TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn phê duyệt ranh giải phóng mặt bằng trước khi phê duyệt dự án đầu tư để thực hiện trước công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Theo đó, Thành phố muốn áp dụng cơ chế giải phóng mặt bằng như với dự án đường Vành đai 3 đã làm.
Có tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng, dự án cầu đường Nguyễn Khoái, một trong 3 dự án trọng điểm của TP. Hồ Chí Minh sẽ khởi công trong năm nay. Dự kiến đến cuối tháng 10, bản vẽ thiết kế thi công, hồ sơ mời thầu sẽ sẵn sàng cho công tác mời thầu. Để đẩy nhanh tiến độ, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh kiến nghị, phần giải phóng mặt bằng sẽ có cơ chế thực hiện riêng.
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị để chúng ta có thể áp dụng một số cơ chế giống như Vành đai 3. Đó là tách dự án giải phóng mặt bằng ra một dự án riêng, tiến hành phê duyệt ranh và tiến hành trước một số bước. Hiện nay dự án cầu đường Nguyễn Khoái là một dự án Thành phố xác định công trình trọng điểm".
TP. Hồ Chí Minh đang triển khai các dự án trọng điểm
Ngoài dự án này, TP. Hồ Chí Minh đang triển khai các dự án trọng điểm khác với quy mô lớn như cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, xây dựng đường Vành đai 2 - đoạn 1 và đoạn 2. Nếu có cơ chế giải phóng mặt bằng mới, không chỉ giúp dự án nhanh hơn, mà còn giúp người dân bị ảnh hướng, sớm được an cư nơi ở mới.
Ông Ngô Anh Vũ - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TP. Hồ Chí Minh nêu ý kiến: "Đang có công cụ là Nghị quyết 98, những vướng mắc, những thủ tục, chúng ta vận dụng Nghị quyết 98 để giải quyết, không phải riêng giải phóng mặt bằng mà rất nhiều công tác khác chúng ta vận dụng Nghị quyết 98".
Cơ chế giải phóng mặt bằng của dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh được thực hiện như sau: dự án đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án. Với cách làm này, thành phố sẽ chủ động tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc (thiết kế ranh) giải phóng mặt bằng của các dự án thành phần theo từng giai đoạn. Các địa phương cũng theo thiết kế ranh đã được phê duyệt để rà soát quỹ đất, xác định địa điểm, hình thức tái định cư.
"Có thể là một giải pháp rất tốt bởi vì người ta sẽ có thể kết hợp giải phóng mặt bằng này với một số dự án mà gia tăng giá trị và khai thác hệ thống đường gom. Giải phóng mặt bằng sớm, giải phóng trước thì có thể chi phí nó sẽ thấp hơn" - TS. Nguyễn Ngọc Hiếu - Trường Đại học Việt Đức đưa ra ý kiến.
Chỉ sau một năm thông qua chủ trương đầu tư, dự án đường Vành đai 3 đã tổ chức bàn giao mặt bằng trên 70% để triển khai thi công công trình, vượt tiến độ theo kế hoạch của Chính phủ. Thành quả "thần tốc" trong công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3 nếu được nhân rộng ra các dự án khác sẽ là cơ hội để TP. Hồ Chí Minh bứt tốc mạnh mẽ hơn, đặc biệt là ở các công trình giao thông trọng điểm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.53084850212304202-gnab-tam-gnohp-iaig-gnort-iom-ehc-oc-nix-hnim-ihc-oh-pt/et-hnik/nv.vtv