Giá dầu tăng giữa bối cảnh xuất khẩu dầu thô từ Iraq và Saudi Arabia giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc và Mỹ có dấu hiệu tăng mạnh hơn.
Chốt phiên 18/3, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 1,55 USD (1,8%) lên 86,89 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,68 USD (2,1%) lên 82,72 USD/thùng. Theo đó, giá dầu Brent đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 31/10/2023 và giá dầu WTI đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 27/10/2023.
Tại các thị trường năng lượng khác, giá xăng kỳ hạn của Mỹ đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 31/8.
Về phía nguồn cung, Iraq, quốc gia sản xuất dầu lớn thứ hai của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), cho biết sẽ giảm xuất khẩu dầu thô xuống 3,3 triệu thùng/ngày (bpd) trong những tháng tới để bù đắp cho việc vượt hạn ngạch của OPEC và các đồng minh, còn được gọi là OPEC+ kể từ tháng Một.
Trong tháng Một và tháng Hai, Iraq đã sản xuất nhiều dầu hơn đáng kể so với mục tiêu sản lượng đưa ra hồi tháng Một khi một số thành viên của OPEC+ đồng ý hỗ trợ thị trường.
Tại Saudi Arabia, nhà sản xuất lớn nhất của OPEC, xuất khẩu dầu thô giảm tháng thứ hai liên tiếp, từ mức 6,308 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2023 xuống 6,297 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2024.
Về phía cầu, tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, sản lượng chế tạo và doanh số bán lẻ đều vượt kỳ vọng trong giai đoạn từ tháng Một đến tháng Hai, đánh dấu sự khởi đầu vững chắc cho năm 2024 và mang lại một số hỗ trợ cho các nhà hoạch định chính sách ngay cả khi sự yếu kém trong lĩnh vực bất động sản vẫn là lực cản đối với nền kinh tế.
Các nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Gelber & Associates nhận định nhu cầu dầu thô từ Trung Quốc tiếp tục là yếu tố chi phối thị trường "vàng đen". Sản lượng dầu thô của Trung Quốc trong tháng Một và tháng Hai tăng 3% so với cùng kỳ năm trước do các nhà máy lọc dầu tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu mạnh mẽ trong dịp Tết Nguyên đán.
Tại nền kinh tế lớn nhất thế giới, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được dự đoán sẽ giữ nguyên lãi suất khi kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày từ 19-20/3.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ mạnh hơn dự kiến và lạm phát gia tăng trong năm nay đã khiến các nhà đầu tư đẩy lùi kỳ vọng về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed từ tháng Năm sang tháng Sáu, đồng thời hạ dự báo vào số lần cắt giảm lãi suất trong năm nay.
VTV.vn - Thị trường dầu thế giới đang phải hứng chịu những áp lực mới sau khi Israel mới đây đã bác bỏ các đề xuất ngừng bắn tại dải Gaza.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.25361438091304202-gnaht-4-gnort-tahn-oac-cum-nel-gnat-ioig-eht-uad-aig/et-hnik/nv.vtv