Đây trở thành một dấu hiệu đáng lo ngại cho nền kinh tế số 1 thế giới. Báo cáo của Fed New York cho thấy nước Mỹ hiện có tổng cộng hơn 578 triệu tài khoản thẻ tín dụng và hạn mức đạt hơn 4,6 nghìn tỷ USD. Theo tạp chí Fortune, trung bình mỗi người Mỹ có khoảng gần 4 cái thẻ tín dụng với hạn mức chi tiêu lên tới hơn 30.000 USD, tương đương 742 triệu đồng.
Đặc biệt, nhóm người trẻ Gen Z tức là những người sinh từ năm 1997 đến năm 2012 sở hữu trung bình hơn 2 thẻ tín dụng mỗi người. Đà tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã khiến lãi suất thẻ tín dụng trung bình tăng lên mức 22%. Nhưng loại hình tiêu trước, trả sau này vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Mỹ.
Bà Paulina Likos - Phóng viên kênh tài chính CNBC nhận định: "Người tiêu dùng vẫn dùng thẻ tín dụng để chi tiêu cho các sinh hoạt hàng ngày vì giá cả mọi thứ càng ngày càng trở nên đắt đỏ, trong khi thu nhập và lương của họ không tăng kịp với tốc độ lạm phát. Khi càng tiêu nhiều bằng thẻ tín dụng, nợ thẻ của họ lại càng phình to. Cuối cùng là họ mất khả năng trả nợ".
Đây là cái vòng luẩn quẩn. Còn về phía các ngân hàng thì sao? Năm ngoái, các ngân hàng tại Mỹ đã thu phí chậm trả lãi thẻ tín dụng với tổng số tiền thu được lên tới 14 tỷ USD trên cả nước. Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, sẽ công bố một quy định giới hạn mức trần là 8 USD đối với các khoản trả chậm đối với thẻ tín dụng. Nếu ngân hàng muốn thu nhiều hơn, họ phải chứng minh được lý do họ thu nhiều như vậy.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: "Chúng tôi ước tính số phí chậm trả nợ thẻ tín dụng mà các ngân hàng đang thu của người tiêu dùng cao hơn gấp 5 lần so với mức hợp lý. Với đạo luật mới này, phí chậm trả nợ thẻ bây giờ sẽ giảm xuống chỉ còn 8 USD và sẽ giúp người tiêu dùng Mỹ tiết kiệm được tới 10 tỷ USD phí thẻ tín dụng mỗi cuối năm".
Đối mặt với những áp lực từ núi nợ thẻ tín dụng, người Mỹ đang có dấu hiệu suy giảm trong chi tiêu loại thẻ này. Tháng 9 năm ngoái, chi tiêu thẻ tín dụng tại các nhà bán lẻ đã giảm gần 11% theo dữ liệu từ ngân hàng Citi.
Một số nhà kinh tế cho rằng, việc giảm chi tiêu bằng thẻ tín dụng phản ánh những căng thẳng tài chính ngày càng lớn đối với người tiêu dùng có thu nhập thấp. Những người này vốn phụ thuộc nhiều hơn vào tín dụng quay vòng cũng như chịu sức ép lớn hơn từ việc thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay của các ngân hàng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.3085205181304202-cul-yk-oac-gnud-nit-eht-on-nahn-ihg-ym-iougn/et-hnik/nv.vtv