Chưa vào hè đã lo thiếu điện
“Đề nghị Chính phủ Việt Nam có phương án cung cấp điện thông suốt trong các khu công nghiệp để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc có thể duy trì hoạt động sản xuất ổn định”.
Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc gửi kiến nghị này tới VBF 2024. Tình trạng bị cắt điện do thiếu điện ở một số khu công nghiệp tại miền Bắc vào mùa hè năm ngoái vẫn là nỗi ám ảnh lớn với nhiều doanh nghiệp.
Chia sẻ mối quan ngại trên, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết, các doanh nghiệp Hàn Quốc rất mong muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp công nghệ cao như bán dẫn. Tuy nhiên, họ cũng thể hiện quan điểm, hiện tượng thiếu điện là một trong những yếu tố lớn, khiến họ chần chừ trong việc đưa ra quyết định đầu tư.
Đây cũng là khuyến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) gửi tới VBF 2024, sau khi tập hợp ý kiến từ doanh nghiệp hội viên. JCCI cho biết, tình trạng thiếu điện nghiêm trọng xảy ra ở khu vực phía Bắc khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc lập kế hoạch sản xuất và dự báo ngày giao hàng.
“Thực trạng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mô hình just in time - yếu tố cốt lõi của chuỗi cung ứng. Một số công ty hội viên JCCI cho biết, đang cân nhắc xem xét lại hệ thống sản xuất toàn cầu của mình”, JCCI giải thích lý do phải gửi kiến nghị sớm.
Trong lần đề xuất này, JCCI gửi tới Chính phủ Việt Nam 3 đề nghị, với mục tiêu để các doanh nghiệp sản xuất hoạt động suôn sẻ. Đó là, ổn định nguồn điện cho các khu công nghiệp; đưa ra thông báo trước về việc cắt điện và các yêu cầu tiết kiệm điện để có đủ thời gian điều chỉnh và đưa ra cơ chế ưu đãi khuyến khích các công ty tiết kiệm điện và sản xuất điện.
Lo ngại về thủ tục hành chính
Trong danh sách dài những kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng như của các nhóm công tác gửi tới VBF 2024, lo ngại về gánh nặng thủ tục hành chính vẫn chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Một cách rất ngắn gọn và thẳng thắn, Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ viết: “Các thành viên của chúng tôi, giống như nhiều doanh nghiệp ở đây, đang phải đối mặt với sự chậm trễ trong thủ tục phê duyệt. Gánh nặng thủ tục hành chính tốn thời gian, gây cản trở hoặc đình trệ các dự án của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam”.
Tâm tư này không riêng của doanh nghiệp Mỹ.
Nhóm công tác nguồn nhân lực gửi tới Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sự thiếu nhất quán trong thủ tục cấp lại giấy phép lao động cho lao động nước ngoài và gọi đây là gánh nặng thủ tục hành chính không cần thiết. Cụ thể, Nhóm công tác thông tin, một số sở Lao động, Thương binh và Xã hội yêu cầu nộp lại đơn xin chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài trước khi nộp đơn xin cấp lại giấy phép lao động; một số nơi lại yêu cầu thực hiện lại hoàn toàn thủ tục này, gồm đăng tin tuyển dụng, nộp đơn xin chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài…
Hiện tại, theo tính toán của các doanh nghiệp, quy trình cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài mất khoảng 4 - 5 tháng, với nhiều thủ tục giấy tờ, với các yêu cầu công chứng và hợp pháp hóa lãnh sự. “Chúng tôi đề xuất xây dựng và thực hiện giấy phép lao động ngắn hạn; làm rõ và thống nhất các yêu cầu về giấy tờ cần thiết để đề nghị cấp giấy phép lao động hoặc miễn giấy phép lao động, đảm bảo các quy định được áp dụng thống nhất tại các cơ quan quản lý lao động địa phương”, Nhóm công tác nguồn nhân lực gửi đề xuất.
Nhóm công tác thuế và hải quan thì gửi tới lãnh đạo Bộ Công thương vấn đề của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, Nhóm công tác cho biết, nhiều doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm là một chi tiết, bộ phận, linh kiện của các sản phẩm được liệt kê trong Danh mục Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển quy định tại Nghị định 11/2015/NĐ-CP, nộp hồ sơ xin xác nhận ưu đãi, nhưng không được phê duyệt cho nhóm sản phẩm này. Các doanh nghiệp cho biết, quá trình xin xác nhận ưu đãi mất rất nhiều thời gian, nhiều doanh nghiệp phải nộp hồ sơ bổ sung nhiều lần theo yêu cầu của cơ quan cấp phép. Nhiều vấn đề về tuân thủ trong quá khứ đã được doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục để khắc phục, bổ sung với các cơ quan hữu quan, nhưng cơ quan cấp phép vẫn dựa vào đó để từ chối hồ sơ.
