Mỹ đầu tư dự án chiến lược ở Philippines
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 18/3, Mỹ đề xuất xây một cảng biển ở Batanes, Philippines, nằm trên eo biển chiến lược Luzon.
Nằm cách đảo Đài Loan (Trung Quốc) chưa đầy 200 km, cảng Batanes được đánh giá rất quan trọng về địa chính trị đối với cả Washington và Manila dù eo biển Đài Loan có xảy ra xung đột hay không.
Trong thời bình, cảng do Mỹ đầu tư sẽ cho phép Manila giám sát tốt hơn các biên giới hàng hải phía bắc của mình hoặc phát huy khả năng cứu trợ nhân đạo và thiên tai; còn nếu xảy ra xung đột, cảng này có thể đóng vai trò là điểm trung chuyển chiến lược để vận chuyển vật tư.
Dự án cảng được đề xuất sau nhiều tháng đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông.
Trong cuộc phỏng vấn tại một sự kiện của Hải quân Philippines vào ngày 9/3, Thống đốc Batanes Marilou Cayco tiết lộ rằng, các kế hoạch đang được tiến hành và một nhóm binh sĩ Mỹ sẽ đến vào cuối tháng 4 để thảo luận thêm về cơ sở mới trên địa bàn.
Felix Chang, một thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại Mỹ (FPRI), nhấn mạnh tầm quan trọng địa chính trị của cảng Batanes có khả năng cung cấp nhiên liệu và dịch vụ cho nhiều tàu lớn.
Theo Chang, do áp lực liên tục mà Bắc Kinh gây ra đối với Manila ở Biển Đông, Philippines chỉ thỉnh thoảng cử lực lượng bảo vệ bờ biển hoặc tàu hải quân để tuần tra vùng biển xung quanh Batanes.
Trong trường hợp xảy ra xung đột, Batanes chiếm vị trí chiến lược vì nhóm đảo thống trị ba kênh chính của eo biển Luzon: Bashi, Balintang và Babuyan.
"Tàu chiến của Trung Quốc [đại lục] có thể sẽ đi qua để bao vây Đài Loan và ngăn chặn các nỗ lực tiếp tế cho hòn đảo này từ phía Tây", ông Chang nói.
Sau khi hoàn thành, cảng mới có thể sẽ là "nơi thả neo gần nhất với Đài Loan", cho phép nó đóng vai trò là điểm trung chuyển chiến lược nếu Philippines muốn di tản khoảng 160.000 công dân hiện đang sống trên đảo này.
Ông Chang cho biết thêm, cảng cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai nhanh chóng các khẩu đội tên lửa chống hạm và phòng không trên đất liền, giúp Mỹ-Philippines đối đầu với lực lượng hải quân và không quân thuộc Chiến khu miền Nam Trung Quốc, đồng thời bảo vệ hoạt động vận chuyển đến và đi từ Đài Loan.
"Cảng cũng có thể là nơi trú ẩn cho các tàu Mỹ bị hư hại trong trận chiến hoặc đơn giản đóng vai trò là điểm tiếp nhận binh sĩ thương vong trong chiến đấu", Chang nói.
Trung Quốc cảnh báo rát
Trả lời về dự án cảng Batanes, phát ngôn viên của đại sứ quán Trung Quốc tại Washington Liu Pengyu nói với tạp chí Newsweek vào ngày 11/3: "Là những nước láng giềng, Trung Quốc và Philippines nên hòa hợp với nhau dựa trên nguyên tắc láng giềng tốt đẹp, hữu nghị, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau".
Ông này nhấn mạnh: "Vấn đề Đài Loan là… một lằn ranh đỏ và là ranh giới không được vượt qua. Các bên liên quan như Philippines cần hiểu rõ, hành động cẩn thận, tránh bị thao túng để cuối cùng chịu tổn thương trong vấn đề này".
Đại sứ Trung Quốc tại Manila Huang Xilian cũng cho rằng, Philippines đang "đổ thêm dầu vào lửa" bằng cách cho phép Mỹ mở rộng quyền tiếp cận căn cứ quân sự - một động thái cố gắng can thiệp vào công việc nội bộ của Bắc Kinh.
Trước đó, trong cuộc họp báo hồi tháng 2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cảnh báo Philippines "không nên đùa với lửa" bằng cách đưa quân đến gần Đài Loan.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Philippines đáp trả rằng, Trung Quốc không có quyền bình luận về các quyết định quân sự của Philippines trong lãnh thổ của nước này.
"Batanes là lãnh thổ của Philippines và Trung Quốc không có quyền cảnh báo Philippines về những gì nước này làm trong lãnh thổ của mình", Bộ Quốc phòng Philippines tuyên bố.
Ngoài ra, Đại tá quân đội Philippines Michael Logico tiết lộ hồi đầu tháng này rằng cuộc tập trận quân sự Balikatan hàng năm giữa Mỹ và Philippines dự kiến sẽ được tổ chức vào hai tháng tới tại các địa điểm quan trọng bao gồm các đảo đối diện Đài Loan.
"[Quân đội sẽ] diễn tập lực lượng răn đe trong bối cảnh có những rủi ro địa chính trị ở eo biển Đài Loan...", Cabalza nói.
Trong số 9 căn cứ quân sự Mỹ ở Philippines, Camilo Osias là căn cứ gần đảo Đài Loan (Trung Quoocs) nhất, cách đó khoảng 400 km. Khi cảng Batanes được xây dựng, khoảng cách sẽ rút ngắn một nửa.