Ông Lê Trường Tùng - chủ tịch hội đồng trường Trường đại học FPT - cho rằng tỉ lệ thí sinh học nhóm ngành kinh doanh quản lý như vậy là quá cao.
Cần điều tiết người học vào những ngành cần thiết hơn
"Có lẽ không cần nhiều đến vậy. Bộ cần có những giải pháp mang tính vĩ mô để điều tiết người học vào những ngành học cần thiết hơn cho sự phát triển của xã hội", ông Tùng đề xuất trong hội nghị tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức mới đây.
Ngoài ông Tùng, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng hiện nay học sinh chọn học các môn khoa học xã hội nhiều hơn khoa học tự nhiên. Điều này dẫn đến việc các ngành khoa học cơ bản, khoa học tự nhiên ít người học.
Thống kê kết quả tuyển sinh năm 2023 cho thấy nhóm ngành kinh doanh - quản lý có lượng thí sinh nhập học chiếm gần 1/4 tổng số thí sinh trúng tuyển. Trong số 10 lĩnh vực có tỉ lệ nhập học nhiều nhất, khối ngành khoa học xã hội - kinh tế chiếm phần lớn.
Phản hồi các băn khoăn, kiến nghị liên quan đến việc chọn môn học, chọn ngành học, ông Hoàng Minh Sơn - thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - cũng cho rằng cần đẩy mạnh số lượng và chất lượng người học các ngành khoa học cơ bản và công nghệ - kỹ thuật.
Tuy nhiên, việc thí sinh lựa chọn cũng phụ thuộc vào thị trường lao động. Mong muốn thí sinh học nhiều hơn nhưng cơ hội việc làm các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật - công nghệ có lớn không?
"Phát triển ngành khoa học cơ bản và kỹ thuật công nghệ là mong muốn của tất cả chúng ta nhưng phải đồng hành với sự phát triển kinh tế - xã hội. Nếu không, chỉ có biện pháp "cứng" để nhiều thí sinh học các ngành này nhưng ra trường không có việc làm.
Bộ đang xây dựng các đề án khuyến khích các ngành này. Tỉ lệ người học các ngành này trong vài năm gần đây đang tăng", ông thông tin.
Ngành ít hơn nhưng thí sinh áp đảo
Theo quy định danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2022, lĩnh vực kinh doanh và quản lý gồm 19 ngành đào tạo thuộc bốn nhóm ngành.
Trong đó nhóm ngành kinh doanh có tám ngành đào tạo: quản trị kinh doanh, marketing, bất động sản, kinh doanh quốc tế, kinh doanh thương mại, thương mại điện tử, kinh doanh thời trang và dệt may.
Nhóm ngành tài chính - ngân hàng - bảo hiểm có ba ngành: tài chính ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ tài chính. Nhóm ngành kế toán - kiểm toán có hai ngành: kế toán, kiểm toán.
Nhóm ngành quản trị - quản lý có bảy ngành: khoa học quản lý, quản lý công, quản trị nhân lực, hệ thống thông tin quản lý, quản trị văn phòng, quan hệ lao động, quản lý dự án.
Lĩnh vực kinh doanh và quản lý có số lượng đào tạo lớn hơn các lĩnh vực khác. Tuy nhiên so với nhóm ngành công nghệ - kỹ thuật, kỹ thuật thì số lượng ngành ít hơn nhiều. Trong đó lĩnh vực công nghệ kỹ thuật có bảy nhóm ngành với 24 ngành đào tạo, kỹ thuật có 6 nhóm ngành với 34 ngành đào tạo.
Lĩnh vực sản xuất chế biến có 21 ngành đào tạo nhưng số thí sinh trúng tuyển chỉ 1,4% tổng số thí sinh.
Tuy nhiên, cộng tất cả thí sinh trúng tuyển ba lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến lại cũng chỉ hơn 1/2 số thí sinh trúng tuyển lĩnh vực kinh doanh quản lý.
Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố những mốc thời gian và việc cần thực hiện trong đăng ký, xét tuyển đại học năm 2024.