“Những khó khăn này đã gây nên khúc mắc, tốn kém về chi phí, thời gian của doanh nghiệp, chưa thật sự phát huy hiệu quả của chính sách khuyến khích”, Nhóm công tác viết trong kiến nghị gửi VBF 2024, kèm với đó là kiến nghị bổ sung những chi tiết, bộ phận, linh kiện là một phần của các sản phẩm được liệt kê trong Danh mục Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.
Các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Anh gửi đến VBF năm nay 4 khuyến nghị cụ thể để tiếp tục nỗ lực cải cách thủ tục hành chính. Một là, tăng cường chính phủ điện tử trong quản lý các hoạt động xúc tiến. Hai là, đơn giản hóa thủ tục và thời gian cấp giấy phép kinh doanh. Ba là, thống nhất giữa các quy định của Trung ương và địa phương. Bốn là, bỏ yêu cầu phê duyệt trước quảng cáo, chuyển sang kiểm soát sau thị trường.
“Việt Nam nên tận dụng các điều ước quốc tế để đơn giản hóa và lược bỏ quy định giấy tờ nước ngoài cần hợp pháp hóa để sử dụng, như hơn 100 quốc gia khác đã làm”, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh đề xuất thêm.
Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH
“Đối tượng của Quỹ Hỗ trợ đầu tư còn hẹp.”
- Nhóm công tác thuế và hải quan
Nhằm khuyến khích các công ty thực hiện những khoản đầu tư lớn, mang lại các hoạt động kinh tế thực chất, ngày 16/2/2024, Bộ trưởng tài chính Singapore đề xuất chính sách giảm trừ đầu tư nhằm cung cấp hỗ trợ cho các đối tượng áp dụng, bao gồm tất cả doanh nghiệp có dự án đầu tư trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng và các lĩnh vực tăng trưởng kinh tế mới. Chính phủ Hoa Kỳ gần đây cũng bố trí hàng trăm tỷ USD cho các chương trình bền vững và tài trợ khí hậu bên cạnh hoạt động sản xuất chất bán dẫn thông qua việc ban hành 3 bộ luật mới.
Để có thể cạnh tranh được với các quốc gia trên thế giới và khu vực, Việt Nam cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ đầu tư sao cho mang tính toàn diện và phát huy hiệu quả tốt hơn trong việc giữ chân và thu hút các tập đoàn đầu tư chiến lược.
Liên quan đến đối tượng hỗ trợ đầu tư theo Dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, chúng tôi thấy rằng, các đối tượng hỗ trợ còn trong phạm vi hẹp. Với điều kiện về quy mô vốn đầu tư trên 12.000 tỷ đồng, hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm, chỉ có số lượng rất ít doanh nghiệp có thể đạt được, chưa đại diện được cho nhóm các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.
Hiệp định về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc áp dụng thế nào?
- Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc
Hiệp định về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc được ký kết vào tháng 12/2023, có hiệu lực từ tháng 1/2024. Song hiện chưa có quy định và hướng dẫn chính xác liên quan đến việc Hiệp định áp dụng như thế nào đối với công dân Hàn Quốc tại Việt Nam, do đó, công dân Hàn Quốc vẫn chưa được áp dụng.
Đề nghị các cơ quan chức năng đưa ra quy định và hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng Hiệp định, đồng thời có biện pháp để công dân Hàn Quốc tại Việt Nam có thể thực hiện hiệp định này.
Tiếp tục đối thoại giữa Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các bên liên quan.
- Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ
Chúng tôi khuyến nghị tiếp tục đối thoại giữa Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các bên liên quan trong khu vực tư nhân, tìm ra các giải pháp khả thi ngắn hạn và dài hạn để Việt Nam đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng, bao gồm thúc đẩy phê duyệt các dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) quy mô lớn, nhằm hỗ trợ an ninh năng lượng và mục tiêu chuyển tiếp.
Chúng ta cần loại bỏ những bất ổn về quy định và tập trung đổi mới vào việc phê duyệt các dự án trong ngắn hạn, có tính thực tế và khả thi về mặt vay vốn ngân hàng, để đảm bảo nguồn cung cấp điện đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh các thỏa thuận mua bán điện (PPA) theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho các tổ chức đa phương và tổ chức tài chính phát triển cho vay các dự án lớn về chuyển đổi năng lượng và lĩnh vực năng lượng tái tạo.