đồng khứ hồi, cao hơn giá tour TP HCM đi Thái Lan.
Giải trình, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết giá vé máy bay đang được điều hành trong khung giá do Bộ Giao thông vận tải ban hành, chứ "chưa vượt ngoài khung".
Hiện, một số quốc gia đã bỏ giá trần máy bay để doanh nghiệp tự quyết định theo cung - cầu thị trường. Tuy nhiên, Luật Giá vẫn quy định khung trần vé, các doanh nghiệp đang vận hành đúng quy định, nên chưa vi phạm pháp luật về giá.
Sơn Hà