Thịt gà được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm của công ty Upside Foods. Ảnh: upsidefoods.com
Thịt nhân tạo - tức là thịt được nuôi cấy hoặc sản xuất từ tế bào – là loại thịt được phát triển từ tế bào gốc động vật và được nuôi dưỡng nhờ các chất dinh dưỡng như axit amin trong các lò phản ứng sinh học vô trùng.
Khi thịt nhân tạo xuất hiện, con người có thể ăn thịt mà không cần phải giết mổ động vật. Ngoài ra, thịt nhân tạo còn mang lại những lợi ích to lớn cho môi trường. Nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi, thải ra một lượng đáng kể khí thải gây hiệu ứng nhà kính, góp phần gia tăng biến đổi khí hậu. Do đó, việc cải tổ hệ thống này có thể giảm bớt gánh nặng cho hành tinh của chúng ta.
Dù sản xuất thịt nhân tạo vẫn cần tiêu thụ nguồn năng lượng rất lớn, nhưng bù lại là tác dụng giảm sử dụng đất, nước, đồng thời mang lại nhiều lợi ích khác. Nếu thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm được sản xuất trên quy mô lớn, đây cũng có thể là giải pháp cung cấp lương thực cho dân số ngày càng tăng trên thế giới.
Tại Mỹ, cả Bộ Nông nghiệp và Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm đều quản lý chặt chẽ ngành sản xuất thịt nuôi cấy. Tuy nhiên, ý định phổ biến loại thịt này trên thị trường đã gây ra làn sóng gây tranh cãi.
Theo tạp chí Wired, Thống đốc bang Florida, ông Ron DeSantis có kế hoạch cấm bán hoặc sản xuất thịt nuôi cấy ở bang này. Hạ viện và Thượng viện bang Florida đã thông qua dự luật và đang chờ chữ ký của ông DeSantis - người phản đối "thịt giả". Nếu được đưa thành luật, bất kỳ ai bán, sản xuất hoặc phân phối thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm ở Florida đều có thể bị phạt lên tới 500 USD và bị giam giữ 60 ngày.
Ngoài Florida, các bang Alabama, Arizona, Kentucky và Tennessee cũng đang đề xuất lệnh cấm tương tự. Nếu tất cả những dự luật này được thông qua, thì khoảng 46 triệu người Mỹ sẽ không được tiếp cận một dạng thịt giúp con người không phải giết hại động vật tràn lan.
Một loạt dự luật cấm thịt nhân tạo có thể gây ngạc nhiên vì thịt nuôi cấy hiện chưa được bán ở bất kỳ nơi nào tại Mỹ.
Bà Jessica Almy, Phó chủ tịch cấp cao về chính sách tại Viện Thực phẩm Tốt, bình luận: "Cấm một loại thực phẩm trước khi được bán cho người dân trên thị trường, trước khi họ có cơ hội dùng thử và xem liệu họ có muốn mua hay không là điều vô lý".
Bà Almy nói rằng nếu dự luật này trở thành luật, vẫn có thể có cơ sở pháp lý để đảo ngược lệnh cấm của Florida, mặc dù không rõ liệu dự luật có bị đưa ra tòa hay không.
Trong một bức thư, Viện Thịt Bắc Mỹ (NAMI), cơ quan thương mại đại diện cho các công ty thịt, đã phản đối lệnh cấm này. Theo NAMI, lệnh cấm này mâu thuẫn với pháp luật liên bang và là chính sách công tồi tệ, hạn chế lựa chọn của người tiêu dùng và kìm hãm sự đổi mới.
Các đề xuất cấm nói trên bắt nguồn từ những lo ngại rằng ngành sản xuất thịt thông thường và ngành thịt nhân tạo có thể xảy ra mâu thuẫn.
Một số nơi coi thịt nuôi cấy là mối đe dọa đối với ngành chăn nuôi gia súc ở các bang. Tại Florida, nghị sĩ Dean Black, một chủ trang trại gia súc, đã lên tiếng phản đối thịt nhân tạo. "Tôi và những người bạn Trái Đất của tôi sẽ ăn thịt thật ở đây, trên hành tinh này. Và chúng ta hãy dự trữ loại thịt tuyệt vời này ở ngoài không gian", ông nói.
Trái lại, bà Anna Eskamani, người đã bỏ phiếu chống dự luật vào ngày 6-3, lập luận rằng lệnh cấm thịt nhân tạo là minh chứng về nỗ lực cứu vãn một ngành đang trên đà suy giảm. "Và thay vì thừa nhận điều đó, họ ngăn không cho tiến bộ mới xuất hiện. Lệnh cấm này rất bảo thủ", bà nhận định.
Điều đáng lo ngại khác đối với các công ty sản xuất thịt nhân tạo là một số dự luật còn áp đặt các quy định về ghi nhãn. Cụ thể, dự luật ở Arizona sẽ cấm các công ty sử dụng các thuật ngữ có nội dung thịt để mô tả các sản phẩm thịt nhân tạo, thịt từ thực vật hoặc côn trùng.
Dự luật tương tự ở Tây Virginia vừa được thông qua vào tháng 3 yêu cầu bất kỳ sản phẩm thịt nuôi cấy nào cũng phải được dán nhãn là "nuôi cấy từ tế bào", "nuôi trong phòng thí nghiệm" hoặc thuật ngữ tương tự./.