Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam (đại diện chủ đầu tư) vừa kiến nghị UBND huyện Bến Lức (tỉnh Long An) về đề xuất tiếp tục tổ chức bảo vệ thi công gói thầu A1-1 cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Chủ đầu tư cao tốc Bến Lức - Long Thành đã làm việc với Công an huyện Bến Lức
Trong văn bản, chủ đầu tư cho hay thực hiện chỉ đạo của chủ tịch UBND huyện Bến Lức tại cuộc họp ngày 28-2, các bên đã chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện để tổ chức bảo vệ thi công ngày 5-3.
Tuy nhiên, Công ty TNHH Thảo Lan Việt Nam (Công ty Thảo Lan) có đơn trình bày việc bị Công ty TNHH kinh doanh và xây dựng Hoàng Anh (Công ty Hoàng Anh) chiếm đoạt cát trước đây. Vì vậy, công tác bảo vệ thi công phải tạm dừng.
Về các nội dung Công ty Thảo Lan phản ánh trong đơn, chủ đầu tư đã làm việc với Công an huyện Bến Lức. Theo đó, gói thầu A1 do nhà thầu Công ty Halla Corporation - Công ty cổ phần Vinaconex E&C thực hiện.
Việc huy động vật tư, thiết bị phục vụ thi công công trình do nhà thầu hoàn toàn chủ động. Chủ đầu tư không quản lý, theo dõi việc thanh toán giữa các nhà thầu chính, nhà thầu phụ và các đơn vị cung cấp.
Chủ đầu tư xác nhận hạng mục công trình nền đường phạm vi đoạn tuyến Công ty Thảo Lan cản trở đã được nhà thầu thi công, tư vấn nghiệm thu và đã được thanh toán theo đúng quy định.
Việc huy động vật tư, thiết bị, nhân lực phục vụ thi công, cũng như các công tác giao nhận, công nợ, thanh toán cho các đối tác, liên danh Công ty Halla Corporation - Công ty cổ phần Vinaconex E&C hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Vì vậy, các nội dung phản ánh của Công ty Thảo Lan Việt Nam hoàn toàn không liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư. Việc Công ty Thảo Lan tổ chức cản trở trên hiện trường, không cho nhà thầu triển khai thi công sẽ làm chậm tiến độ cả dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành và vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa phận tỉnh Long An.
"Cao tốc Bến Lức - Long Thành là một trong 26 dự án trọng điểm quốc gia năm 2024 được Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp. Để dự án hoàn thành đúng tiến độ theo yêu cầu, đề nghị UBND huyện Bến Lức, UBND xã Mỹ Yên tiếp tục triển khai kế hoạch bảo vệ thi công trước 20-3", Ban quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam kiến nghị.
Cát lên công trình ra sao?
Cao tốc Bến Lức - Long Thành dự kiến thông xe kỹ thuật đoạn tuyến phía đông và phía tây trước tháng 10-2024. Còn toàn tuyến thông xe vào năm 2025.
Tuy nhiên, hiện việc thi công một đoạn 700m đang gặp vướng mắc. Lý do là trước đây nhà thầu A1 cũ là Công ty Halla Corporation - Công ty cổ phần Vinaconex E&C có hợp đồng với Công ty cổ phần Vicomex (nhà thầu phụ) thi công.
Công ty cổ phần Vicomex mua cát của nhà cung cấp (được tư vấn chấp thuận) là Công ty Hoàng Anh. Công ty Hoàng Anh mua cát của Công ty Thảo Lan đưa vào công trình. Do công nợ của hai bên chưa được xử lý nên chưa thể thi công đoạn tuyến trên.
Năm 2022, chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng với liên danh Công ty Halla Corporation - Công ty cổ phần Vinaconex E&C khi khối lượng gói thầu A1 đạt 81,24%. Chủ đầu tư đã đấu thầu để làm khối lượng còn lại với tên gói thầu là A1-1. Liên danh Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng - Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam trúng thầu, bắt đầu thi công cuối tháng 11-2023.
Theo biên bản ngày 2-2 của UBND xã Mỹ Yên (huyện Bến Lức ), khi nhà thầu đưa nhân lực, máy móc đến thi công thì có sự cản trở của Công ty Thảo Lan. Vì vậy, nhà thầu ngừng triển khai đoạn tuyến này và chỉ thi công khi có mặt bằng sạch.
Công ty Thảo Lan muốn đưa cát về
Trước đó, ông Phạm Văn Thảo - giám đốc Công ty Thảo Lan - nói rằng 127.000m³ cát ở 700m trên chưa nhận được tiền thanh toán, chưa xuất hóa đơn. Công ty không cản trở thi công, mà chỉ bảo vệ tài sản của mình và có mong muốn cơ quan chức năng vào làm rõ, xác nhận khối lượng để đưa cát về.
Đến nay, đoạn tuyến dài khoảng 700m ở nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành nơi mà Công ty Thảo Lan đòi mang cát về chưa thể thi công.