Trong số các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, kim ngạch xuất khẩu của nhiều nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số như: Gỗ và sản phẩm gỗ tăng tới 43,8%; giày dép tăng 18,3% hay hàng dệt may tăng 15%.
Nếu như cùng kỳ năm ngoái các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may phải lo đơn hàng trong ngắn hạn, hay các doanh nghiệp làm may mặc nhỏ phải phân ca cho công nhân đan xen vì không có đơn hàng thì năm nay các doanh nghiệp dệt may cho biết đã có đơn đến hết quý III cho các sản phẩm mùa vụ.
Lượng đã cải thiện, lúc này bài toán làm thế nào để nâng giá đơn hàng xuất khẩu lại được các doanh nghiệp tính đến vì hiện tại các đối tác vẫn chưa có động thái tính đơn giá mới cho các đơn hàng được ký gần đây.
Khi không còn lợi thế nhân công giá rẻ, Tập đoàn Dệt may Việt Nam chọn hướng sản xuất những sản phẩm vải chống cháy đặc thù. Dự kiến, những đơn hàng năm 2024 sẽ mang lại thêm doanh thu 5 triệu USD.
"Tiếp cận thêm các loại vải đặc thù, không phải loại vải thời trang bình thường mà là vải có tính chất đặc biệt đi vào thị trường ngách là vải mang tính công nghiệp đặc biệt, nhờ đó giá trị miếng vải tăng từ 3 -5 lần", ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết.
Còn Tổng Công ty May 10 sau khi thử nghiệm hướng chọn các đơn hàng phức tạp, số lượng nhỏ, năm nay họ tiếp tục duy trì các đơn yêu cầu kỹ thuật khó và linh hoạt thời gian nhận đơn để không bị trống chuyền, họ cũng kỳ vọng đơn giá sẽ được duyệt tăng hơn so với 2023.
Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết: "Tính thời điểm hiện tại tuỳ từng chủng loại mặt hàng ví dụ veston cao cấp thì chúng tôi có hàng hết tháng 6, thậm chí tháng 9/2024. Tôi tin rằng năm nay đủ lượng hàng nhưng thời gian chúng tôi nhận hay chốt đơn hàng sẽ gần hơn".
Năm nay các doanh nghiệp dệt may cho biết đã có đơn đến hết quý III cho các sản phẩm mùa vụ. Ảnh minh họa.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn cũng cân nhắc nhiều phương án để gia tăng giá trị xuất khẩu, đảm bảo các đơn hàng khi xuất đều có lãi dù ít dù nhiều, có như vậy hoạt động doanh nghiệp mới thực sự hiệu quả, giúp họ có đủ năng lực duy trì và mở rộng sản xuất.
Cò theo chuyên gia của Ngân hàng HSBC, tích cực tìm kiếm các đối tác xuất khẩu tại các thị trường mới là cách để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không bị phụ thuộc hoàn toàn vào một đối tác chủ lực, từ đó có thể chủ động về giá cả tương xứng với chất lượng đơn hàng, giảm bớt rủi ro về biến động tỷ giá hiện nay.
"Việt Nam đã kí kết nhiều hiệp định thương mại tự do và các doanh nghiệp nên tận dụng thế mạnh đó để cân nhắc tìm kiếm những thị trường xuất khẩu mới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nên nhận thức về các rủi ro bên ngoài như tình hình địa chính trị, lạm phát gia tăng để có thể xây dựng những kế hoạch dự phòng nhằm giảm thiểu rủi ro và thách thức", ông Surajit Rakshit - Giám đốc toàn quốc Trung tâm thanh toán quốc tế và tài trợ chuỗi cung ứng, Ngân hàng HSBC Việt Nam khuyến nghị.
Cùng với sự nỗ lực từ nội tại, các doanh nghiệp dệt may đều kiến nghị Chính phủ tiếp tục có những hỗ trợ về lãi suất vay vốn, đặc biệt cho ngành sợi để các doanh nghiệp dệt may có đủ nguồn lực, thời gian phục hồi trong bối cảnh cần đầu tư chuyển dịch dây chuyền sản xuất xanh cũng như nghiên cứu các sản phẩm mới đón đầu xu hướng thị trường cao cấp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.22883158091304202-uht-cad-gnud-neyuhc-gnah-nod-uahk-taux-gnouh-mit-yam-ted/et-hnik/nv.vtv