Trong rất nhiều hệ lụy phát sinh từ đại dịch COVID-19 thì một vấn đề được quan tâm hàng đầu là chi phí chữa trị. Từ đầu đại dịch đến nay, chính sách của phần lớn các nước là miễn phí hoặc hỗ trợ chi phí chữa trị. Tuy nhiên, cách làm này tới đây sẽ có thay đổi.
Người lựa chọn không chủng ngừa để rồi bị nhiễm và nguy kịch phải nhập viện chăm sóc đặc biệt có thể sẽ phải trả hóa đơn lên đến 25.000 đô Singapore (hơn 418 triệu đồng). Số tiền này nếu được chính phủ hỗ trợ cộng với được bảo hiểm choàng bớt thì sẽ giảm đi rất đáng kể, xuống còn từ 2.000-4.000 đô Singapore (33,5-67 triệu đồng), theo Bộ Y tế Singapore. |
Singapore sẽ thu tiền người không chịu tiêm chủng
Từ đầu dịch cho đến thời điểm này chính phủ Singapore vẫn choàng toàn bộ chi phí chữa trị cho công dân, thường trú nhân, người có thẻ cư trú dài hạn, trừ những người dương tính với bệnh hoặc khởi phát các triệu chứng bệnh trong vòng 14 ngày kể từ khi nhập cảnh vào Singapore.
Tuy nhiên, từ ngày 8-12 tới, Singapore đi vào thực hiện quy định chỉ choàng chi phí chữa trị cho những bệnh nhân đã được tiêm chủng hay không đủ điều kiện sức khỏe để tiêm và bị nhiễm. Người nào cơ thể đủ điều kiện tiếp nhận vaccine nhưng không chịu đi tiêm chủng để rồi bị nhiễm phải nhập viện điều trị thì phải tự chịu chi phí, theo báo The Strait Times.
Đến trước ngày 31-12, chính phủ sẽ vẫn choàng chi phí chữa trị cho các bệnh nhân là người đã được tiêm một mũi vaccine, để họ có thêm thời gian đi tiêm mũi thứ hai. Sau thời gian này, nếu họ vẫn chưa hoàn tất mũi hai và bị nhiễm phải nhập viện thì tự chịu chi phí chữa trị.
Singapore ra quy định này trong bối cảnh đa số bệnh nhân COVID-19 nguy kịch và nhập viện ở nước này thời gian qua là người chưa được tiêm vaccine. Thực tế này vừa làm tăng số người mất mạng vì dịch, vừa tăng áp lực lên hệ thống y tế.
Đưa bệnh nhân COVID-19 nhập viện ở Singapore. Ảnh: THE STRAIT TIMES
Trong cuộc họp báo thông báo quy định này ngày 8-11, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung nói đây là “tín hiệu quan trọng” gửi đến những ai vẫn còn chưa chịu đi tiêm ngừa dù cơ thể đủ điều kiện tiếp nhận vaccine.
Chính phủ Singapore sẽ vẫn duy trì chính sách chi trả chi phí chữa trị COVID-19 cho các công dân, thường trú nhân, người có thẻ cư trú dài hạn có tiêm vaccine mà vẫn nhiễm phải nhập viện đến khi tình hình dịch ổn định hơn.
Úc tranh cãi có nên làm theo
Sau khi Singapore thông báo quy định này, ở Úc xuất hiện nhiều ý kiến tranh luận có nên làm tương tự, tức chấm dứt choàng chi phí chữa trị COVID-19 cho những người lần lữa không chịu tiêm chủng. Phần lớn bệnh nhân COVID-19 nguy kịch phải nhập viện ở hai bang lớn nhất Úc - New South Wales và Victoria - đều là người chưa tiếp nhận tiêm chủng.
Trong những người ủng hộ cách làm này có cựu Ngoại trưởng Bob Carr. Ông kêu gọi Úc làm theo Singapore, với lý lẽ là người dân Úc không nên bị buộc phải choàng gánh tiền bạc cho “sự ngu ngốc cố ý” của những người từ chối tiêm chủng.
Nhà kinh tế học y tế Luke Slawomirski cũng ủng hộ việc buộc các bệnh nhân chưa được tiêm chủng phải tự trả tiền chữa trị. Ông đề xuất nên buộc những người cơ thể đủ điều kiện tiếp nhận vaccine mà không chịu đi tiêm chủng phải đóng thêm một khoản thuế hằng năm. Theo ông, điều này sẽ bảo đảm cho những người “từ chối tham gia vào cuộc can thiệp sức khỏe cộng đồng chính thống dựa trên bằng chứng” - tức không chịu đi tiêm vaccine - vẫn sẽ được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế, miễn họ bù đắp gánh nặng tài chính cho chính phủ.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác. TS Stephen Duckett - một chuyên gia chính sách y tế ở tổ chức tư vấn chính sách công Grattan Institute (Úc) cho rằng ý tưởng thu tiền bệnh nhân COVID-19 chưa tiêm chủng là quá đáng.
Đến thời điểm này, Thủ tướng Úc Scott Morrison vẫn chưa đồng ý thôi để chính phủ choàng chi phí chữa trị COVID-19 cho người không chịu đi tiêm vaccine. Ông nói ông rất mong muốn người dân đi tiêm vaccine nhưng không muốn thực hiện các tiếp cận rắn như vậy với những người không đi chủng ngừa.•
Nên hay không thu tiền người từ chối chủng ngừa? Phản đối điều này, TS Stephen Duckett - một chuyên gia chính sách y tế ở tổ chức tư vấn chính sách công Grattan Institute (Úc) viết trên trang tin The Conversation (Úc): “Nếu chúng ta loại trừ người chưa tiêm phòng… ngày mai, chúng ta có thể loại trừ người hút thuốc, ngày hôm sau tới loại trừ người uống rượu, hoặc người không ra ngoài chạy bộ, hoặc chưa mua bảo hiểm y tế cá nhân… Hệ thống y tế cần cho tất cả mọi người, không chỉ cho những người mà chúng ta ưng ý với những lựa chọn của họ”. Bác bỏ lập luận này, nhà kinh tế học y tế Slawomirski cho rằng không thể so sánh như vậy, vì hành động đi tiêm chủng có thể đánh giá được một cách đơn giản, khác với các hành động khác như hút thuốc hay có chế độ ăn uống nghèo nàn “khó định lượng một cách khách quan và khó có khả năng thay đổi với từng cá nhân”. Theo ông, trong tình hình đại dịch thế này, tình trạng tiêm chủng có thể được sử dụng như một yếu tố để căn cứ vào đó mà tính phí chữa trị. |